Trong suốt 20 năm qua, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đã “đánh tiếng” góp vốn hàng tỷ USD để phát triển hạ tầng tại 2 bên bờ sông Hồng, tuy nhiên cho đến nay các đề xuất này vẫn dang dở.
Mới đây, UBND Hà Nội tái khởi động lại quy hoạch hai bên bờ sông Hồng. Đây không phải lần đầu công việc này được thực hiện.
Nhiều phương án quy hoạch sông Hồng trong hơn 20 năm qua đã được nhiều đơn vị đề xuất song đều trở thành những giấc mơ dang dở, vì nhiều lý do khác nhau.
Lãnh đạo thành phố Hà Nội thừa nhận, thực lực tài chính của thành phố trong 5 năm tới còn khó khăn, chưa thể đầu tư làm đê hai bên bờ sông Hồng, cũng như di dời 900.000 dân đang cư trú ở khu vực bờ sông với tổng chiều dài trên 4 km.
Tới đây, Hà Nội sẽ tính toán xây dựng quy hoạch làm đê kết hợp với đường, đảm bảo chống lũ cấp 3.
Thành phố cũng đang tính toán phương án đền bù bằng tiền để người dân có thể tự mua nhà tái định cư… Dự kiến, đồ án quy hoạch sẽ được lấy ý kiến các bộ ngành, chuyên gia trước ngày 30/7, sau đó sẽ trình Thường trực Thành ủy Hà Nội và Thủ tướng xem xét quyết định.
Nhiều phương án quy hoạch sông Hồng trong hơn 20 năm qua đã được nhiều đơn vị đề xuất song đều trở thành những giấc mơ dang dở
Nếu quy hoạch sông Hồng được thực hiện sẽ tạo ra lợi nhuận hàng tỷ USD!
Theo PGS.TS Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế nếu thực hiện được việc quy hoạch hai bên bờ sông Hồng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Hà Nội.
Với tổng chiều dài 120 km, chảy qua nhiều quận, huyện, sông Hồng có vai trò quan trọng đối với việc phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của Hà Nội.
Từ cả nghìn năm trước, sông Hồng và các phụ lưu vốn đã là đường giao thông quan trọng của Hà Nội, giúp Thủ đô kết nối với nhiều địa phương khác trong khu vực phía Bắc như: Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng,…
Riêng đoạn sông chảy qua nội đô, trong 50 năm qua, chính quyền thành phố cũng đã cho xây dựng nhiều cảng sông để thuyền bè neo đậu, xây dựng kho bãi làm nơi tập kết hàng hóa giao thương.
Bên cạnh đó, về nông nghiệp, sông Hồng là nơi cung cấp nguồn nước chính, tưới tiêu ruộng đồng của nhiều địa phương miền Bắc. Con sông này, cùng một số phụ lưu khác như sông Lô, sông Thao, sông Đà,.. cũng là một ngư trường đánh bắt cá nước ngọt lâu đời của người Việt.
Đặc biệt, theo ông Long, trong giai đoạn hiện nay, khi đất đai trong nội đô đang dần trở khan hiếm, thì quỹ đất lên tới hàng nghìn mét vuông dọc 2 bờ sông Hồng có thể giúp thành phố tận dụng để phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông, nhà ở, chung cư phục vụ cho vấn đề an sinh xã hội.
Khi kết hợp với cảnh quan khu vực ven sông, nhiều chủ đầu tư đã nhìn ra cơ hội tạo ra lợi nhuận “khủng”, lên tới hàng tỷ USD khi phát triển hệ thống chung cư, khu đô thị cao cấp kết hợp với du lịch sinh thái.
Vì vậy, PGS.TS Ngô Trí Long khẳng định, khi Hà Nội quyết tâm thực hiện ý tưởng xây dựng thành phố ven sông Hồng, chắc chắn các doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ không bỏ qua cơ hội này để góp vốn đầu tư, thực hiện dự án.
