Nhiều ngân hàng đã được nới “room tín dụng” trong bối cảnh khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp và người dân vẫn còn nhiều nghi vấn, dù các chỉ số cho thấy nền kinh tế đang phục hồi nhanh hơn dự kiến.
Được nới ‘room’ tín dụng
Tại Hội nghị đánh giá tình hình kinh tế – xã hội sáu tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ sáu tháng cuối năm 2020 giữa Chính phủ và các địa phương, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết nhiều ngân hàng thương mại đã được nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng trong năm nay.
Theo đó, ngay từ đầu tháng 7, NHNN đã chủ động điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng của một loạt ngân hàng thương mại, kể cả ngân hàng có vốn Nhà nước hay cổ phần tư nhân. Việc điều chỉnh được thực hiện theo hướng tập trung cho các ngân hàng có điều kiện tăng trưởng tín dụng lành mạnh và chảy vào các lĩnh vực phục vụ cho sự tăng trưởng kinh tế.
Theo Thống đốc, nhu cầu tín dụng đang có sự thay đổi, từ mức yếu trong hai tháng 4-5, đến nay đã tăng trở lại. Theo đó, tính đến ngày 29/6, tín dụng tăng 3,26% – mức tăng khá mạnh bắt đầu từ tháng 5 trở lại đây. Mức tăng trưởng tín dụng so với tháng trước, như của tháng 3 là khoảng 1,13%, tháng 4 tăng 0,12%, tháng 5 tăng 0,53% và đến ngày 20/6 tăng 1,28% (so với tháng trước).
“NHNN sẵn sàng tăng hạn mức tín dụng cho các tổ chức tín dụng từ nay đến cuối năm để hỗ trợ tăng trưởng. Trong trường hợp cần thiết theo chỉ đạo của Chính phủ, sẽ có các giải pháp mạnh hơn về chính sách tiền tệ như tái cấp vốn cho các dự án công trình có tác động lan toả để hỗ trợ cho các khu vực kinh tế trọng điểm, cũng như hỗ trợ tăng trưởng từ nay đến cuối năm”, Thống đốc nhấn mạnh.
Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định hệ thống ngân hàng sẽ cung cấp đầy đủ và kịp thời nguồn vốn cho nền kinh tế. Ảnh: SBV
Chưa có danh sách cụ thể nhưng việc nới “room” tín dụng gần như là điều mà nhiều ngân hàng mong mỏi trong thời gian qua. Chẳng hạn như VPBank, tại đại hội cổ đông thường niên vừa qua, lãnh đạo nhà băng này cho biết tính đến hết tháng 5 ngân hàng đã tăng trưởng tín dụng đạt hơn 12%, trong khi kế hoạch đặt ra là 12,3%. Tương tự là trường hợp TPBank, khi tín dùng trong bốn tháng đầu năm tăng gần 11%, trong khi mức giới hạn được giao là 11,5%.
“Room” tín dụng cũng là con số mà nhiều lãnh đạo ngân hàng phải nhìn vào đó để lèo lái hoạt động. Chẳng hạn như, ông Phạm Doãn Sơn, Tổng giám đốc LienVietPostBank cho biết, mức tăng trưởng tín dụng tính đến hết tháng 5 của ngân hàng đạt khoảng 5%, trong khi định mức giao đầu năm là 11%. Theo đó, LienVietPostBank phải đợi “tín hiệu” từ phía NHNN rồi mới quyết định đẩy mạnh cho vay hay không.
Một trường hợp tăng trưởng nhanh khác là Ngân hàng VIB. Ông Đặng Khắc Vỹ, Chủ tịch HĐQT ngân hàng, cho biết, tính đến hết quý 2 năm nay, tăng trưởng tín dụng đã đạt hơn 6%. Ngân hàng kỳ vọng trong năm nay sẽ được NHNN nhìn nhận và cho tăng trưởng tín dụng như mục tiêu VIB đề ra. Lãnh đạo của VIB nói thêm rằng tăng trưởng của ngân hàng tập trung vào bán lẻ và các mảng lõi của ngân hàng, với 85% dư nợ là khách hàng cá nhân.
Vào đầu năm 2020, dự kiến mức tăng trưởng tín dụng toàn ngành đặt ra là khoảng 14%, nhưng đại dịch Covid-19 sau đó khiến NHNN điều chỉnh theo hướng mở rộng “vùng đệm” với khoảng 11 – 14%. Nhiều ngân hàng được thiết lập chính sách tăng trưởng quanh mốc này.
Tại cuộc họp báo thông tin hoạt động ngân hàng vào đầu tháng 6, Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết rằng chỉ tiêu tín dụng toàn ngành đặt ra là 14%, được cơ quan này xây dựng trên cơ sở đánh giá các điều kiện kinh tế cuối năm 2019.
