Công ty cổ phần Tập đoàn Thế Giới Di Động (mã chứng khoán: MWG) công bố kết quả kinh doanh tháng 8 đạt hơn 10.400 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 295 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm trước, doanh nghiệp tăng trưởng 60% doanh thu và 33% lợi nhuận.
Các con số này không phản ánh đầy đủ thực tế do tháng 8/2021 là thời điểm kết quả kinh doanh của Thế Giới Di Động tụt dốc khi nhiều tỉnh, thành giãn cách xã hội nghiêm ngặt để chống dịch.
Lũy kế 8 tháng, tổng doanh thu của tập đoàn bán lẻ này đạt hơn 92.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 3.176 tỷ đồng. Mức tăng trưởng tương ứng về doanh thu và lợi nhuận lần lượt đạt 18% và 6%.
Còn đối chiếu theo kế hoạch kinh doanh năm, Thế Giới Di Động đạt 66% kế hoạch doanh thu và 50% mục tiêu lợi nhuận sau 2/3 thời gian. Như vậy, có thể thấy doanh nghiệp của Chủ tịch HĐQT Nguyễn Đức Tài đang trên đường hoàn thành mục tiêu doanh thu nhưng lại hụt hơi với chỉ tiêu lợi nhuận.
Kết quả này đã được ông Tài dự báo trước trong cuộc họp với các nhà đầu tư diễn ra vào cuối tháng 8. Khi mạnh tay tái cấu trúc chuỗi Bách Hóa Xanh với việc đóng cửa hơn 400 điểm bán hoạt động kém hiệu quả, Thế Giới Di Động đã lường trước những tác động đến lợi nhuận của tập đoàn.
Thế Giới Di Động cho biết doanh thu của Bách Hóa Xanh sau 8 tháng giảm 15% so với cùng kỳ sau khi dừng hoạt động loạt cửa hàng. Tuy nhiên, công ty vẫn đạt mục tiêu tăng doanh số của các điểm bán đang hiện hữu. Doanh thu bình quân mỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh trong tháng 8 đạt 1,36 tỷ đồng, tiếp tục tăng 5% so với tháng liền trước.
Tập đoàn này cho biết quá trình tái cấu trúc chuỗi bán lẻ thực phẩm, hàng tiêu dùng đã hoàn thành khi các cửa hàng đang hiện hữu đã thay đổi xong mô hình bày trí hàng hóa. Mục tiêu của doanh nghiệp là doanh số bình quân mỗi cửa hàng Bách Hóa Xanh sẽ tăng lên 1,5-1,6 tỷ đồng vào tháng 11-12 tới, hướng đến việc hòa vốn của toàn chuỗi.
Mới đây, chuỗi siêu thị Bách Hoá Xanh được nêu tên trong chuỗi bài điều tra nguồn gốc thực phẩm của Báo Tuổi trẻ. Theo đó, rau tại cửa hàng Bách Hoá Xanh lấy từ nhà cung cấp là Công ty Sản xuất Thương mại Đông A. Theo điều tra, nhà cung cấp Đông A có dấu hiệu “gian dối” về nguồn gốc rau.
Cụ thể, bài viết “Hàng Trung Quốc “VietGAP” vào Bách Hoá Xanh” nêu việc Công ty Đông A (TP Thủ Đức) nhập nấm có xuất xứ từ Trung Quốc về xé bỏ bao bì để “hô biến” hàng Trung Quốc thành Việt Nam trước khi bỏ vào hệ thống Bách Hoá Xanh.
Trước đó hơn 1 năm, vào lúc dịch bệnh Covid-19 bùng phát, chuỗi Bách Hóa Xanh đã phải đối mặt với phản ứng tiêu cực từ dư luận, cho rằng hệ thống này lợi dụng tình hình dịch bệnh tăng giá bán hòng chuộc lợi, chất lượng sản phẩm và thái độ nhân viên phục vụ không tốt.
Một số cửa hàng Bách Hóa Xanh ở các tỉnh, thành đã bị cơ quan chức năng xử phạt vì hành vi liên quan đến giá bán như không niêm yết giá, bán cao hơn giá niêm yết… Ngay sau đó, đại diện hệ thống này cho biết sẽ rà soát lại toàn bộ quy trình vận hành và tìm giải pháp xử lý.
Cựu CEO MWG – Ông Trần Kinh Doanh đã gắn bó với chuỗi cửa hàng này từ ngày đó cho tới nay. Tuy nhiên, hiện tại ông Trần Kinh Doanh đã chính thức rời khỏi Bách Hoá Xanh và vị trí điều hành đã được trao lại cho Chủ tịch MWG – Ông Nguyễn Đức Tài. Mô hình của Bách Hoá Xanh tập trung khá nhiều vào mảng thực phẩm tươi sống, cạnh tranh với các thương hiệu như Co.op Foods và Satra Foods.
Tính đến cuối năm 2021, Bách Hóa Xanh đang lỗ lũy kế 4.950 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 7.852 tỷ đồng trong khi vốn góp chủ sở hữu là 12.801 tỷ đồng.
Báo cáo công bố mới đây cho thấy, doanh thu thuần tháng 7/2022 của MWG đạt 11.000 tỷ đồng tăng 16% so với cùng kỳ. Trong đó, chuỗi Bách Hóa Xanh đem về doanh thu đạt 2,35 ngàn tỷ giảm mạnh 45% so với mức đỉnh cao nhất vào tháng 7/2021 nhưng vẫn tiếp tục đà tăng trưởng dương qua từng tháng kể từ tháng 3/2022 đến nay. Lũy kế 7 tháng đầu năm 2022, Bách Hóa Xanh đạt doanh thu 15,2 ngàn tỷ giảm 14% so với cùng kỳ.
Trước đó, vào thời điểm 6 tháng đầu năm 2021, doanh thu trung bình mỗi cửa hàng đạt khoảng 1,4 tỷ đồng. Tức là doanh thu của Bách Hóa Xanh ngày càng sụt giảm. Điều này cũng dễ hiểu bởi trong suốt năm 2021 đại dịch Covid-19 hoành hành, phong tỏa xã hội đã thúc đẩy nhu cầu mua sắm tiêu dùng online giúp Bách Hóa Xanh thu đậm dù vẫn lỗ kể từ khi hoạt động vào năm 2020.
Tổng Hợp