Thành phố đang khẩn trưởng xây dựng và hoàn thiện qui hoạch điểu chỉnh để trình Thủ tướng Chính phủ.
Đường Vành đai 3 (đi qua địa phận TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Long An với tổng chiều dài khoảng 89,3km) là dự án mang tính huyết mạch, kết nối các tỉnh thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, phân luồng các phương tiện vận tải nặng quá cảnh qua TP.HCM không phải lưu thông vào trung tâm thành phố, rút ngắn thời gian lưu thông giữa các tỉnh… Giữ vai trò quan trọng là vậy nhưng đến nay dự án chỉ mới đầu tư được 16,3km/ 89,3km (đạt 18%).
Tại dự án này, vừa qua Chính phủ đã phê duyệt khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư dự án thành phần 1A thuộc đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch giai đoạn 1. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương triển khai, lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án quan trọng quốc gia để Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư và triển khai thực hiện đầu tư trong năm 2020.
Tại khu vực trung tâm, vừa qua Quy hoạch – Kiến trúc Thành phố kiến nghị Bộ Xây dựng hướng dẫn cụ thể về phương án lập quy hoạch, quản lý không gian xây dựng ngầm đô thị áp dụng cho Thành phố trước mắt đối với 2 khu vực trọng điểm gồm Khu trung tâm hiện hữu (930ha) và Khu đô thị mới Thủ Thiêm (657ha) trong hồ sơ thuyết minh bản vẽ, định mức chi phí, dự toán thực hiện, lập và thẩm định, phê duyệt quy hoạch.
Theo đại diện Sở Quy hoạch – Kiến trúc Thành phố, thời gian qua tỷ lệ đô thị hoá của Tp. Hồ Chí Minh ngày càng tăng, diện tích đất xây dựng đô thị ngày càng lớn dẫn tới quỹ đất phát triển trên mặt đất ngày càng hạn chế.
Mặt khác thành phố đang xây dựng và phát triển các tuyến giao thông cộng cộng có khối lượng lớn, khu vực các nhà ga tuyến metro nên đòi hỏi kết nối không gian ngầm.
Tương tự, dự án đường bộ huyết mạch khác là cao tốc TP.HCM – Mộc Bài (theo hợp đồng BOT, dài 53km, tổng vốn đầu tư dự kiến 13.613 tỷ đồng) cũng chỉ mới trong giai đoạn nghiên cứu. Do dự án đi qua địa bàn TP.HCM và Tây Ninh, đồng thời để chủ động sắp xếp nguồn vốn đầu tư, trên cơ sở đề xuất của UBND TP.HCM, Bộ Giao thông Vận tải, Thủ tướng Chính phủ đã cho phép UBND TP.HCM là cơ quan nhà nước có thẩm quyền triển khai dự án. Sau khi nhận bàn giao hồ sơ từ Ban quản lý Dự án 2 – Bộ Giao thông Vận tải, UBND Thành phố đã hoàn chỉnh báo cáo nghiên cứu tiền khả thi để trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư.
Để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ dự án này, vừa qua UBND TP.HCM đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn việc xác định nguồn vốn và khả năng cân đối trong giai đoạn 2021 – 2025 khi thực hiện thủ tục quyết định chủ trương đầu tư dự án tại thời điểm khi Chính phủ chưa thông báo dự kiến khả năng cân đối ngân sách nhà nước cho chi đầu tư phát triển giai đoạn 2021 – 2025. UBND Thành phố cũng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, có ý kiến hướng dẫn các vướng mắc liên quan đến thủ tục quyết định chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án, thẩm định nguồn vốn và khả năng cấn đối vốn.
Tương tự, một số dự án trọng điểm khác trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh cũng đã và đang lập, điều chỉnh quy hoạch.
Cụ thể là dự án Khu Công nghệ cao (Quận 9, Thanh tra Chính phủ đã kết luận về số sai phạm trong lĩnh vực quy hoạch, đất đai, xây dựng), UBND Thành phố đã chấp thuận việc điều chỉnh, bổ sung mục tiêu sử dụng đất đối với 7 dự án tái định cư từ “phục vụ khu công nghệ cao” thành “phục vụ tái định cư dự án Khu Công nghệ cao và các dự án chỉnh trang đô thị, công ích sử dụng vốn ngân sách hoặc có nguồn gốc từ ngân sách”.
Cụ thể là 7 dự án tái định cư gồm khu Long Sơn, Man Thiện, Cây Dầu 1, Cây Dầu 2, Cầu Xây, Long Bửu – giai đoạn 1 và Long Bửu – giai đoạn 2.
Về tiến độ lập quy hoạch Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông (Quận 2, Quận 9 và Quận Thủ Đức), Phó Chủ tịch UBND Tp. Hồ Chí Minh Võ Văn Hoa vừa yêu cầu Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức kêu gọi đầu tư tại Khu đô thị trên cơ sở phù hợp với mục tiêu chung của Khu đô thị, thông qua tiêu chuẩn của từng ngành dịch vụ, từng lĩnh vực đầu tư do các nhà đầu tư gợi ý đề xuất.
Đồng thời, tiếp thu ý kiến của các sở ngành có liên quan, hoàn chỉnh kế hoạch tổ chức hội nghị giới thiệu các định hướng quy hoạch và kêu gọi đầu tư.
Ngoài ra, UBND Thành phố cũng giao Sở Quy hoạch – Kiến trúc tham mưu UBND Thành phố về các công trình kiến trúc mang tính biểu tượng chính cho từng trung tâm đổi mới sáng tạo trong Khu đô thị sáng tạo, tương tác cao phía Đông như Khu trung tâm tài chính, Trung tâm thể thao Rạch Chiếc, Trung tâm sản xuất tự động hoá, Khu công viên khoa học,…
Đối với việc quy hoạch phát triển các khu đô thị mới, hiện nay Thành phố đang lập đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch 1/5000, tổ chức thi tuyển ý tưởng quy hoạch Khu đô thị Tây Bắc, lập đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 Khu đô thị cảng Hiệp Phước, phê duyệt pháp lý về quy hoạch Khu đô thị Bình Quới – Thanh Đa cũng như tổ chức lập thiết kế đô thị dọc tuyến đại lộ Nguyễn Văn Linh tại Khu đô thị Nam Thành phố.
Liên quan đến công tác quy hoạch, vừa qua UBND Tp. Hồ Chí Minh ban hành Quyết định số 4254/QĐ-UBND điều chỉnh ranh lộ giới đường Lương Hữu Khánh, phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1 từ lộ giới 25m lên 34 – 39m.
Việc điều chỉnh lộ giới tuyến đường có vị trí đắc địa bậc nhất Quận 1 này dẫn tới quy hoạch ô phố R8 thuộc Phân khu 2 – Khu trung tâm hiện hữu giảm chức năng đất phức hợp từ 10.581m2 xuống còn 8.725m2.
Trong khi đó tại Quận 7, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định số 3251/QĐ-UBND điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu nhà ở Him Lam, lô Y.
Theo đó, chức năng sử dụng đất được thay đổi từ chức năng “văn phòng kết hợp thương mại, dịch vụ” thành “văn phòng kết hợp thương mại, dịch vụ, căn hộ để ở và khách sạn nhà hàng” đồng thời tăng chiều cao từ 18 tăng lên 24 tầng.