Thế Giới Di Động, FPT Retail hay bán sỉ như Digiworld và Petrosetco đã ghi nhận một quý kinh doanh ảm đạm khi lợi nhuận rơi về mức thấp nhất nhiều năm thậm chí thua lỗ.
Ba tháng đầu năm 2023 là một quý buồn của các doanh nghiệp bán lẻ công nghệ. Hai ông lớn là CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG) và CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (Mã: FRT) cùng phải đối mặt với kết quả doanh thu, lợi nhuận thấp nhất trong vòng nhiều quý.
CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG) hiện đang quản lý hai chuỗi hàng công nghệ là Thế Giới Di Động (TGDĐ) và Điện máy xanh (ĐMX). Tổng doanh thu của riêng hai đơn vị này trong quý I/2023 đã giảm 34% so với cùng kỳ. Chuỗi Bách Hóa Xanh ghi nhận tăng 5% nhưng cũng không thể bù lại mức giảm của hai chuỗi trên, kết quả khiến doanh thu thuần của MWG rơi về mức thấp nhất 6 quý. Còn lợi nhuận chạm đáy kể từ niêm yết.
Phía MWG cho biết doanh thu của hầu hết sản phẩm điện thoại và điện máy (hàng ICT) giảm 25% – 35%, ngoại trừ máy tính bảng, máy tính xách tay giảm mạnh khoảng 40% – 50%.
Các sản phẩm ICT (điện thoại và điện máy) chiếm tỷ trọng lớn trong doanh số từ kinh doanh online của hai chuỗi TGDĐ và ĐMX. Do đó, doanh thu online của MWG trong ba tháng đầu năm cũng sụt giảm 40% so với cùng kỳ.
MWG cho biết, sức mua điện thoại, điện máy đang giảm mạnh hơn so với dự báo của doanh nghiệp.
Tâm lý thận trọng trong quyết định chi tiêu đối với các sản phẩm giá trị cao đang diễn ra ngay cả với nhóm khách hàng trung – cao cấp do suy giảm niềm tin tiêu dùng trước những thách thức của nền kinh tế. Trong khi đó, nhóm khách hàng thu nhập thấp cũng khó khăn hơn trong việc tiếp cận vay tiêu dùng qua hình thức trả góp.
Cùng chung cảnh ngộ, CTCP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail – Mã: FRT) với chuỗi FPT Shop – chuyên kinh doanh các sản phẩm ICT ghi nhận doanh thu sụt giảm 20% về 4.513 tỷ đồng, chiếm 58% doanh thu của FPT Retail.
Bù lại, chuỗi Long Châu tăng trưởng 52% về doanh thu do ngay từ đầu năm đã được công ty tập trung cho việc đầu tư, xác định là động lực dẫn dắt FRT tăng trưởng trong năm nay. Nhờ vậy doanh thu cả quý của FRT vẫn đi ngang so với cùng kỳ.
Hai công ty chuyên phân phối điện thoại, laptop là CTCP Thế giới số (Digiworld – Mã: DGW) và Tổng CTCP Dịch vụ Tổng hợp Dầu khí (Petrosetco – Mã: PET) cũng báo cáo kết quả kinh doanh tuột dốc khi sự chịu chi của người dân cho các mặt hàng này trở nên eo hẹp.
Digiworld cho biết trong quý I/2023, doanh thu laptop và điện thoại di động giảm 51%. Trong đó, việc chậm giao hàng iPhone 14 từ quý IV/2022 sang quý I/2023, khiến người tiêu dùng đã tìm sản phẩm thay thế là hàng xách tay. Trong khi đó, doanh thu của Xiaomi bị ảnh hưởng khi thương hiệu này tập trung vào nhóm khách hàng bình dân và trung cấp, những người bị ảnh hưởng nhiều hơn trong thời kỳ suy thoái kinh tế.
