Ngày 26/9, tại Hội nghị công bố quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 và xúc tiến đầu tư, tỉnh Bình Dương đã công bố vào trao quyết định đầu tư cho 8 dự án với tổng số vốn 1,8 tỷ USD.
Tám dự án được trao Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng vốn đăng ký hơn 1,8 tỷ USD, tập trung trong các lĩnh vực hạ tầng, đô thị, dệt may, cơ khí…
Đó là Dự án của Công ty TNHH Công nghệ chính xác D.mag Việt Nam (sản xuất nhôm, sắt thép và kim loại), vốn đầu tư 120 triệu USD; Dự án nhà máy 2 của Công ty TNHH Paihong Việt Nam (sản xuất vải) vốn đầu tư sau khi đăng ký bổ sung là 400 triệu USD.
Hai dự án tiếp theo được trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là Dự án Dịch vụ hạ tầng Sembcorp Bình Dương (cho thuê kho bãi, nhà xưởng) vốn đầu tư 51,5 triệu USD và Dự án của Công ty Tektro Technology Việt Nam (sản xuất phụ kiện xe đạp), tổng vốn đầu tư 38 triệu USD.
Bốn dự án được trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư là Dự án Khu đô thị Bắc An Tây, vốn đầu tư hơn 451 triệu USD; Dự án Khu đô thị Đông An Tây, vốn đầu tư 550 triệu USD; Dự án Khu phức hợp căn hộ cao cấp kết hợp thương mại dịch vụ ven sông Sài Gòn, vốn đầu tư hơn 141 triệu USD; Dự án Cảng cạn ICD Rạch Bắp, vốn đầu tư hơn 57 triệu USD.
Trong 9 tháng năm 2024, tỉnh đã thu hút hơn 1,2 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, lũy kế đến nay Bình Dương đứng thứ 3 cả nước về thu hút vốn FDI với hơn 4.300 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 41 USD, chiếm 8,5% tổng vốn đầu tư cả nước.
Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 4.345 dự án có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 41,8 tỷ đô la Mỹ. Với những thành quả đạt được, Bình Dương đã vươn lên đứng thứ 3 về thu hút FDI.
Toàn tỉnh có 71.519 doanh nghiệp trong nước đầu tư với tổng vốn đăng ký là 783.000 tỷ đồng.
Bình Dương hiện có 29 khu công nghiệp và 12 cụm công nghiệp tập trung, với tổng diện tích đất hơn 13.600 ha để sẵn sàng tiếp đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Theo quy hoạch từ nay đến năm 2030, Bình Dương sẽ đầu tư thêm 10 khu công nghiệp mới với diện tích lớn để thu hút đầu tư.
Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đặt mục tiêu đến năm 2030, Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; là một trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực Đông Nam Á; dẫn đầu về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trung tâm công nghiệp, dịch vụ hiện đại.
Đến năm 2050, Bình Dương sẽ trở thành trung tâm đô thị công nghiệp, dịch vụ hiện đại, phát triển bền vững, đồng thời là một đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là công nghiệp, dịch vụ, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, sức cạnh tranh cao. Người dân được hưởng thụ chất lượng cuộc sống cao, mức thu nhập tương đương các nước phát triển.
Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng dựa trên 6 trụ cột phát triển, 5 chiến lược tích hợp và phát triển theo cấu trúc: 1 trục phát triển, 2 hành lang sinh thái, 3 vành đai liên kết, 4 trung tâm động lực và 5 phân vùng phát triển.
Đặc biệt để thu hút đầu tư, Bình Dương sẽ hình thành 4 trung tâm động lực gồm: Trung tâm sáng tạo thành phố mới Bình Dương; HUB Dĩ An; Khu phức hợp Bàu Bàng và Trung tâm văn hóa Thủ Dầu Một.
Tỉnh cũng phân chia thành 5 phân vùng phát triển, mỗi vùng có chức năng và nhiệm vụ riêng, đảm bảo phát triển toàn diện và bền vững gồm Vùng đô thị phía Nam (thành phố Thuận An và thành phố Dĩ An); Vùng đô thị công nghiệp dịch vụ (thành phố Thủ Dầu Một, thành phố Bến Cát, thành phố Tân Uyên); Vùng đô thị Bàu Bàng; Vùng Đông Bắc (huyện Bắc Tân Uyên và huyện Phú Giáo); Vùng Tây Bắc (huyện Dầu Tiếng).