Mới đây, NHNN đã tăng mạnh giá bán USD lên ngang bằng mức niêm yết hồi trung tuần tháng 3. Theo giới phân tích, động thái này cho thấy, sức ép mất giá của VND đã không còn và tỷ giá USD nhiều khả năng tiếp tục ổn định trong thời gian tới.
Sức ép tăng tỷ giá không còn
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa qua đã bất ngờ điều chỉnh mạnh giá bán USD niêm yết tại Sở giao dịch.
Theo đó, trong ngày 10/7, tỷ giá bán USD được NHNN công bố ở 23.862 VND/USD, tăng 212 đồng so với mức 23.650 VND/USD được duy trì suốt từ cuối tháng 3; trong khi giá mua vẫn giữ nguyên ở mức 23.165 VND/USD. Đến ngày 13/7, NHNN tiếp tục tăng giá bán thêm 5 đồng lên 23.867 VND/USD và giữ nguyên tỷ giá mua.
Sau khi điều chỉnh, giá bán USD của NHNN trở về ngang bằng mức niêm yết hồi trung tuần tháng 3.
Trước đó, trong bối cảnh tỷ giá USD xu hướng căng thẳng trên cả thị trường ngân hàng và thị trường tự do, trong ngày 24/3, nhà điều hành đã phải giảm giá bán USD tại Sở giao dịch từ 23.908 VND/USD xuống còn 23.650 VND/USD (tương đương giảm hơn 1%), đồng thời cam kết sẵn sàng bán ngoại tệ ra để bình ổn thị trường.
Động thái này được củng cố bởi nền tảng là dự trữ ngoại hối dồi dào tích luỹ trong thời gian trước đó. Vào cuối năm 2019, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt xấp xỉ 80 tỉ USD, sau đó tiếp tục tăng thêm đạt khoảng 84 tỉ USD ước tính tới 10/4.
Bộ phận nghiên cứu Chứng khoán SSI (SSI Research) đánh giá việc điều chỉnh mạnh giá bán USD mới đây cho thấy sức ép tỷ giá không còn.
Theo đó, tỷ giá USD/VND do các ngân hàng thương mại (NHTM) niêm yết giảm liên tiếp sụt giảm trong những tuần gần đây và hiện giá mua đã thấp hơn mức cuối năm 2019. Tỷ giá trung tâm cũng giảm 14 đồng trong tuần qua, về mức 23.216 VND/USD.
Trong khi đó, tỷ giá tự do tăng nhẹ, có thể do chịu sức ép tâm lí từ thị trường vàng khi giá vàng trong nước tuần qua cũng đã tăng vượt mốc 50 triệu đồng/lượng và đã tăng tổng cộng 18,3% kể từ đầu năm đến nay.
Theo SSI Research, hiện nay, NHNN quản lí chặt chẽ hoạt động kinh doanh vàng tại Việt Nam nên các diễn biến giá vàng ít ảnh hưởng đến thị trường ngoại tệ trong nước, qui mô thị trường ngoại tệ tự do cũng thu hẹp đáng kể.
Sự ổn định của tỷ giá được củng cố
Thống kê của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho thấy, sau nửa đầu năm 2019, đồng tiền của Việt Nam chỉ mất giá 0,13% so với USD trong khi các đồng tiền khác trong khu vực chịu ảnh hưởng mất giá tương đối mạnh như rupiah của Indonesia (mất giá 2,55%); bath của Thái Lan (mất giá 3,19%) và ringgit của Malaysia (mất giá 4,89%).
BVSC cho rằng, sự ổn định của VND so với USD một phần do nguồn cung ngoại tệ tiếp tục dồi dào dù chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch bệnh. Cán cân xuất nhập khẩu hiện đang thặng dư khoảng 4 tỉ USD, nguồn thu ngoại tệ từ FDI và kiều hối cũng không bị giảm quá nhiều trong 6 tháng đầu năm. Cụ thể lượng vốn FDI được giải ngân đạt khoảng 8,65 tỉ USD (giảm 4,9% với cùng kì).
Mặc dù, đồng nhân dân tệ có xu hướng mất giá nhanh trong những tuần gần đây có thể gây áp lực lên VND khi khiến các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam bị đắt lên tương đối.
Tuy nhiên, BVSC cho rằng duy trì tỷ giá ổn định với mức giảm giá vừa phải là một trong những ưu tiên trong điều hành chính sách của Việt Nam cộng thêm với nguồn cung ngoại tệ dồi dào và dự trữ ngoại hối ở mức lớn sẽ tiếp tục giúp VND ổn định trong thời gian tới.
Chia sẻ tại Hội nghị Chính phủ và các địa phương vừa qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong 6 tháng đầu năm tỷ giá diễn biến khá ổn định, duy trì trong biên độ 0,2-0,3% và Việt Nam đã đạt mức dự trữ ngoại hối cao nhất từ trước tới nay.
Nói về định hướng điều hành trong những tháng cuối năm, Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh, hệ thống ngân hàng và NHNN khẳng định mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ theo chỉ đạo của Chính phủ là kiểm soát và giữ được ổn định vĩ mô nhưng đặt mục tiêu là hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Chính vì vậy hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục cam kết cung ứng đầy đủ, kịp thời nguồn vốn cho nền kinh tế, sẽ điều hành tỷ giá ổn định và sẵn sàng các biện pháp cần thiết can thiệp thị trường nếu có các biến động quá mức gây bất ổn vĩ mô.
Quốc Thụy
Theo Kinh tế & Tiêu dùng