“Sông Hồng giống như một cô thôn nữ đẹp, vẫn còn hoang sơ, nên bất kỳ đại gia nào cũng muốn tranh phần”, ông Long nói.
Tuy nhiên, theo ông Long, ở thời điểm hiện tại, Hà Nội vẫn đang thiếu trầm trọng nguồn nhân sự đủ trình độ để quy hoạch sông Hồng. Vì vậy, thực hiện giấc mơ “thành phố ven sông Hồng” vẫn còn tương đối xa vời.
“Các nhà quy hoạch trong nước hiện nay vừa thiếu kinh nghiệm lại chưa đủ để đưa ra một bản quy hoạch hoàn chỉnh cho sông Hồng. Điều này ai cũng có thể nhận ra được. Vì vậy, tôi cho rằng, Hà Nội cần phải phối hợp với chuyên gia nước ngoài để tìm ra một phương án an toàn khi phát triển thành phố ven sông.
Đồng thời, Hà Nội phải quyết tâm làm và thực hiện càng sớm càng tốt, để tránh tình trạng đội vốn, chi phí tăng cao”, ông Long nói thêm.
Theo các chuyên gia, Hà Nội cần phải quyết tâm làm sớm việc quy hoạch hai bên sông Hồng để tránh bị đội vốn, chi phí tăng cao.
Nhà đầu tư “đến rồi lại đi” vì chưa có phương án trị thủy, thoát lũ?
Trong khi đó, KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cho biết: Trong suốt 30 năm qua, kể từ khi Hà Nội xác định định hướng phát triển thành phố ven sông, đã có nhiều tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước “đánh tiếng” đồng ý góp vốn đầu tư nghiên cứu quá trình trị thủy, từ đó đề xuất các dự án phát triển hạ tầng ở 2 bên bờ sông Hồng.
Cụ thể, vào năm 1994, một nhà đầu tư Singapore đã đề xuất một dự án khu dân cư hiện đại, bao gồm quần thể cao ốc, nhà ở, văn phòng thương mại, khách sạn, khu vui chơi tại khu vực An Dương, nằm ở ngoài đê sông Hồng.
Được biết, dự án này của phía đối tác Singapore có tổng vốn dự kiến lên tới 240 tỷ đồng.
Năm 2006, thị trường Seoul (Hàn Quốc) cũng đã ký thỏa thuận hợp tác quy hoạch, cải tạo sông Hồng, đoạn qua Hà Nội và bắt đầu triển khai từ năm 2008 – 2020. Dự án được chia làm 4 khu vực, tổng diện tích là 1.500 ha, chi phí đầu tư dự kiến là 7,1 tỷ USD.
Ngoài ra, theo tiết lộ của KTS Đào Ngọc Nghiêm, trong 20 năm qua, có nhiều nhà đầu tư ngoại đến từ Trung Quốc, Mỹ, thậm chí có cả Ý đã có nhiều đề xuất phát triển dự án hạ tầng ở 2 bên bờ sông Hồng.
Nổi bật nhất là một đề xuất làm “khu đèn đỏ” ở khu vực bãi giữa, nằm dưới chân cầu Long Biên. Tuy nhiên, tất cả các dự án này, không một dự án nào thành công bởi Hà Nội chưa tìm ra được phương án khả thi trong vấn đề trị thủy, thoát lũ.
Một số ý kiến cho rằng, cũng vì quá trình trị thủy sông Hồng chậm chễ, nên Hà Nội đã đánh mất nhiều cơ hội phát triển ở hai bên bờ sông.
“Trước lợi ích kinh tế từ 2 bên bờ sông Hồng đem lại, nếu Hà Nội quyết tâm làm và kêu gọi đầu tư, chắc chắn không thiếu doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ cùng đồng hành. Tuy nhiên, điều quan trọng ở đây là vấn đề thoát lũ, cần phải tìm ra một phương án khả thi và an toàn nhất nếu không việc quy hoạch sẽ khó thực hiện được”, ông Nghiêm nói thêm.
Việt Vũ