Đến thời điểm hiện tại, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên một số tỉnh thành thắt chặt biện pháp an ninh. Lượng giao dịch bất động sản đã bắt đầu giảm mạnh. Tuy vậy, theo nhiều chuyên gia, thị trường bất động sản còn rất nhiều xung lực mới cho đà tăng trưởng vào giai đoạn cuối năm 2021 và đầu năm 2022.
Thị trường bất động sản năm 2021 đang và sẽ tiếp tục nhận được nhiều xung lực phát triển mới từ một loạt nhân tố. Những xung lực mới đã, đang và sẽ có sức chi phối, định vị dòng vốn chảy vào các phân khúc thị trường nêu trên và kỳ vọng sẽ gỡ bỏ nút thắt thiếu hụt nguồn cung, “thổi làn gió mới” vào thị trường bất động sản.
Những nhân tố đó bao gồm, sự điều chỉnh nhiều thể chế về xây dựng và kinh doanh bất động sản, về cơ cấu cung – cầu và tăng cường áp dụng công nghệ tiếp thị, chính sách khuyến mại trong phân phối và khai thác sản phẩm bất động sản. Trên phạm vi quốc gia và địa phương đều đang chứng kiến nhiều động lực và quyết tâm triển khai các dạng đề án, dự án xây dựng hạ tầng cơ bản và phát triển bất động sản đa dạng phục vụ phát triển kinh tế – xã hội theo định hướng và mục tiêu Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021 – 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021 – 2025. Chính phủ cũng khuyến khích nâng cấp cơ sở hạ tầng các khu công nghiệp và việc có thể thực hiện thí điểm một số cụm liên kết ngành nhằm hình thành mạng lưới sản xuất, chuỗi cung ứng và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu tại một số địa phương… càng tạo xung lực tích cực cho thị trường.
Dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam và khả năng phục hồi kinh tế sẽ là những xung lực mạnh cho thị trường bất động sản phục hồi. Cùng với xuất khẩu tăng do hưởng lợi từ các hiệp định thương mại đã ký kết, hoạt động du lịch sẽ ấm dần và nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng dần được phép vào Việt Nam, bên cạnh đó là các chính sách kinh tế vĩ mô, vi mô, chính sách tài chính được điều chỉnh linh hoạt… cũng sẽ góp phần thúc đẩy và tạo lực đẩy cho thị trường bất động sản. Trong 6 tháng cuối năm 2021, lực cầu thị trường trở lại ở mức thấp trong quý III và tăng mạnh trở lại ở quý IV. Tổng giao dịch có thể đạt tương đương 70 – 80% so với năm 2020. Dòng căn hộ trung cấp tại Hà Nội và TP.HCM nếu có hàng ra thị trường sẽ hấp thụ mạnh, đạt tỷ lệ trên 75%. Phân khúc cao cấp sẽ vẫn hấp thụ ở mức thấp. Phân khúc đất nền sẽ vẫn là sản phẩm được săn tìm của các nhà đầu tư. Những dự án có pháp lý tốt, chất lượng tốt, giá phù hợp sẽ được hấp thụ tốt.
Những cơn sốt đất địa phương là một trong diễn biến chính khi nhắc đến bức tranh của thị trường bất động sản vào thời điểm đầu năm 2021. Bước sang quý II, cơn sốt đất có dấu hiệu hạ nhiệt bởi sự bùng phát của dịch bệnh lần thứ 4. Nhưng sự hạ nhiệt này vẫn không kéo theo giá bất động sản, điển hình là căn hộ đi xuống thấp mà có xu hướng đi ngang, hoặc tăng nhẹ.
Những “ông lớn” bắt tay nhau
Mặc dù thị trường có dấu hiệu chững lại do ảnh hưởng của dịch bệnh, tuy nhiên thị trường địa ốc đang chứng kiến nhiều “ông lớn” bắt tay thực hiện các “siêu dự án” đáng mong đợi. Không còn đơn phương độc mã thực hiện các dự án, các tên tuổi lớn của thị trường địa ốc Sài Thành như Hưng Thịnh, Keppel Land, Vạn Phúc, Him Lam…đã có những cái “bắt tay” phát triển các dự án nghìn tỷ, mang đến những sản phẩm bất động sản tầm cỡ cho thị trường.
Theo thông tin từ Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, Liên danh CTCP Tập đoàn Hưng Thịnh – CTCP Tập đoàn Đèo Cả – CTCP Tập đoàn Nam Miền Trung Group đã có văn bản đề xuất tài trợ lập quy hoạch và đăng ký đầu tư dự án tại huyện Lâm Hà. Qua khảo sát và nghiên cứu khu đất diện tích khoảng 15.000ha thuộc huyện Lâm Hà, liên danh này nhận định khu đất phù hợp với mục tiêu hình thành một “khu đô thị mới tầm cỡ hiện đại, đồng bộ và đa chức năng”. Siêu dự án hướng đến tầm nhìn 2035-2050 nhằm giảm tải áp lực cho đô thị trung tâm TP Đà Lạt. Sở Xây dựng tỉnh này cũng đã chấp thuận chủ trương cho Liên danh nghiên cứu, khảo sát và tài trợ lập quy hoạch chung. Trước đó, cũng tại Lâm Đồng, liên quan đến cuộc hợp tác giữa Hưng Thịnh và Đèo Cả. Hai doanh nghiệp đã tổ chức lễ ký kết hợp tác chiến lược làm dự án cao tốc Tân Phú – Bảo Lộc hơn 19.000 tỷ đồng.
Cái bắt tay tiếp theo cũng đặc biệt được chú ý tại thị trường bất động sản phía Nam đó là Him Lam Land đã bắt tay cùng Tập đoàn Vạn Phúc phát triển dự án trên quỹ đất rộng 119.458 m2 tại huyện Bình Chánh, TP Hồ Chí Minh. Được biết, dự án nằm trong khu chức năng số 6A Đô thị mới Nam Thành Phố, thuộc xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh. Dự án đang được san lấp mặt bằng và dự kiến triển khai trong năm tới. Đặc biệt, dự án được quy hoạch diện tích đất ở chiếm tới 49,35% tổng diện tích khu đất.
Năm 2020, Tập đoàn Phát Đạt cũng đã có cái bắt tay với Tập đoàn Danh Khôi để giao cho doanh nghiệp này phát triển 2 dự án gồm Dự án Kỳ Co Gateway và khu căn hộ du lịch ven biển tại Khu Kinh tế Nhơn Hội, tỉnh Bình Định và một dự án tại TP mới Bình Dương…
Câu chuyện “góp gạo thổi cơm chung” của các doanh nghiệp địa ốc được đánh giá sẽ “thổi luồng gió mới” vào thị trường địa ốc, khi các chủ đầu tư có tiềm lực lớn cùng hợp tác, kỳ vọng sẽ mang đến những sản phẩm bất động sản đáng giá cho thị trường.
Cương Nguyễn