Sau khi dịch bệnh Covid-19 bắt đầu diễn ra nghiêm trọng hơn, các hoạt động kinh tế gần như ngừng trệ. Các ngân hàng bên cạnh việc giải ngân cho vay hoạt động mới, giờ còn phải tập trung xử lý các khoản nợ xấu vì Covid-19.
Nhiều doanh nghiệp lên tiếng về việc ngân hàng gây khó dễ trong việc cho vay, nhưng nhà quản lý cho rằng ở thời điểm hiện nay thì không thể hạ tiêu chuẩn cho vay vì rủi ro nợ xấu.
Theo Phó thống đốc NHNN, việc giảm tốc tín dụng cũng phù hợp với tình hình tăng trưởng hiện nay của nền kinh tế. Theo đó, nhu cầu tín dụng trong thời điểm dịch bệnh bùng phát là không lớn.
Tuy nhiên, thanh khoản ngân hàng thì lại còn rất dồi dào, trong khi mặt bằng lãi suất thị trường có xu hướng giảm so với đầu năm. Đây là cơ sở để các một số ít các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh tín dụng.
Bản báo cáo của Công ty chứng khoán SSI vào cuối tháng 6 dẫn nguồn của Tổng cục Thống kê, cho thấy sức tăng trưởng tín dụng tiếp tục được cải thiện từ nửa cuối tháng 5 đến nay. “Kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2020 các ngân hàng thương mại đặt ra tại đại hội cổ thường niên tổ chức gần đây vẫn ở mức khá tích cực, cho thấy kỳ vọng khả quan trong sáu tháng cuối năm 2020”, theo bản báo cáo.
Nguồn: Báo cáo Vietnam at a glance Economics Vietnam Singin’ in the rain, HSBC.
Thanh khoản thừa, tăng trưởng thấp kỷ lục
Theo công ty chứng khoán BVSC, lãi suất liên ngân hàng tuần qua bắt đầu tăng nhẹ ở các kỳ hạn một và hai tuần, đưa lãi suất các kỳ hạn bắt đầu tăng nhẹ lên (lần lượt là 0,25%/năm và 0,34%/năm) sau một thời gian giảm liên tục. Còn lãi suất kỳ hạn qua đêm vẫn ổn định ở mức 0,13%/năm.
“Lãi suất liên ngân hàng nhiều khả năng đã thiết lập đáy và sẽ sớm bật tăng trở lại khi NHNN không còn bơm ròng vốn qua kênh tín phiếu nữa. Mức độ bật tăng sẽ phụ thuộc rất lớn vào tăng trưởng tín dụng trong sáu tháng cuối năm”, báo cáo ghi rõ.
BVSC cũng dẫn báo cáo mới được công bố của IHS Markit, đánh giá lĩnh vực sản xuất của Việt Nam tăng trưởng trở lại, qua chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) trong tháng 06 đạt 51,1 điểm, tăng 8,4 điểm so tháng trước.
“Dịch Covid-19 được kiểm soát tốt đã giúp niềm tin vào triển vọng kinh doanh tích cực hơn, kéo theo số lượng đơn hàng và sản lượng đã tăng trở lại. Cụ thể, số lượng đơn đặt hàng mới lần đầu tiên tăng kể từ đầu năm đến nay và tăng mạnh, nhanh nhất trong vòng một năm trở lại đây”, báo cáo nhận định.
Tăng trưởng tín dụng phụ thuộc nhiều vào nhu cầu của nền kinh tế, vốn đang được kỳ vọng sẽ đi lên sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiếm soát tốt ở Việt Nam, giúp lấy lại niềm tin.
Theo báo cáo mới nhất của HSBC, dự báo tăng trưởng GDP trong năm 2020 đã nâng lên mức 3% từ mức 1,6% trước đó, đi cùng là dự báo lạm phát ở mức 3,3%. HSBC cũng đặt kỳ vọng Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất điều hành khoảng 50 điểm cơ bản trong quý 3 tới.
Trước đó, báo cáo của Tổng cục thống kê cho thấy tăng trưởng GDP trong hai quý đầu năm đạt 1,81% so với cùng kỳ, ghi nhận mức tăng trưởng thấp nhất từ khi bắt đầu thống kê từ trước đến nay. Mục tiêu tăng trưởng trong năm nay là 6,8%, với kế hoạch đẩy mạnh đầu tư công và giải ngân cho vay ngân hàng.
Chia sẻ định hướng điều hành từ nay đến cuối năm, Thống đốc Lê Minh Hưng nhấn mạnh mục tiêu điều hành chính sách tiền tệ là kiểm soát và giữ được ổn định vĩ mô, nhưng đặt mục tiêu là hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Theo đó, hệ thống ngân hàng sẽ tiếp tục cam kết cung ứng đầy đủ, kịp thời nguồn vốn cho nền kinh tế, sẽ điều hành tỷ giá ổn định và sẵn sàng các biện pháp cần thiết can thiệp thị trường nếu có các biến động quá mức gây bất ổn vĩ mô.
Theo Dũng Nguyễn/Thời báo Kinh tế Sài Gòn