Trong quý 2/220, tỷ lệ trống sàn thương mại của các trung tâm thương mại ở TPHCM tăng lên mức 30% và không ghi nhận nguồn cung mới.
JLL Việt Nam cho biết, chính sách “giãn cách xã hội” trong ba tuần đầu tiên của tháng 4 đã dẫn đến việc đóng cửa tạm thời tất cả các trung tâm thương mại tại TPHCM.
Sau giai đoạn này, hầu hết các trung tâm thương mại bắt đầu hoạt động trở lại. Tuy nhiên, với nhiều diện tích trống hơn, đặc biệt ở các trung tâm thương mại tại các quận rìa trung tâm do tâm lý thuê yếu vẫn tiếp tục.
Tỷ lệ trống trung bình ở TPHCM tăng lên mức 30% trong quý 2/202 và không có nguồn cung mới nào được ghi nhận trong quý.
“Một trung tâm mua sắm và một khối đế bán lẻ dự kiến hoàn thành trong quý này đã phải trì hoãn sự kiện khai trương do tỷ lệ lấp đầy thấp hơn mong đợi trong bối cảnh thị trường hiện tại…”, JLL thông tin.
Theo JLL Việt Nam, khách thuê diện tích lớn đang chật vật. Những khách thuê diện tích lớn bao gồm: Trò chơi & giải trí, chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp đang phải vật lộn để duy trì diện tích thuê khi người tiêu dùng có xu hướng cắt giảm ngân sách cho nhóm hàng và dịch vụ này.
Trong khi đó, mảng bán lẻ thực phẩm và đồ uống ở các trung tâm thương mại ở TPHCM có nhu cầu thuê tốt hơn và ghi nhận nhiều yêu cầu thuê trong quý 2/2020.
Theo quan sát của JLL, việc áp dụng chính sách “giãn cách xã hội’ trong thời gian ngắn ở Việt Nam đã không thay đổi quá nhiều thói quen sử dụng dịch vụ ẩm thực. Điều này được chứng minh bởi lưu lượng khách hàng đang dần quay trở lại các nhà hàng và dịch vụ ăn uống trên toàn thành phố.
Bên cạnh đó, giá thuê không đổi theo quý và chỉ ghi nhận giảm 1.5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 79,4 USD/m2/tháng tại khu vực trung tâm và 38,5 USD/m2/tháng ở khu vực ngoài trung tâm.
Một số chủ nhà duy trì các chính sách hỗ trợ cho đến cuối tháng hoặc năm, bao gồm hỗ trợ giảm giá hoặc trì hoãn lịch thanh toán. Tuy nhiên, giá thuê vào tháng 6 đã trở lại như trước khi đại dịch bùng nổ. Khách thuê nào có thể tiếp tục với mức giá thuê này sẽ chứng tỏ được năng lực cạnh tranh trên thị trường.
Đánh giá về triển vọng của thị trường, JLL cho rằng, tâm lý không chắc chắn có thể ảnh hưởng đến kế hoạch khai trương. Đồng thời, gần 280.000 m2 sàn bán lẻ sẽ gia nhập trong nữa cuối năm 2020.
Mặc dù giá thuê tăng trở lại khi tình hình dịch bệnh được cải thiện, các nhà phát triển trung tâm thương mại nội địa nên xem xét lại mô hình cho thuê cố định truyền thống sang mô hình chia sẻ doanh thu.
Qua đó, để giúp chia sẻ rủi ro và tăng cường mối quan hệ giữa chủ nhà và khách thuê. Ngoài ra, về lâu dài, với sự tăng trưởng của thương mại điện tử, các trung tâm thương mại nên tái cấu trúc mô hình kinh doanh và đa dạng hóa ngành hàng, dịch vụ để giữ chân khách hàng cũng như tránh đi theo “vết xe đổ” ở các thị trường phát triển.
Quế Sơn