Sự mất thanh khoản đang diễn ra trên diện rộng và ở hầu hết các thị trường, các phân khúc. Giám đốc một sàn giao dịch bất động sản thuộc một tập đoàn có tên tuổi ở TP.HCM đang triển khai dự án tại Bình Dương cho biết, hơn 3 tháng trước, khi công bố nhận giữ chỗ dự án, đã có hàng trăm người quan tâm đăng ký, nhưng gần đây, khi dự án chính thức triển khai bán hàng, hầu hết khách hàng đã “bỏ chạy”.
Vị giám đốc chia sẻ rằng, vài tháng trở lại đây, đặc biệt là sau động thái ngân hàng siết tín dụng bất động sản, thị trường đã bộc lộ rõ tâm lý phòng thủ, mà một khi thị trường thiếu vắng dòng vốn sẽ rất dễ dẫn đến nguy cơ “đóng băng”.
Không chỉ dòng tiền, thị trường còn gặp nhiều vướng mắc về thủ tục pháp lý dự án chậm được tháo gỡ, khiến cho dòng vốn của doanh nghiệp bị chôn chặt. Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), vướng mắc lớn nhất mà các doanh nghiệp gặp phải và chiếm tới 70% khó khăn của các dự án bất động sản, dự án nhà ở trong quá trình chuẩn bị đầu tư, xây dựng và kinh doanh, đó là quy định pháp luật thiếu đồng bộ, thống nhất.
Bên cạnh nguồn vốn, câu chuyện thủ tục pháp lý dự án bị ách tắc kéo dài cũng đẩy nhiều doanh nghiệp địa ốc vào tình trạng “dở sống, dở chết”, vì nguồn vốn bị chôn chặt, thị trường mất cân đối cung – cầu. Do vậy, theo chia sẻ của các doanh nghiệp, để tháo gỡ khó khăn cho thị trường, Nhà nước cần có chính sách phân loại doanh nghiệp, phân loại dự án, tách nhóm theo cấp độ rủi ro và có chính sách hỗ trợ riêng biệt, tránh việc đánh đồng như hiện nay. Các chính sách tiền tệ cũng cần đồng hành với doanh nghiệp và người dân có nhu cầu thực về nhà ở nhằm đảm bảo dòng vốn hướng đến đúng đối tượng, mục đích trong ngắn hạn và dài hạn, tạo động lực phát triển cho doanh nghiệp dựa trên tiêu chí các nhóm doanh nghiệp đã được đánh giá và phân loại.
Không chỉ tại TP.HCM với hàng trăm dự án bị vướng pháp lý trong suốt nhiều năm qua, mà tình trạng ách tắc pháp lý ngày càng lan rộng ra nhiều địa phương phía Nam khác. Đơn cử, tại Bà Rịa – Vũng Tàu, hàng loạt chủ đầu tư dự án đang phải “đau đầu” vì vướng thủ tục. Theo chia sẻ của đại diện các chủ đầu tư, hầu hết dự án tại đây đang “đứng hình” với lý do phải chờ chính quyền địa phương phê duyệt “Kế hoạch phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu năm 2021-2022 và giai đoạn 2021-2025”. Đây là hành lang pháp lý để địa phương này xem xét thủ tục đầu tư các dự án, nhưng đến nay, kế hoạch phát triển nhà ở này vẫn chưa được chính quyền địa phương phê duyệt, dẫn đến việc một loạt dự án chưa thể triển khai.
Theo ông Lê Hoàng Châu, hiện nay, phần lớn doanh nghiệp địa ốc rơi vào tình trạng không còn tiền để trả lãi vay, trả nợ, duy trì bộ máy và hỗ trợ, giữ chân người lao động. Nhiều dự án không thể triển khai đúng tiến độ, hoạt động giao dịch sụt giảm mạnh. Trên thị trường xuất hiện ngày càng nhiều dự án bị gián đoạn hoặc phải thay đổi kế hoạch triển khai do thiếu vốn.
Thị trường bất động sản đang đối mặt với tình trạng chung là “tê liệt” niềm tin, thanh khoản “tắc” trên diện rộng, bất kể là sản phẩm tốt xấu, nhu cầu thực hay ảo, nên cần được “khoanh vùng” để có giải pháp hỗ trợ phù hợp.
Tổng Hợp