Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) cho biết, thị trường bất động sản (BĐS) đang rất khó khăn và đứng trước khả năng rơi vào suy thoái. Vướng mắc pháp lý là lớn nhất, chiếm 70% khó khăn của các dự án BĐS…
Theo Chủ tịch HoREA Lê Hoàng Châu, để tháo gỡ khó khăn hiện nay, Chính phủ và các bộ ngành cần thực hiện đồng bộ giải pháp. Giải pháp lớn nhất là hoàn thành sửa đổi Luật Đất đai 2013 và một số luật liên quan, đảm bảo tính thống nhất để phát triển thị trường BĐS an toàn, bền vững. Kế đến là tạo điều kiện cho các DN, người mua nhà được tiếp cận nguồn vốn tín dụng đối với các dự án nhà ở giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội, nhất là các DN thực hiện tốt các nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước, có dự án đảm bảo yếu tố pháp lý.
Vướng mắc pháp lý là lớn nhất, chiếm 70% khó khăn của các dự án BĐS trong quá trình chuẩn bị đầu tư, xây dựng và kinh doanh. Nguyên nhân chủ yếu là do một số quy định pháp luật không đồng bộ, thiếu thống nhất. Không những vậy, thủ tục hành chính rắc rối, phức tạp, thiếu liên thông làm kéo dài thời gian thực hiện đối với các dự án BĐS, làm mất cơ hội kinh doanh, tăng chi phí đầu tư. Nhiều DN BĐS gặp rủi ro, bị sụt giảm sâu thanh khoản, thậm chí mất thanh khoản và phải thực hiện các biện pháp đau đớn để tồn tại.
Theo lãnh đạo một DN BĐS tại TPHCM, nửa năm qua, công ty của ông không có nguồn thu từ các hoạt động bán hàng. Đáng lo hơn, thời gian gần đây DN liên tục nhận được nhiều đơn xin hoãn thanh toán không phạt lãi của khách hàng. Thậm chí có không ít khách hàng xin thanh lý hợp đồng, nhận lại tiền đóng trước, bất chấp chịu phạt, khiến DN rất đau đầu để cân nhắc xử lý.
Mỗi tháng trôi qua, công ty phải gồng nhiều khoản chi phí để duy trì vận hành bộ máy trong khi vẫn chịu áp lực dòng tiền cho các khoản lãi vay ngân hàng. Chưa kể, những chi phí lớn thường kỳ bắt buộc phải chi cho văn phòng làm việc, lương và phúc lợi nhân viên, công nợ nhà cung cấp, hoa hồng môi giới… “Nếu tình hình này tiếp tục kéo dài, chúng tôi sẽ buộc phải cân nhắc đến các biện pháp giãn thanh toán tiền lương người lao động, điều chưa từng có ở DN tôi”, vị lãnh đạo DN BĐS này nói.
Cũng theo vị lãnh đạo DN BĐS trên, dòng tiền bị nghẽn đang là vướng mắc lớn của thị trường. Lãi suất vay ở mức cao dẫn đến thanh khoản yếu, giao dịch BĐS trầm lắng trong những tháng cuối năm 2022 và đầu năm 2023. “Động thái hạn chế dòng tín dụng vào BĐS khiến cả chủ đầu tư và người mua nhà đều gặp khó khăn. Hy vọng, trong thời gian tới các cấp quản lý sẽ có biện pháp kịp thời tháo gỡ điểm nghẽn, mở van để thị trường BĐS phát triển lành mạnh trở lại”, vị lãnh đạo DN BĐS nói.
UBND TP HCM vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng kiến nghị nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.
Theo đó, để tạo điều kiện cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, hiệu quả, TP HCM kiến nghị nguồn thu từ tiền sử dụng đất của các chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ tài chính về quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại bổ sung cho quỹ phát triển nhà ở thành phố để đầu tư phát triển nhà ở xã hội.
Thành phố cũng kiến nghị tập trung kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, của tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm.
Đồng thời, kiến nghị bộ, ngành chức năng cho phép chủ đầu tư đã hoàn thành việc bồi thường giải phóng mặt bằng, đã có quyết định giao đất và hoàn thành nghĩa vụ tài chính do cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận đối với toàn bộ dự án hoặc một phần dự án, đang thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được phép chuyển nhượng dự án hoặc một phần dự án tương ứng.
Đề nghị sớm ban hành quy định về thuế suất giao dịch bất động sản và số lượng bất động sản sở hữu chịu thuế để tạo động lực cho người dân khai báo đúng giá trị giao dịch, giao dịch chính thức, tăng nguồn thu từ giao dịch bất động sản, đảm bảo hoạt động kinh doanh bất động sản được minh bạch và lành mạnh.
Các kiến nghị của TP HCM được nêu lên trong bối cảnh thị trường bất động sản thời gian qua, đặc biệt là khoảng nửa cuối năm 2022 gặp nhiều khó khăn về pháp lý các dự án, vướng mắc về tính tiền sử dụng đất, kiểm soát tín dụng, các phát sinh trên thị trường trái phiếu…
Theo đánh giá Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HOREA), thị trường bất động sản đang rất khó khăn, sức mua và thanh khoản giảm mạnh, thiếu dòng tiền; thiếu nguồn cung nhà ở đi liền với cơ cấu sản phẩm nhà ở không hợp lý, thiếu nhà ở giá vừa túi tiền, nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân, thừa nhà ở cao cấp; giá nhà tăng liên tục vượt quá khả năng tài chính của đa số người dân nên khó tạo lập được nhà ở.
Do thị trường bất động sản đang rất khó khăn nên một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản phải thực hiện các giải pháp cấp thời tự cứu mình để tồn tại và chờ cơ hội đầu tư kinh doanh mới, như phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh (dừng, đình hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án, công trình; dừng triển khai các dự án mới; dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn; dừng IPO, mua lại trái phiếu trước thời hạn).
Do tắc nguồn vốn tín dụng, trái phiếu, vốn huy động từ khách hàng, nên một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản “đói vốn” đã phải vay vốn ngoài xã hội (tín dụng đen) với lãi suất rất cao đầy rủi ro, hoặc phải bán bớt tài sản, chuyển nhượng dự án hoặc bán sản phẩm bất động sản, nhà ở với chiết khấu sâu (thậm chí đến 40-50% giá hợp đồng) tạo ra cơ hội cho khách hàng mua với giá rẻ hơn, nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro do đây là sản phẩm hình thành trong tương lai.
HOREA cho rằng, nếu không có các giải pháp xử lý kịp thời, hiệu quả thì thị trường bất động sản có thể trượt vào suy thoái, khủng hoảng có thể kéo theo suy thoái, khủng hoảng kinh tế, tác động bất lợi đến mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội.
Tổng Hợp
(Tiền Phong, Bizlive)