Diễn biến trên thị trường cho thấy, yếu tố tạo áp lực chính với mặt bằng lãi suất trong quý III đó là chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước đã chuyển sang trạng thái thắt chặt, với mục tiêu ưu tiên là ổn định tỷ giá và kiểm soát lạm phát.
Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều tiết cung tiền thận trọng qua kênh OMO, đồng thời điều chỉnh linh hoạt lãi suất OMO ở mặt bằng cao trên cơ sở cân đối cung – cầu vốn trên thị trường. Với các loại lãi suất điều hành khác, cơ quan này sẽ thận trọng quan sát thêm các dịch chuyển vĩ mô trên thị trường quốc tế cũng như trong nước và có thể xem xét điều chỉnh tăng khoảng 0,5%/năm một số loại lãi suất điều hành.
Một mặt, Ngân hàng Nhà nước điều tiết cung tiền thắt chặt hơn với mức hút ròng khoảng 260.000 – 280.000 tỷ đồng qua kênh tín phiếu và bán ngoại tệ. Mặt khác, trong giai đoạn cuối quý III, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng một loạt lãi suất điều hành bao gồm lãi suất tái cấp vốn, tái chiết khấu, trần lãi suất huy động và lãi suất trên thị trường mở (OMO).
Đáng lưu ý, cân đối huy động vốn – tín dụng tiếp tục xu hướng thu hẹp trong bối cảnh tăng trưởng huy động vốn vẫn đối mặt với nhiều khó khăn và thấp hơn nhiều so với tăng trưởng tín dụng. Theo số liệu công bố của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 28/9 đạt 10,96%, cao hơn 6% so với tăng trưởng huy động vốn.
Ngày 8/10, SCB công bố mức lãi suất huy động cao nhất là 8,9%/năm ở kỳ hạn 36 tháng và một số kỳ hạn tăng khoảng 1%/năm so với trước đó.
ABBank triển khai chương trình lãi suất mới áp dụng từ 10/10 đến 31/12/2022, khách hàng mở mới tài khoản tiết kiệm sẽ được hưởng lãi suất lên tới 8,6%/năm cho kỳ hạn 15 tháng.
Không đứng ngoài cuộc đua, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 36 tháng của VPBank đã được điều chỉnh tăng lên 7,2 – 8%/năm, tùy giá trị tiền gửi.
Tại Techcombank, với những khoản tiền gửi mở mới online và tự động quay vòng, lãi suất kỳ hạn 1 – 3 tháng là 5%/năm, kỳ hạn 6 tháng là 7,2%/năm, kỳ hạn 12 tháng là 7,5%/năm.
Sacombank áp dụng mức lãi suất cao nhất là 8%/năm cho tiền gửi online kỳ hạn 36 tháng. Các khoản tiền gửi từ 6 tháng trở lên có lãi suất tăng khoảng 0,5%/năm so với trước.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp BIDV cho biết, ngay trong quý III/2022, mặt bằng lãi suất huy động VND trên thị trường 1 đã ghi nhận xu hướng tăng mạnh, với mức tăng khoảng 0,4 – 1,4%/năm ở hầu hết các kỳ hạn. Trong đó, tăng mạnh nhất là nhóm ngân hàng thương mại cổ phần với 4 – 5 lần điều chỉnh lên như MB, Techcombank, TPBank, SeABank…
Đặc biệt, ngay sau quyết định tăng lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước ngày 22/9, tất cả các ngân hàng thương mại trên thị trường lập tức điều chỉnh tăng lãi suất huy động thêm 0,8 – 1,1%/năm, trong đó có nhiều ngân hàng chạm trần 5%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng.
Tổng Hợp