Theo CEO WiGroup, dù lãi suất chính sách có điều kiện để giảm, nhưng muốn giảm lãi suất đầu ra vẫn phải phụ thuộc vào hệ thống ngân hàng, và lãi suất của hệ thống ngân hàng phụ thuộc vào thanh khoản của hệ thống.
Trên Kênh Tài chính và Kinh doanh, CEO của WiGroup, ông Trần Ngọc Báu nhận định lãi suất điều hành có điều kiện thuận lợi để giảm một, hai lần nữa nhìn từ hai yếu tố lạm phát, tỷ giá. Tuy nhiên lãi suất huy động và cho vay chưa thể giảm nhanh do vấn đề thanh khoản trung và dài hạn và sức khỏe của hệ thống ngân hàng.
Ở kỳ hạn ngắn (qua đêm và dưới 1 tháng), theo ông Báu, thanh khoản hệ thống đang dư thừa nhẹ.
“Từ giữa tháng 5 đến nay, NHNN đã bơm vào khoảng 80.000 tỷ đồng vào hệ thống thông qua nghiệp vụ thị trường mở, và sẽ tiếp tục bơm vào 30.000 tỷ nữa trong vòng một vài tuần tới. Như vậy hệ thống có thêm 110.000 tỷ, ngoài ra mua thêm USD, vẫn thể giảm lãi suất. Tuy nhiên chênh lệch giữa huy động và tín dụng làm cho lãi suất không thể giảm sâu”, ông Báu nói.
CEO của WiGroup cho hay mặc dù thanh khoản hệ thống ngân hàng đang đang dư thừa nhưng chỉ dư thừa trong ngắn hạn.
Ông phân tích, “tổng tín dụng vẫn đang vượt tổng huy động. Nếu như lãi suất huy động giảm nữa sẽ làm tăng chênh lệch giữa tín dụng và huy động, nghĩa là khi đó ngân hàng cho vay nhiều hơn đi vay. Thanh khoản ngắn hạn thì dư thừa, nhưng thanh khoản trung và dài hạn vẫn có thể xảy ra biến động thanh khoản, làm cho hệ thống ngân hàng chưa sẵn sàng giảm mạnh lãi suất huy động”.
Ngoài ra, nợ xấu hệ thống ngân hàng cũng là một lý do khác khiến lãi suất đầu ra chưa thể giảm nhanh.
“Hiện dư địa giảm lãi suất lên đến 1-1,5%, lãi suất chính sách có thể về vùng khoảng 4-4,25%, do tỷ giá, lạm phát, thanh khoản ngắn hạn đang ủng hộ. Tuy nhiên, thanh khoản trung và dài hạn, sức khỏe của hệ thống ngân hàng không cho phép giảm nhanh lãi suất huy động và lãi suất cho vay”, ông nhấn mạnh.
Phân tích về yếu tố lạm phát, nhìn từ số liệu CPI so với cùng kỳ, ông cho hay khác với quý II, đầu quý III năm ngoái giá cả tăng tương đối nhanh thì năm nay giá cả nền kinh tế đang giảm.
Ông cho rằng không có yếu tố nào làm CPI tăng mạnh từ giờ đến cuối năm. “Giá heo, giá gạo không có động lực tăng. Giá vật liệu xây dựng tăng mạnh do giá điện, nước tăng nhanh làm cho CPI tăng lên, nhìn tổng thể giá nhà ở vật liệu xây dựng chỉ đi ngang”, ông nói thêm.
Đại diện WiGroup dự báo lạm phát năm nay chỉ khoảng 3%, thậm chí dưới 3%. Đây là cơ sở thuận lợi cho lãi suất huy động giảm về 4-5%, khi đó vẫn đảm bảo lãi suất thực dương, không ảnh hưởng đến việc gửi tiền của người dân.
Tỷ giá ổn định cũng là yếu tố ủng hộ cho việc giảm lãi suất điều hành. Theo ông Trần Ngọc Báu, xuất khẩu dù giảm nhưng Việt Nam vẫn có thặng dư thương mại, FDI giải ngân vẫn khả quan.
Tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5/2023 diễn ra chiều 3/6, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Thanh Hà đã thông tin một số vấn đề liên quan đến ngành ngân hàng.
Ông Hà cho biết, theo chỉ tiêu đã được NHNN công bố, tăng trưởng tín dụng năm nay khoảng 14-15% và NHNN cũng đã phân bổ phù hợp cho từng tổ chức tín dụng có kế hoạch tăng trưởng trong năm. Đến hết tháng 5, tín dụng nền kinh tế về mặt số liệu đạt trên 12,3 triệu tỷ đồng, tức là mức tăng khoảng 3,17% so với cuối năm 2022.
Đi sâu vào các nhóm ngân hàng, đối với các ngân hàng thương mại nhà nước, chiếm khoảng 44% thị phần tín dụng thì tăng trưởng mới đạt khoảng 35% so với mức NHNN đã giao. Nhóm ngân hàng cổ phần chiếm khoảng 44% thị phần thì đang đạt khoảng một nửa so với mức được giao. Theo đại diện NHNN, cả hai nhóm này chiếm khoảng 91% thị phần tín dụng, vẫn còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng cho thời gian còn lại của năm.
“Nhìn lại giờ này năm 2022, tín dụng tăng xấp xỉ 8% so với cuối năm 2021. Như vậy, trong điều kiện điều hành chính sách tín dụng của NHNN không thay đổi, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 là 14%, năm nay nhích hơn một chút, từ 14% đến 15% mà tín dụng tăng thấp như thế, rõ ràng sức hấp thụ vốn của nền kinh tế yếu, yếu hơn đáng kể so với năm ngoái”, vị này nói.
Về lý do tín dụng tăng trưởng thấp, theo Phó Thống đốc có ba nguyên nhân chính. Thứ nhất, với các doanh nghiệp sản xuất, đầu ra tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn do thiếu đơn hàng dẫn đến nhu cầu vay vốn mới để sản xuất giảm sút.
Thứ hai, đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, một số doanh nghiệp có tình hình tài chính suy yếu, không có phương án khả thi dẫn đến chưa đáp ứng yêu cầu vay vốn của ngân hàng.
Thứ ba, liên quan đến tín dụng bất động sản, nhiều dự án bất động sản gặp khó khăn, trong đó có khó khăn về pháp lý, ít có dự án mới triển khai, do vậy nhu cầu tín dụng đối với bất động sản cũng giảm sút.
Về giải pháp, ông Hà thông tin, NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng, các ngân hàng giảm lãi suất cho vay. Sau rất nhiều động thái điều hành của NHNN từ tháng 3 đến tháng 5, mặt bằng lãi suất cũng đã giảm, số liệu gần đây cho thấy lãi suất cho vay của các bảng vay mới bình quân hiện tại khoảng 9,07%, giảm 0,9% so với cuối năm ngoái.
“Với số liệu như thế này, chúng tôi tin tưởng rằng mặt bằng lãi suất đang giảm và cũng sẽ giảm trong thời gian tới”, vị này nhận định.
Đối với khoản dư nợ hiện hữu, do khách hàng gặp khó khăn trong trả nợ cho nên NHNN đã ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN cho phép cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ. NHNN tiếp tục chỉ đạo các tổ chức triển khai chính sách này để hỗ trợ cho các dư nợ đã có đối với doanh nghiệp.
Tổng Hợp
(VietnamBiz)