Thị trường bất động sản của Trung Quốc đã chậm lại kể từ tháng 6/2021 khi các cơ quan quản lý đẩy mạnh chiến dịch giảm đòn bẩy đối với lĩnh vực đang bất động sản phát triển mạnh, gây ra tình trạng vỡ nợ tại một số công ty mắc nợ lớn.
Theo tính toán của Reuters từ dữ liệu do Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố, giá nhà mới trung bình tại 70 thành phố lớn của Trung Quốc đã giảm 0,2% trong tháng 12 so với tháng 11, chậm hơn mức giảm 0,3% trong tháng 11.
Thị trường bất động sản của Trung Quốc đã chậm lại kể từ tháng 6/2021 khi các cơ quan quản lý đẩy mạnh chiến dịch giảm đòn bẩy đối với lĩnh vực đang bất động sản phát triển mạnh, gây ra tình trạng vỡ nợ tại một số công ty mắc nợ lớn. Mặc dù vậy, sự sụt giảm trong lĩnh vực bất động sản đã được kiểm soát khi chính quyền và các nhà phát triển bất động sản ở nhiều thành phố đã đưa ra các biện pháp vào tháng 12 để thúc đẩy doanh số bán nhà, trong khi chính quyền địa phương cung cấp hỗ trợ tài chính cho người mua và các công ty bất động sản chiết khấu.
Zhang Dawei, nhà phân tích trưởng tại Công ty đại lý bất động sản Centaline cho biết: “Thị trường bất động sản đang dần chạm đáy với thời kỳ tín dụng thắt chặt nhất đã qua. Các thành phố hạng nhất và hạng hai sẽ là những thành phố đầu tiên đi lên từ suy thoái”. Trong khi đó, giá nhà mới trong tháng 12 đã tăng 2,6% so với cùng kỳ năm ngoái, chậm hơn mức tăng 3,0% được ghi nhận vào tháng 11. Trong một lưu ý gần đây, các nhà phân tích của Oxford Economics cho biết, họ mong đợi chính quyền trung ương và địa phương thực hiện các bước để ngăn chặn rủi ro từ các vụ vỡ nợ của các nhà phát triển bất động sản, chẳng hạn như tăng tín dụng cho lĩnh vực này và điều chỉnh chính sách “ba lằn ranh đỏ” nghiêm ngặt được đưa ra để hạn chế việc vay nợ của các chủ đầu tư bất động sản.
Biện pháp gia hạn thanh toán do các trái chủ cho nhà phát triển bất động sản như China Evergrande Group được đưa ra khi các nhà chức trách ngày càng nhấn mạnh sự cần thiết phải duy trì sự ổn định kinh tế. Yan Yuejin, Giám đốc nghiên cứu của Viện Nghiên cứu và Phát triển E-house Trung Quốc cho biết ông hy vọng các chính sách bất động sản sẽ tiếp tục được nới lỏng trong quý I do tác động kinh tế lớn của thị trường bất động sản. “Dữ liệu tháng 12 là một dấu hiệu tích cực và chỉ ra rằng giá nhà sẽ không giảm thêm”, ông cho biết.
Cổ phiếu của Tập đoàn bất động sản Shimao Group trượt giá hơn 17% trong ngày giao dịch 7/1 tại Hong Kong sau khi Reuters đưa tin rằng công ty này đã không hoàn trả đầy đủ khoản vay ủy thác. Một công ty con của Shimao Group sau đó lên tiếng rằng họ đang đàm phán để giải quyết khoản nợ. Cụ thể, Shimao đã không thanh toán khoản vay còn lại 645 triệu nhân dân tệ (tương đương 101 triệu USD), theo China Credit Trust, bên được ủy thác cho khoản vay. Hãng tin Reuters dẫn hai nguồn tin giấu tên xác nhận lá thư của China Credit Trust với nội dung trên.
Như vậy, ngoài Evergrande, Shimao đã bị giới đầu tư đưa vào diện lo ngại với những rắc rối tài chính. “Lý do khiến thị trường lo lắng về trường hợp này (Shimao – BTV) nhiều hơn so với các doanh nghiệp bất động sản khác đang gặp rắc rối [là] bởi Shimao vốn là thương hiệu tương đối lành mạnh”, ông Gary Ng, chuyên gia kinh tế châu Á – Thái Bình Dương tại Ngân hàng đầu tư Natixis (Pháp) cho biết.
Ông Gary Ng cho rằng Shimao đã đáp ứng tất cả 3 “lằn ranh đỏ” mà Bắc Kinh đặt ra đối với dòng tiền, tài sản, và mức vốn của doanh nghiệp bất động sản. Vấn đề thực chất của Shimao là họ đang gặp áp lực lớn khi chuyển đổi kinh doanh trong tình hình hiện nay. Tương tự, Guangzhou R&F Properties, một công ty bất động sản có quy mô nhỏ hơn, đầu tuần này đã xác nhận họ không có đủ tiền thanh toán trái phiếu mà nguyên nhân là đến từ việc bán tài sản để huy động nguồn tiền.
Trên thực tế, ngành bất động sản khổng lồ của Trung Quốc đã phải chịu áp lực lớn khi Bắc Kinh tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào nợ của các doanh nghiệp bất động sản trong 2 năm qua. Vài tháng trở lại đây, giới đầu tư toàn cầu chăm chú dõi theo tình hình sức khỏe và khả năng trả nợ của Evergrande, tập đoàn bất động sản lớn thứ hai tại Trung Quốc (xét về doanh số) đang “cõng” núi nợ 300 tỷ USD. Nguy cơ Evergrande sụp đổ và những ảnh hưởng lây lan ra nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng trở thành tâm điểm chú ý.
Theo đánh giá của Natixis, tâm lý của nhà đầu tư đối với các doanh nghiệp bất động sản Trung Quốc ngày càng trở nên tiêu cực trong vài tháng qua. Trước khi để mắt đến Evergrande, ở thời điểm tháng 6/2021, thị trường mới chỉ đưa 15% nhà phát triển bất động sản Trung Quốc trong diện tiêu cực. Nhưng gần 6 tháng sau, tỷ lệ này đã tăng hơn gấp đôi lên 35% vào tháng 12 khi Evergrande ngừng trả tiền đúng hạn cho các nhà đầu tư và nhiều doanh nghiệp bất động sản khác của Trung Quốc gặp khó khăn tài chính tương tự.
Truyền thông quốc tế đưa tin Evergrande vỡ nợ vào đầu tháng 12/2021, nhưng vụ việc không lập tức gây ra cú sốc lớn đến thị trường như các nhà đầu tư đã lo lắng trước đó.
Tổng Hợp