Thời gian qua, thị trường bất động sản công nghệ (Proptech) gặp nhiều biến động. Trên bình diện toàn cầu, hàng loạt công ty Proptech lớn đã phải đóng cửa và tại Việt Nam cũng diễn ra câu chuyện tương tự, mà trường hợp của Propzy là một điển hình.
Từng gọi vốn cộng đồng lên tới 30 triệu USD, Propzy (ra đời năm 2016) từng tham vọng chiếm lĩnh thị trường số hóa giao dịch bất động với các loại dịch vụ, từ trung tâm bán hàng truyền thống đến giao dịch bất động sản trực tuyến, các sản phẩm tài chính như cho vay thế chấp và cuối cùng là phần mềm doanh nghiệp cho người quản lý và người thuê nhà.
CEO Propzy John Le từng tiết lộ, start-up này đã thực hiện số lượng giao dịch bất động sản trị giá hơn 1 tỷ USD kể từ khi ra mắt, trở thành nền tảng giao dịch bất động sản cả ngoại tuyến lẫn trực tuyến lớn nhất tại Việt Nam. Tuy nhiên, tháng 9/2021, CEO Propzy bất ngờ thông báo sa thải 50% nhân viên để tái cấu trúc mô hình kinh doanh và tới ngày 12/9/2022, Propzy tuyên bố ngừng hoạt động.
Theo các chuyên gia, hai nguyên nhân chính đẩy các Proptech rơi vào tình cảnh khó khăn trong suốt 2 năm qua là thiếu vốn và thị trường địa ốc đi xuống. Công nghệ ứng dụng trong bất động sản – Proptech – là hiệu ứng tiếp theo của làn sóng công nghệ 4.0, như cách Fintech đã làm được với lĩnh vực tài chính – ngân hàng. Tuy nhiên, sau thất bại của nhiều dự án start-up lớn, các nhà đầu tư đã phải xem xét lại cách thức tiếp cận của các Proptech trong nước.
Theo nghiên cứu của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, quy mô thị trường bất động sản Việt Nam sẽ đạt 1.232 tỷ USD, chiếm 22% tổng tài sản nền kinh tế vào năm 2030. Thị trường đang trong giai đoạn đầu phát triển nên nhiều còn nhiều dư địa khai thác cho cả các Proptech lẫn doanh nghiệp bất động sản truyền thống.
Dù vậy, theo ông Huỳnh Tấn Đạt – Giám đốc Quản lý sản phẩm One Mount, thị trường bất động sản Việt Nam khá phức tạp, có những đặc thù riêng, cần sự am hiểu sâu sắc và đầu tư dài hơi. Đây là lý do khiến số công ty Protech còn tồn tại cho tới nay chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Ông Đạt cho biết, về nguyên tắc, kinh tế nền tảng là trả trước cho những thay đổi hành vi, nhưng cũng không thể nằm ngoài điều kiện sản phẩm đó phải thực sự có khả năng mang về doanh thu và có lãi trong tương lai. Điều này đồng nghĩa với việc các ứng dụng Proptech phải đón nhận sự quan tâm của người dùng ngay tại thời điểm bây giờ và bước đầu ghi nhận hiệu quả về doanh thu. Đây là vấn đề không dễ, kể cả khi thị trường bất động sản sôi động.
Trong khi đó, nhiều người dân chưa quen với việc trả phí dịch vụ, một phần do tập quán, thói quen của người sử dụng, phần còn lại là do không ít Proptech chưa chú trọng vào việc tạo ra các tiện ích nhằm thay đổi hành vi người dùng, mà vẫn tập trung vào khâu tìm kiếm thông tin. Điều này vô hình trung tạo ra các sản phẩm không thực sự đủ giá trị để người dùng tin rằng mình đáng phải trả phí cho các sản phẩm đó. Đây cũng là lý do quan trọng khiến một số Proptech “đời đầu” phải dừng bước trong cuộc đua trên thị trường công nghệ bất động sản, dù được đầu tư không nhỏ.
Một hình thức “phái sinh” khác từ Proptech là mua chung bất động sản cũng “chìm nghỉm” khi nhiều dự án sau thời gian ra mắt rầm rộ tới nay cũng đã ngừng hoạt động bởi các rào cản pháp lý và thói quen của người dùng.
Tổng Hợp
(ĐTCK)