Bất cập của một số quy định pháp luật làm tăng nguồn cung dự án để đáp ứng nhu cầu nhà ở rất đa dạng từ bình dân đến cao cấp cho mọi tầng lớp dân cư trong xã hội…
Dưới góc nhìn của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP HCM (HoREA), hiện nay, thị trường bất động sản đang rất thiếu nguồn cung nhà ở, nhất là loại nhà ở thương mại bình dân (nhà ở giá vừa túi tiền) và nhà ở xã hội. Đây là hai loại nhà đáp ứng nhu cầu thực của đông đảo người thu nhập trung bình và người thu nhập thấp đô thị. Do thiếu cung trong lúc tổng cầu rất lớn, mà theo quy luật cung – cầu đã dẫn đến tình trạng giá nhà tăng liên tục trong hơn 5 năm qua.
Vị này cho rằng, để kéo giảm giá nhà ở trên thị trường bất động sản thì phải có giải pháp hiệu quả làm tăng nguồn cung nhà ở. Song, muốn tăng nguồn cung nhà ở thì trước hết phải tháo gỡ một số vướng mắc, bất cập của một số quy định pháp luật làm tăng nguồn cung dự án để đáp ứng nhu cầu nhà ở rất đa dạng từ bình dân đến cao cấp cho mọi tầng lớp dân cư trong xã hội.
Đồng thời, muốn đảm bảo an sinh xã hội về nhà ở thì phải xây dựng hoàn thiện cơ chế chính sách để tạo điều kiện phát triển nhà ở xã hội và loại nhà ở giá phù hợp với thu nhập của đa số người dân trong xã hội là những người có thu nhập trung bình và người có thu nhập thấp đô thị (bao gồm cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang, người mới lập nghiệp, mới lập gia đình, công nhân lao động và người nhập cư).
Theo đó, muốn có nhiều nhà ở xã hội và nhà ở giá phù hợp với thu nhập thì phải tháo gỡ các vướng mắc, bất cập của một số quy định pháp luật hiện hành và bổ sung các cơ chế chính sách mới (hiện nay chưa có) để đẩy mạnh hoạt động phát triển nhà ở xã hội và nhà ở giá phù hợp với thu nhập.
Trong báo cáo thị trường bất động sản quý II/2023, Bộ Xây dựng đánh giá, giá giao dịch chung cư mới ở một số thành phố lớn như Hà Nội và TP HCM là tăng cao tại một số khu vực dù thị trường bất động sản đang có dấu hiệu chững lại. Phân khúc căn hộ bình dân có mức giá dưới 25 triệu đồng/m2 gần như có không biến động và không có dự án mới.
Tính đến quý II, Bộ cho biết cả nước có 294 dự án nhà ở xã hội đang triển khai xây dựng với quy mô xây dựng khoảng 288.499 căn.
Trong đó, đối với chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị, có 201 dự án với khoảng 162.227 căn đang được tiếp tục triển khai xây dựng; có 6 dự án với khoảng 1.892 căn đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai.
Đối với chương trình phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp, có 93 dự án với quy mô xây dựng khoảng 127.272 căn hộ đang tiếp tục triển khai.
TP HCM – trung tâm kinh tế của Việt Nam, nổi bật với giá nhà trung bình là 296.000 USD (hơn 7 tỷ đồng/căn) với thu nhập trung bình của một hộ gia đình ở mức 9.120 USD/năm. Theo tính toán của ULI, chỉ số chênh lệch giữa giá nhà và thu nhập tại TP HCM đang ở mức 32,5, cao thứ 2 trong khu vực chỉ sau Thâm Quyến, Bắc Kinh, Thượng Hải và Hong Kong.
Trong khi đó, chỉ số này ở Hà Nội là 18,3 với mức thu nhập trung bình năm của hộ gia đình là 9.967 USD, cao hơn Seoul, Tokyo hay nhà ở thương mại Singapore.
Ở thị trường nhà ở cho thuê, giá thuê trung bình hàng tháng trên mỗi căn hộ tại TP HCM là 592 USD, tương đương khoảng hơn 14 triệu đồng. Đây là thị trường chủ yếu phù hợp với nhóm lao động trẻ có thu nhập cao hoặc nhóm người nước ngoài làm việc tại Việt Nam.
Tổng Hợp
(VietnamBiz)