Trong bức tranh nhiều màu xám do bị bủa vây bởi dịch bệnh, các thành viên thị trường bất động sản cũng có những căn cứ để lạc quan khi một số chính sách hỗ trợ mang tính nền tảng đã được ban hành và sẽ sớm thẩm thấu vào hoạt động của từng doanh nghiệp ngành này.
Nghị định 25: Khơi thông thủ tục triển khai dự án…
Sau quãng thời gian dài mong đợi, ngày 20/4/2020, Nghị định số 25/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư chính thức có hiệu lực, trong đó có nhiều quy định mới liên quan trực tiếp đến thủ tục lựa chọn nhà đầu tư sử dụng đất đã thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Bao trùm hơn Nghị định 30 trước đó, Nghị định số 25 có thể xem là bước ngoặt và là một trong những bước then chốt gỡ vướng cho các doanh nghiệp trong bối cảnh tác động tiêu cực của dịch bệnh vẫn chưa thể đo đếm đầy đủ.
Trong thời gian trước khi có Nghị định 25/2020/NĐ-CP, pháp luật về đất đai không quy định rõ ràng về việc giao đất, cho thuê đất cho nhà đầu tư trúng thầu thực hiện dự án có sử dụng đất.
Việc giao đất cho nhà đầu tư trúng thầu thực hiện dự án được hiểu và áp dụng theo nhiều cách khác nhau, gây lúng túng cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng như khó khăn cho nhà đầu tư trúng thầu dự án.
Đây là nguyên nhân khiến nhiều địa phương “không dám” giao dự án mới cho nhà đầu tư và/hoặc “không dám” giao đất cho nhà đầu tư đã trúng đấu thầu, dẫn tới hàng loạt dự án, nhất là các dự án bất động sản bị đình trệ. Điều này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế của các địa phương cũng như cơ hội đầu tư của doanh nghiệp.
Trong khi đó, một số địa phương tạm dừng việc giao đất/cho thuê đất cho nhà đầu tư trúng thầu thực hiện dự án, dừng đấu thầu dự án sử dụng đất. Nhiều dự án trong diện tạm dừng để xem xét việc giao đất, cho thuê đất, nhà đầu tư đã phải bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để tham gia giải phóng mặt bằng khu đất thực hiện dự án đã trúng thầu.
Nhà đầu tư không chỉ đứng trước nguy cơ thiệt hại về chi phí đã đầu tư, mà còn có thể mất rất nhiều cơ hội kinh doanh. Tại rất nhiều dự án trong diện tạm dừng để xem xét việc giao đất, cho thuê đất, nhà đầu tư đã phải bỏ ra hàng trăm tỷ đồng để tham gia giải phóng mặt bằng khu đất thực hiện dự án đã trúng thầu. Do vậy, khi các địa phương lo sợ, lúng túng trong việc giao đất, chủ đầu tư không chỉ đứng trước nguy cơ thiệt hại về chi phí đã đầu tư, mà còn có thể mất rất nhiều cơ hội kinh doanh.
Là một trong nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi những rắc rối liên quan đến quy trình giao đất/cho thuê đất thời gian vừa qua, bà Đặng Thị Kim Oanh, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Địa ốc Kim Oanh cho rằng, Nghị định 25 được ban hành giúp các doanh nghiệp bất động sản “thở phào” nhẹ nhõm, nhất là trong giai đoạn hiện nay.
“Những quy định mới trong Nghị định 25 không chỉ giúp giải tỏa, giải phóng mặt bằng nhanh mà các dự án đã hoàn thành thủ tục đấu thầu sẽ được triển khai xây dựng đúng thời gian, giảm thiểu thiệt hại kinh tế cho cả doanh nghiệp và xã hội. Đối với dự án đầu tư có sử dụng đất, những vướng mắc đối với nhiều địa phương cũng đã được tháo gỡ”, bà Oanh nhìn nhận.
Theo TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), so với quy định trước đây, Nghị định số 25 đã quy định rõ việc giao đất cho nhà đầu tư trúng đấu thầu được thực hiện theo trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất quy định tại Khoản 3, Điều 68, Nghị định 43/2014/NĐ-CP, theo đó áp dụng tương tự thủ tục giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất.
Bên cạnh đó, các quy định chi tiết về trình tự, thủ tục cũng như trách nhiệm của nhà đầu tư trúng đấu thầu, bên mời thầu và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trong việc giải phóng mặt bằng và giao đất, cho thuê đất đối với nhà đầu tư trúng đấu thầu, Nghị định 25 đã gỡ bỏ được nút thắt lớn nhất trong hành trình: đấu thầu – giao đất, cho thuê đất – triển khai dự án.
Do đó, khi chính thức có hiệu lực, đây sẽ là căn cứ pháp lý quan trọng để các cơ quan chức năng địa phương thực hiện việc giao đất, cho thuê đất đối với nhà đầu tư trúng đấu thầu, gỡ tình trạng ách tắc thủ tục trong thời gian vừa qua. Đặc biệt, những dự án án đang tồn đọng do chưa được Nhà nước giao đất/cho thuê đất trong thời gian qua, nay sẽ được tái khởi động, giảm thiểu thiệt hại kinh tế cho cả nhà đầu tư và xã hội.
“Chờ đợi dịch bệnh qua đi để phục hồi kinh doanh là quãng thời gian cần có bản lĩnh lớn. Đồng thời, với thị trường bất động sản, trong giai đoạn này, rất cần được ‘tiếp sức’ bằng các động thái gỡ bỏ vướng mắc trong thủ tục hành chính, đặc biệt là công tác giao đất cho nhà đầu tư sau khi tham gia đấu thầu thành công các dự án để có thể sớm đưa dự án ra thị trường”, ông Lộc chia sẻ.
Sẽ nhận lại hàng ngàn tỷ đồng bị “thu oan”
Cũng khá trùng hợp khi vào ngày 20/4/2020, ngày có hiệu lực của Nghị định 25 cũng là thời điểm quyết định “số phận” của một văn bản pháp lý gây tranh cãi lâu nay trên thị trường địa ốc. Theo đó, sau nhiều ý kiến bất đồng giữa các cơ quan ban ngành, các chuyên gia và cả các thành viên tham gia thị trường, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có ký kiến về việc tiếp thu, giải trình ý kiến thành viên Chính phủ về dự thảo Nghị định sửa đổi khoản 3, Điều 8, Nghị định số 20/2017/NĐ-CP.
Trong đó, ngoài những thay đổi mang tính cốt lõi sửa đổi bất cập tại khoản 3, Điều 8 là khống chế tỷ lệ lãi vay ở mức 20% như trước đây thành 30%, thì Thủ tướng cũng đã quyết định cho phép hồi tố, hoàn trả cho doanh nghiệp ước tính khoảng gần 5.000 tỷ đồng tiền thuế phát sinh gây ra bởi sự bất cập tại khoản 3, Điều 8 nêu trên. Hình thức xử lý hồi tố cho năm 2017, 2018 theo phương án như ý kiến của đa số thành viên Chính phủ, bù trừ nghĩa vụ thuế của các kỳ tính thuế tiếp theo nhưng tối đa không quá 5 năm.
Việt Dương
Theo Báo Đầu tư Bất động sản