Thực tế, thời gian qua việc các địa phương trên cả nước “siết” nhà hai giá đã phần nào hạn chế được tình trạng gian lận, trốn thuế liên quan đến các giao dịch nhà đất.
Thực tế, Việt Nam hiện thiếu các cơ sở dữ liệu đầu vào trong xác định giá đất dẫn đến các giá các giao dịch ở tình trạng tuỳ biến, mức thấp nhất trong bảng giá, khung giá. Trong khi đó, giá trên thị trường cao hơn 2-3 lần.
Dù bỏ khung giá đất được đánh giá là sẽ “cởi trói” cho việc xây dựng bảng giá đất, làm căn cứ pháp lý rõ ràng để xác định giá đất sát với giá thị trường, nhưng theo các chuyên gia, hiện nay cũng rất khó xác định đúng giá thị trường và giá thị trường luôn biến động mỗi năm.
Phải công khai, minh bạch và ổn định lâu dài quy hoạch ở các địa phương, tránh hiện tượng môi giới làm giá, thổi phồng tạo sóng ảo, sốt giá ảo trên địa bàn. Tiếp đến, mua bán bất động sản phải giao dịch thanh toán qua ngân hàng, về mặt lâu dài muốn mua tài sản có giá trị lớn phải chứng minh thu nhập hợp pháp…
Ngoài ra, việc mua bán phải được ghi chép đầy đủ, áp dụng công nghệ số, thành lập kho dữ liệu như mua bán từng mảnh đất, ngày, tháng rõ ràng thì việc tính thuế được chính xác và giá bán chính xác.
Chuyên gia bất động sản Trần Khánh Quang cũng cho rằng, cần sớm xây dựng hệ thống dữ liệu thông tin về buôn bán, giao dịch đất đai, từ đó làm cơ sở xác định, so sánh, định giá đất trong giao dịch.
“Thông tin về người dùng có thể được ẩn danh, nhưng giá cả, giao dịch, diện tích… phải rõ ràng, minh bạch. Chỉ khi thông tin cụ thể, rõ ràng thì mới xóa bỏ được cơ chế ‘hai giá’ trong giao dịch bất động sản, tránh thất thu thuế cho ngân sách nhà nước”, ông Quang nói.
Trong khi đó, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA đề xuất, Thủ tướng Chính phủ nên xem xét đề xuất của UBND TP.HCM cho TP được xây dựng hệ số điều chỉnh giá đất phù hợp với tình hình thực tiễn trên địa bàn để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với tất cả các khu đất, thửa đất. Không phân biệt giá trị tính theo Bảng giá đất trên hay dưới 30 tỷ đồng đối với các thành phố trực thuộc Trung ương, thay vì phải thuê đơn vị tư vấn để xác định giá cụ thể theo các phương pháp thẩm định giá như trước đây.
“Đề xuất của UBND TP.HCM về áp dụng “phương pháp hệ số điều chỉnh biến động giá đất” rất phù hợp, bởi lẽ bảng giá đất theo Dự thảo Luật Đất đai sẽ phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường hiện nay”, ông Châu khẳng định.
Ông Thái Minh Giao, Cục phó Cục Thuế TP.HCM, cho biết, thời gian qua các chi cục Thuế đang thực hiện kiểm tra đồng loạt, từ chối nhiều hồ sơ khai giá chuyển nhượng BĐS thấp bất thường, giá bán thấp hơn giá mua, giá bán thứ cấp thấp hơn giá bán của chủ đầu tư… Với những hồ sơ có dấu hiệu bất thường, cán bộ thuế yêu cầu người dân khai lại đúng giá.
Trường hợp cơ quan thuế hướng dẫn khai lại nhưng không thực hiện thì sẽ có những biện pháp nghiệp vụ thuế hoặc chuyển cơ quan công an điều tra.
“Hiện nay, đa số các hồ sơ trả lại người dân đã tự nguyện kê khai giá cao hơn, giảm thất thu ngân sách. Nếu cơ quan thuế trả hồ sơ không đúng thì người dân có thể khiếu kiện nhưng thực tế thời gian qua, người dân cũng hiểu và ý thức khai lại giá đúng hơn”, ông Giao nói.
Thực tế, việc để người dân tự khai “giá thị trường” trong chuyển nhượng là rất khó chính xác. Về việc này, đại diện Chi cục thuế TP.Thủ Đức cũng nhìn nhận, xác định đúng giá giao dịch nhà đất thực tế hai bên mua bán rất khó và cũng khó xác định được đúng giá thị trường, trong khi khung giá đất do UBND các tỉnh, TP ban hành thường thấp hơn nhiều so với giá chuyển nhượng.
Tổng Hợp