Thiết bị văn phòng cũng bị ảnh hưởng với doanh thu giảm 8% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, do việc mua sắm thiết bị văn phòng không được các công ty tài chính tiêu dùng hỗ trợ nên mức sụt giảm doanh thu thấp hơn so với laptop và smartphone.
Chiều ngược lại, doanh thu thiết bị gia dụng tăng 158% so với cùng kỳ, song mức tăng này có được từ mức nền thấp trong quý I/2022.
Với Petrosetco, ngoài sức mua đi xuống, công ty còn chịu áp lực từ chi phí lãi vay tăng 84% lên 71 tỷ đồng trong quý đầu năm, đồng thời không còn ghi nhận lợi nhuận từ hoạt động đầu tư chứng khoán, khoảng 20,6 tỷ đồng đã kéo lợi nhuận sau thuế cả quý giảm 55% so với cùng kỳ về 40 tỷ đồng.
Nhu cầu cho các sản phẩm ICT tiếp tục suy yếu và thấp hơn dự báo đã khiến các đơn vị bán lẻ ngành hàng công nghệ phải đề ra chính sách giảm giá bán, khuyến mãi, trợ giá để kích cầu.
Đơn cử như chi phí bán hàng của FRT quý I vừa qua đã tăng 25% lên 913 tỷ đồng, chiếm 3/4 lợi nhuận gộp của công ty.
Tại ĐHĐCĐ thường niên, Chủ tịch Nguyễn Bạch Điệp cho biết giá iPhone tại Việt Nam đã giảm sâu và thấp nhất trên thế giới. Hiện các bên bán lẻ hạ giá bán dòng điện thoại này thì phía FPT Shop cũng phải nương theo để bán được hàng.
Tuy nhiên nếu cứ mãi đánh nhau thì lâu dài chỉ kéo nhau xuống, người đứng đầu FRT nói. Do đó, về dài hạn, FRT sẽ xem xét chuyển dịch cơ cấu sản phẩm (ví dụ mở rộng bán hàng gia dụng), trình bày lại bố cục cửa hàng,… để thúc đẩy tăng trưởng.
Động thái giảm giá để kích cầu cũng diễn ra tại MWG. Lãnh đạo MWG cho biết sắp tới sẽ mạnh để thu hẹp khe hở giữa giá ngành hàng Apple của công ty với đối thủ.
Ngoài ra, phía MWG sẽ cân nhắc việc đóng/mở cửa hàng đi theo chiến lược mới. Chẳng hạn trường hợp một cửa hàng trong hệ thống cần công ty phải bù lỗ sẽ được xem xét. Nếu cửa hàng gặp vấn đề ngắn hạn, có thể có lời trở lại trong tương lai thì công ty sẽ duy trì, nếu không sẽ rời sang địa điểm khác.
“TGDĐ và ĐMX có thể coi đang có một cuộc tái sinh. Nhân cơ hội này, MWG sẽ tiến hành củng cố lại về mặt chi phí, vận hành, con người. Với tất cả sự chuẩn bị khi thị trường quay trở lại, chúng tôi sẽ có một sự bứt phá”, lãnh đạo MWG chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên.
Trong khi đó, Digiworld đang có động thái bổ sung thêm nhiều thương hiệu vào danh mục sản phẩm, giúp cải thiện tỷ suất lợi nhuận ròng.
Từ quý I/2023, công ty bắt đầu phân phối các loại bia khác nhau của ABInbev (hãng bia nổi tiếng của Bỉ) với loạt thương hiệu như Budweiser, Corona, Hoegaarden,…
Công ty gần đây cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác với Lotte Chilsung để phân phối đồ uống của Hàn Quốc, ký kết với nhãn hàng thiết bị gia dụng Westinghouse đến từ Mỹ. Dự kiến hai nhãn hàng này sẽ bắt đầu đóng góp doanh thu cho Digiworld từ quý II. Dẫu vậy, tỷ trọng của mảng đồ uống trong doanh thu của công ty vẫn còn rất nhỏ.
Tổng Hợp
(VietnamBiz)