Trước thông tin thị trường bất động sản Đà Nẵng rớt giá thê thảm, ông Nguyễn Đức Lập cho rằng, thị trường bất động sản TP. Đà Nẵng chưa bao giờ mong manh và dễ vỡ như vừa qua, nhưng đến phút này vẫn còn trụ vững!
Thời gian qua, có luồng thông tin cho rằng thị trường bất động sản ở TP. Đà Nẵng đang rơi vào tình trạng đóng băng, thậm chí rớt giá thê thảm. Tuy nhiên, trao đổi với Reatimes, ông Nguyễn Đức Lập – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Bất động sản, Ủy viên Thường vụ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam rất lạc quan khi nói về thị trường bất động sản sau khi dịch bệnh Covid-19 đã được kiểm soát.
Thị trường bất động sản TP. Đà Nẵng vẫn còn nhiều hấp lực đối với nhà đầu tư
PV: Ông đánh giá như thế nào về thị trường bất động sản Đà Nẵng nói riêng và khu vực miền Trung nói chung trong thời gian vừa qua cũng như ở hiện tại, sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát?
Ông Nguyễn Đức Lập: Thị trường bất động sản khu vực TP. Đà Nẵng trong chu kỳ này sớm đạt đỉnh so với thị trường chung của cả nước. Tháng 3/2019 là đỉnh chính thức của thị trường sau đợt sốt nóng từ Tết âm lịch. Kể từ đó, thị trường nhanh chóng giảm mạnh. Cho đến thời điểm làn sóng dịch Covid-19 lần 1 xuất hiện vào tháng 3/2020, tức là sau 1 năm, loại hình đất nền dự án, sản phẩm điển hình và chiếm tỷ trọng tuyệt đối trên thị trường, giảm từ 30% đến 60% so với đỉnh tạo lập trước đó. Với loại hình bất động sản du lịch, giá đã lập đỉnh từ nửa cuối năm 2018 và ngưng trệ giao dịch từ đó, tỷ lệ giảm giá không mạnh như đất nền, giao dịch gần như đóng băng.
Ở thời điểm hiện tại, sau làn sóng Covid-19 lần 2, tình hình giao dịch tiếp tục trầm lắng, chỉ có khu vực phía Nam Đà Nẵng vẫn có giao dịch. Điển hình là khu Nam Hòa Xuân, giá trong thời điểm dịch Covid-19 lần 1 có lô rao bán 2,1 tỷ nhưng đến lúc này đã tăng thêm khoảng 200 triệu đồng/lô, chưa hề thấy giảm. Các khu đô thị như FPT, Phước Lý, Cẩm Lệ… phân khúc giá dao động quanh mức 2 tỷ đồng vẫn đang có giao dịch.
Các dự án phía Nam Đà Nẵng giao dịch rất tốt nhờ có pháp lý, sổ đỏ rõ ràng
Tại khu vực Quảng Nam, vùng lân cận TP. Đà Nẵng, các dự án ở khu vực Nam Hội An hay Điện Thắng, TX. Điện Bàn, lượng giao dịch đất nền vẫn diễn ra khá. Điểm chung tại các dự án này là đã có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và hạ tầng hoàn chỉnh.
PV: Ông nhận định như thế nào về thông tin cho rằng, một số cá nhân vỡ nợ do liên quan đến đầu cơ bất động sản đã tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản khu vực, trong đó có Đà Nẵng?
Ông Nguyễn Đức Lập: Đầu tiên, nhiều nhà đầu tư khá sốc, tuy nhiên không hề có động thái hoảng loạn trên thị trường như mọi người thường nghĩ. Đối tượng vỡ nợ là người chuyên đầu tư các bất động sản có giá trị lớn nằm ven biển, nên qua 2 làn sóng Covid-19, họ không chịu nổi sự biến động trên thị trường, tài sản hầu như không thanh khoản sau khoảng thời gian dài từ nửa cuối năm 2018 nên vỡ nợ. Còn chủ nợ là các “đại gia”, chứ chưa thấy những người nghèo hoặc người vay nợ từ nhiều người khác nhau nên chưa ghi nhận hiệu ứng đổ vỡ dây chuyền trên thị trường như thường thấy. Tuy nhiên, đây cũng là thông tin tác động khá xấu đến tâm lý thị trường.
