Thị trường bất động sản đang trong giai đoạn điều chỉnh và sàng lọc, sức cầu chung của toàn thị trường tiếp tục suy giảm và mặt bằng giá bán sơ cấp của các phân khúc không biến động nhiều so với tháng trước.
Bộ Xây dựng đang lấy ý kiến góp ý Dự thảo Tờ trình và Dự thảo Luật Kinh doanh Bất động sản (sửa đổi); Dự thảo Tờ trình và Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) với nhiều điểm mới. Đây được xem là hai luật quan trọng có ảnh lớn và hưởng trực tiếp thị trường bất động sản cũng như các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.
PGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, một trong những việc quan trọng hiện nay đó là làm chính sách nhưng không được có sự quay xe đột ngột, làm như vậy sẽ “giết” doanh nghiệp. Làm chính sách thì phải dự báo được, nhất là lúc này tình thế bất thường, doanh nghiệp sau hai năm chịu tác động của đại dịch vẫn đang còn yếu.
“Tính mệnh lệnh hành chính đe dọa doanh nghiệp cá nhân nặng lắm. Đây là yếu tố quan trọng để các nhà hoạt định chính sách biết cách ứng xử với nền kinh tế và với các doanh nghiệp”, vị này nói.
Theo chuyên gia, Chính phủ đang có quyết tâm rất cao trong việc đẩy tiến độ giải ngân cả đầu tư công và Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế. Hiện đầu tư công mới đạt 40% và muốn đẩy lên 90%, hay giải ngân gói phụ hồi mới đạt 17%. Vốn đầu tư công thấm qua các dự án vào nền kinh tế và tiếp đó là vào khu vực tư nhân sẽ giảm áp lực lên các nguồn vốn khác.
Bên cạnh đó, một trong những giải pháp đang được Chính phủ đặc biệt quan tâm chú ý đó là Nghị định 153 sửa đổi liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp. PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, việc sửa luật cốt làm sao để không bị ắch tắc, dừng đột ngột và doanh nghiệp có thể nối được dòng chảy vốn vì đây là nguồn vốn dài hạn. Tinh thần chỉnh sửa Nghị định này là đảm bảo cho các dự án tốt, các doanh nghiệp tín nhiệm được tiếp cận nguồn vốn này được dễ dàng.
“Các điểm này sẽ giúp thị trường của chúng ta không chỉ khôi phục tốt hơn mà còn có bước tiến mạnh”, chuyên gia nhấn mạnh.
Theo thống kê của Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA), trong tháng 8, chỉ có hai doanh nghiệp bất động sản phát hành tổng cộng 1.800 tỷ đồng trái phiếu. Tính từ đầu năm đến nay, nhóm bất động sản phát hành 47.060 tỷ đồng trái phiếu (chiếm 21,3% tổng khối lượng phát hành), giảm mạnh so với cùng kỳ.
Duy chỉ có một thông tin tích cực đó là Ngân hàng Nhà nước mới đây đã điều chính nới room tín dụng cho 15 ngân hàng thương mại, tạo điều kiện cho tín dụng vào sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên. Đây được đánh giá là yếu tố hỗ trợ cần thiết để có thể duy trì dòng vốn cho các doanh nghiệp trước khi quy định mới về trái phiếu doanh nghiệp được ban hành và có hiệu lực.
Tuy nhiên, theo đánh giá của một chuyên gia, mặc dù nhiều ngân hàng đã được nới “room” nhưng số tiền không nhiều, chỉ vài trăm nghìn tỷ và con số này không thấm tháp gì với thị trường bất động sản.
“Tôi đang mường tượng trong khoảng tháng 10 tới đây, rất nhiều doanh nghiệp đến hạn phải trả lãi trái phiếu. Vậy tiền đâu để trả, vấn đề này đối mặt với rất nhiều hệ lụy, khó khăn dồn khó khăn. Khó khăn này làm giảm nguồn cung ra thị trường,… do dự án bị dừng lại”, vị này nói.
Bước sang tháng 8, thị trường bất động sản vẫn chứng kiến sự ảm đạm tại nhiều khu vực. Báo cáo thị trường tháng 8 của DKRA Vietnam cho thấy, nguồn cung mới thị trường đất nền tại TP HCM và vùng phụ cận thấp nhất kể từ đầu năm. Nguồn cung mới chủ yếu tập trung tại các tỉnh Long An, Bình Dương và Đồng Nai, hầu hết các dự án mở bán với số lượng nền khiêm tốn.
Tổng Hợp