Tháo gỡ vướng mắc pháp lý, khơi thông thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng condotel nhưng vấn đề không đơn giản…
Theo thống kê của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, đến cuối năm 2022, chỉ riêng Condotel, cả nước có khoảng 83.000 căn chờ sổ đỏ, phần lớn thuộc các khu du lịch nghỉ dưỡng, sử dụng quỹ đất thương mại, dịch vụ có thời hạn 50-70 năm.
Condotel và officetel có giai đoạn phát triển mạnh mẽ từ 2016 – 2018, sau đó bất ngờ rơi vào trầm lắng, thậm chí là bất động do không cấp được sổ đỏ, khiến nhà đầu tư rời bỏ khỏi phân khúc này. Giá căn hộ vì thế rớt mạnh. Các loại hình nhà ở càng phong phú càng tốt sẽ tạo động lực phát triển cho thị trường bất động sản.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho biết, các quy định pháp luật về đất đai đã cho phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền (cấp tỉnh) cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu “công trình xây dựng không phải là nhà ở”. Tuy nhiên, hơn 8 năm qua, điều này vẫn chưa thực hiện được.
“Nguyên nhân một phần do quy định của Luật Đất đai gây ra, nhưng chủ yếu do Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh Bất động sản chưa quy định cụ thể. Việc quy định chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng gắn liền với đất theo mục đích sử dụng đất thương mại, dịch vụ đối với công trình xây dựng có sử dụng vào mục đích lưu trú du lịch sẽ nhanh chóng tháo gỡ được những vướng mắc cho condotel”, ông Châu nhận định.
Còn theo ông Nguyễn Thế Điệp, quy định này sẽ khơi thông được nguồn vốn cho thị trường bất động sản, thu hút được vốn đầu tư, giúp phát triển du lịch. Đặc biệt, việc cấp sổ đỏ cho condotel sẽ tạo điều kiện phát triển nhà ở có thời hạn từ 50 – 70 năm.
Theo nhận định của chuyên gia, sản phẩm bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, condotel phát triển nhanh chóng trong khoảng 5- 6 năm gần đây, như “một luồng gió mới” cho các nhà phát triển dự án, tạo sức hút đối với nhà đầu tư bất động sản. Tuy nhiên, các quy định về luật pháp cho vấn đề này chưa thực sự rõ ràng, gây nhiều tranh cãi; thực tế cũng đã xảy ra không ít tranh chấp phát sinh giữa chủ đầu tư dự án và người mua sản phẩm condotel.
Hiện nay, loại hình condotel chịu sự chi phối, điều chỉnh của rất nhiều luật như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đầu tư, Luật Du lịch… nhưng mấu chốt của vấn đề chính là condotel đến nay chưa được đặt tên trong các văn bản luật pháp, để từ đó có thể “định danh” cho condotel, nên các địa phương đang tạm gọi là “đất ở không hình thành đơn vị ở”. Do đó, condotel không được công nhận và luật hóa cụ thể nên thực tế đã xảy ra không ít mâu thuẫn, tranh chấp, phát sinh trong một thời gian dài.
Từ đó, việc được cấp “sổ đỏ” cho phép hoàn thiện pháp lý cho các loại hình bất động sản condotel, officetel,… giúp các nhà đầu tư được đảm bảo quyền lợi, thị trường cũng có thể minh bạch hơn.
Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch CLB Bất động sản Hà Nội cho rằng việc “định danh” cho condotel, officetel là giải pháp quan trọng giúp du lịch phát triển sẽ mang lại nguồn cung lưu trú lớn. Nếu condotel không được cấp sổ đỏ, chủ đầu tư sẽ không bán được dự án để tái đầu tư và huy động nguồn lực.
“Việc này chúng ta phải làm lâu rồi nhưng muộn còn hơn không, phải có động thái này các doanh nghiệp họ mới khơi thông thanh khoản, giải quyết được số vốn tồn đọng trong những dự án này. Đây là cơ chế chính sách để tạo ra động lực cho condotel và officetel phát triển bền vững”, ông Điệp nhận định.
Theo đó, Nghị định 10/2023/NĐ-CP của Chính phủ bổ sung một số điều của Nghị định số 43 năm 2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai. Trong đó, bổ sung quy định cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình (giấy chứng nhận) cho căn hộ khách sạn, căn hộ du lịch nghỉ dưỡng (condotel), văn phòng lưu trú (officetel),… theo mục đích sử dụng đất thương mại, dịch vụ cho công trình xây dựng có sử dụng vào mục đích lưu trú, du lịch theo quy định của pháp luật về du lịch trên đất thương mại, dịch vụ.
Để được cấp giấy chứng nhận, các công trình này phải đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của pháp luật về đất đai, xây dựng, kinh doanh bất động sản. Thời hạn sử dụng đất theo quy định tại khoản 3, điều 126 và khoản 1, điều 128 của Luật Đất đai. Chủ sở hữu công trình xây dựng chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đáp ứng đủ điều kiện.
Tổng Hợp
(Dân Việt)