PV: Thực tế giá đất tại một số dự án ở TP. Đà Nẵng có giảm, nhưng lại rơi vào những khu vực ít lợi thế, xa trung tâm. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?
Ông Nguyễn Đức Lập: Đúng là như vậy. Những khu vực càng xa trung tâm, tỷ lệ lấp đầy dân cư thấp, hạ tầng chưa hoàn chỉnh, thì càng có mức giảm sâu hơn. Ngược lại, những khu đã hoàn thiện hạ tầng, pháp lý hoàn chỉnh, cư dân lấp đầy hơn sẽ có mức độ giảm thấp hơn.
PV: Theo ông, thời điểm này có nên đầu tư vào bất động sản, nhất là đối với các dự án tiềm năng, pháp lý rõ ràng và chủ đầu tư có năng lực thực sự?
Ông Nguyễn Đức Lập: Đây thực sự là cơ hội tốt cho những người có nhu cầu mua để ở, cũng như các nhà đầu tư có nguồn vốn nhàn rỗi và định hướng đầu tư dài hạn. Họ sẽ có cơ hội lựa chọn những tài sản có vị trí đẹp với giá khá tốt. Rất nhiều sản phẩm đã hoàn chỉnh pháp lý và hạ tầng, sản phẩm đang được chào bán trên thị trường hiện nay. Quan điểm đầu tư lúc này là “An toàn – Nhiều tiền nhàn – Dài hạn”.
Ông Nguyễn Đức Lập – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Bất động sản (Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam)
PV: Các chuyên gia cho rằng sau đại dịch Covid-19, thị trường bất động sản sẽ hồi phục nhanh nhất. Liệu thời điểm này có phải là cơ hội cho các nhà đầu tư?
Ông Nguyễn Đức Lập: Diễn biến của dịch bệnh Covid-19 là rất khó đoán. Đây là ẩn số ám ảnh các nhà đầu tư, vì nó có tính quyết định trên thị trường bất động sản hiện nay. Dịch càng kéo dài, hậu quả gây ra cho thị trường càng lớn. Việc lựa chọn thời điểm đầu tư như thế nào trong giai đoạn này nên để trực giác của nhà đầu tư lên tiếng. Tất nhiên, đợi đến khi mọi chuyện đã quá rõ ràng như dịch bệnh đã hoàn toàn được khống chế trên phạm vi toàn cầu thì e rằng sẽ quá muộn.
Với thị trường TP. Đà Nẵng, nơi chịu tác động mạnh nhất của dịch Covid-19 so với cả nước thì niềm tin của nhà đầu tư nơi đây bị tác động dữ dội, nhưng điều mà nhiều người mong chờ về làn sóng bán tháo tài sản vẫn chưa xảy ra. Thị trường bất động sản Đà Nẵng chưa bao giờ mong manh và dễ vỡ như vừa qua, nhưng đến giờ phút này vẫn còn trụ vững!
Với TP. Đà Nẵng, sau khi dịch Covid-19 được khống chế, bất động sản sẽ là thị trường phục hồi sớm nhất bởi một số yếu tố sau:
Thứ nhất, quỹ đất Đà Nẵng khan hiếm, hầu như không còn nhiều để làm đô thị, hơn 86% quỹ đất đô thị đã được khai thác và phân chia; chỉ còn lại các khu vực xa trung tâm, cần đầu tư hạ tầng lớn.
Thứ hai, chu kỳ suy giảm và đóng băng đã kéo dài gần 1,5 năm, kéo theo giá cả về vùng giá trị “thật”.
Thứ ba, lãi vay ngân hàng hiện đã giảm từ 11 – 12%/năm về còn dưới 7%.
Và cuối cùng, TP. Đà Nẵng sắp được Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể, kéo theo đó sẽ là sự gia tăng đầu tư và phát triển hạ tầng mạnh mẽ./.
Hữu Trà (thực hiện)