Trong những tháng cuối năm 2022, Chính phủ đã thực hiện rà soát phát hành trái phiếu cùng chính sách kiểm soát tín dụng thắt chặt phần nào tạo nên tâm lý dè chừng của người mua và chủ đầu tư.
Theo báo cáo mới nhất của Cushman & Wakefield Việt Nam, thị trường căn hộ tại TP.HCM trong năm 2022 ghi nhận tổng cộng 17.028 căn chào bán, tăng 87% so với năm 2021.
Tuy nhiên, trong quý cuối cùng của năm 2022, doanh số bán mới đạt 983 căn (giảm 76% so với quý trước) trên tổng số gần 1.100 căn hộ được mở bán mới (giảm đến 74% so với lượng mở bán mới quý trước), và chỉ chiếm 6,5% tổng nguồn cung cả năm 2022.
Theo bà Trang Bùi, Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam, việc kiểm soát tín dụng vào lĩnh vực bất động sản và vướng mắc pháp lý đã tạo áp lực lên thị trường. Do đó, cả người mua và nhà đầu tư đều có xu hướng chờ xem chính sách mới của năm 2023 trước khi đưa quyết định.
Giá bán sơ cấp trung bình quý 4/2022 tăng 21% so với quý trước, đạt khoảng 3.400 USD/m2 (tương đương 81 triệu đồng/m2). Sự gia tăng này chủ yếu nhờ các đợt mở bán mới từ các dự án siêu sang, hạng sang và cao cấp như The Opusk Residence Thủ Thiêm (Metropole Thủ Thiêm giai đoạn 4), De La Sol và Zeit River Thủ Thiêm…
Ngoài ra, các yếu tố sức khỏe bắt đầu được chú trọng trong thiết kế ý tưởng dự án và căn hộ với nhiều không gian xanh, mặt thoáng, và công nghệ hiện đại giúp nâng cao tiêu chuẩn môi trường sống.
Về chính sách thanh toán, với tình hình thắt chặt tín dụng, nhiều chính sách thanh toán nhắm đến tệp khách hàng có tiền mặt trong tay được đưa ra, chủ yếu ưu tiên thanh toán nhanh với chiết khấu cao và nhiều ưu đãi.
Khu Đông và khu Tây tiếp tục đóng góp chính yếu vào nguồn cung mới nhờ vào những cải thiện hạ tầng hiện hữu và những dự án hạ tầng sắp tới.
Các chủ đầu tư đưa ra chính sách thanh toán linh hoạt tại thời điểm kiểm soát tín dụng cùng với các chương trình ưu đãi, chiết khấu để giữ vững doanh số. Các chính sách thanh toán nhanh và mức chiết khấu cao đang dần được áp dụng rộng rãi.
Với phương thức thanh toán nhanh, người mua có thể nhận mức chiết khấu từ 3% – 16%; Ân hạn nợ gốc và miễn lãi suất từ 12 – 36 tháng khi vay ngân hàng; Gói quà tặng nội thất, cam kết cho thuê lại hoặc chiết khấu thẳng vào giá trị căn hộ.
Nhu cầu vẫn lớn đối với các căn hộ trung cấp, người mua ưa chuộng các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và có lịch thanh toán linh hoạt. Đầu tư dài hạn là chiến lược thích hợp trong giai đoạn này.
Bộ Xây dựng cho biết: Thời gian qua đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nhà ở xã hội được ban hành và đi vào cuộc sống. Qua đó, tạo hành lang pháp lý tương đối đầy đủ, đảm bảo hỗ trợ và khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào phát triển nhà ở xã hội. Cụ thể, các dự án nhà ở xã hội được miễn tiền sử dụng đất, giảm 50% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài dự án, cho vay ưu đãi lãi suất thấp…
Với những chính sách ưu đãi trên, Bộ Xây dựng thông tin, việc phát triển nhà ở xã hội cũng đạt được một số kết quả quan trọng. Theo thống kê đến nay, trên địa bàn cả nước hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị, quy mô xây dựng hơn 155.000 căn, tổng diện tích hơn 7,7 triệu m2. Ngoài ra đang tiếp tục triển khai 401 dự án, với quy mô xây dựng hơn 454.000 căn, tổng diện tích hơn 22,7 triệu m2. Đây là điều kiện thuận lợi giúp cho hàng trăm ngàn người thu nhập thấp, công nhân, sinh viên cải thiện nhà ở, có chỗ ở an toàn.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì qua đánh giá, quá trình triển khai thực hiện vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc về cơ chế chính sách, nguồn vốn ưu đãi, lợi nhuận… chưa hấp dẫn đối với nhiều nhà đầu tư tham gia.
Trước tình hình đó, vào tháng 8/2022, khi Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp được tổ chức, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Xây dựng chủ trì xây dựng đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030.
Từ chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng khẩn trương tiến hành hoàn thiện Đề án và có Tờ trình báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Trong đó, Bộ đề xuất một số giải pháp về hoàn thiện chính sách, bố trí nguồn vốn, tăng thêm các ưu đãi, phát triển nhà ở cho thuê để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội đạt mục tiêu đề ra.
Đối với ý kiến của cử tri tỉnh Sóc Trăng, Bộ Xây dựng cho biết sẽ ghi nhận để nghiên cứu trong quá trình sửa đổi, bổ sung các chính sách ưu đãi, thông thoáng hơn nữa nhằm thu hút các nhà đầu tư tham gia.
Liên quan đến việc phát triển nhà ở xã hội, các chuyên gia còn cho rằng cần đẩy mạnh quy trình làm việc với chính quyền địa phương, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện 2 gói hỗ trợ theo Nghị quyết 11/NQ-CP, nghiêm túc dành ra 20% quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại. Đồng thời, kiểm tra, rà soát các dự án nhà ở thương mại hiện tại, tạo phong trào phát triển nhà ở xã hội.
Tổng Hợp
(VnE)