Theo báo cáo thị trường tiền tệ tuần 19/6-23/6, Bộ phận phân tích Chứng khoán SSI (SSI Research) cho biết thanh khoản trên hệ thống ngân hàng tiếp tục ổn định và hoạt động trên kênh thị trường mở trầm lắng.
Cụ thể, mặc dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chào thầu đều đặn trên kênh mua kỳ hạn ở hai kỳ hạn 7 ngày và 28 ngày, mỗi kỳ hạn 50.000 tỷ đồng, đều với lãi suất 4%, tuy nhiên không có khối lượng trúng thầu.
Trong tuần qua cũng không ghi nhận khối lượng đáo hạn trên cả hai kênh tín phiếu và mua kỳ hạn. Thanh khoản dồi dào khiến mặt bằng lãi suất liên ngân hàng có xu hướng giảm trong nửa đầu tuần, về mức 0,55% cho kỳ hạn qua đêm và đã bật tăng nhẹ trở lại lên vùng 1,1% vào phiên cuối tuần.
Các chuyên gia cho rằng thanh khoản sẽ chịu nhiều áp lực hơn trong tuần này khi yếu tố mùa vụ vào cuối quý có thể khiến lãi suất liên ngân hàng bật tăng nhẹ trở lại.
Trong cuộc họp thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2023, NHNN cho biết tín dụng tính đến ngày 15/6 chỉ tăng 3,36% so với cuối năm 2022 – tương đương với mức tăng 8,94% so với cùng kỳ.
Với hạn mức phân bổ tăng trưởng tín dùng lần 1 là vào khoảng 11%, dư địa cho vay của các ngân hàng thương mại vẫn còn khá lớn và đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng là nhiệm vụ quan trọng của ngành ngân hàng để đạt được mức tăng trưởng tín dụng mục tiêu trong năm là 14-15%.
Tuy nhiên, NHNN nhấn mạnh sẽ không hạ chuẩn tín dụng và trước mắt, từ phía NHNN, việc phân bổ hạn mức tín dụng còn lại của năm sẽ sớm được thông báo trong tháng 6 năm 2023 để các tổ chức tín dụng chủ động mở rộng tín dụng từ nay đến hết năm 2023.
Trên thị trường ngoại hối, tỷ giá ổn định quanh mức giá mới sau khi bật tăng nhẹ vào tuần trước đó. Tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng dao động ở vùng 23.520 VND hay tỷ giá bán niêm yết tại các NHTM và tỷ giá tự do lần lượt tại 23.690 VND và 23.625 VND.
Trong tuần qua, Bộ Tài chính Hoa Kỳ ban hành báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ” và Việt Nam tiếp tục không nằm trong danh sách giám sát kỳ đánh giá thứ hai liên tiếp do trong giai đoạn nêu trên, Việt Nam chỉ vượt ngưỡng 1 tiêu chí về thặng dư thương mại hàng hoá và dịch vụ với Hoa Kỳ.
Các chuyên gia duy trì quan điểm cho rằng áp lực sẽ tăng dần đối với tiền đồng trong thời gian tới nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất và áp lực mang tính mùa vụ đến từ việc chuyển lợi nhuận về nước của các doanh nghiệp FDI .
Chia sẻ tại họp báo thường kỳ thông tin về kết quả hoạt động ngành ngân hàng 6 tháng đầu năm 2023, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biếtmức tăng trưởng tín dụng thấp so với cuối năm ngoái đến từ nhiều lý do từ cả khách quan lẫn chủ quan.
Tuy nhiên, Phó Thống đốc khẳng định NHNN muốn tăng trưởng tín dụng nhưng không phải là cấp tín dụng bất chấp mà phải đáp ứng điều kiện vay vốn, an toàn hệ thống và hiệu quả đối với nền kinh tế.
“Tăng trưởng tín dụng luôn đi với nguyên tắc là không hạ chuẩn tín dụng. Bởi vì hạ chuẩn đồng nghĩa với việc rủi ro tăng nợ xấu, ảnh hưởng đến an toàn hệ thống. Hiện nay tại một số ngân hàng, nợ xấu nội bảng thì vẫn dưới 3% nhưng nợ tiềm ẩn thì đang có xu hướng tăng tại một số ngân hàng”, Phó Thống đốc cho hay.
Về lãi suất, cần phải tôn trọng nguyên tắc thị trường, định hướng của các ngân hàng thương mại (NHTM) nhưng cần có định hướng theo hướng từng bước giảm dần một cách tích cực cả từ huy động lẫn cho vay.
Việc giảm lãi suất cho vay sẽ có độ trễ nhưng phải tìm cách để độ trễ này ngắn hơn, do đó NHNN giảm lãi suất điều hành và thực hiện chỉ đạo các NHTM là định hướng để các ngân hàng thực hiện giảm lãi suất.
“Một vài ngày tới, NHNN sẽ tiếp tục làm việc với các NHTM. Trên cơ sở trách nhiệm, các NHTM cần phải chia sẻ bằng cách cắt giảm những chi phí hành chính, một phần nguồn lợi nhuận để tạo cơ sở giảm lãi suất”, ông Tú cho biết.
Bên cạnh đó, đảm bảo thanh khoản thị trường liên ngân hàng thông suốt với lãi suất hợp lý để tạo nguồn vốn cho các NHTM.
Phó Thống đốc cho biết hạn mức tín dụng thì hiện nay chưa thiếu nhưng sắp tới NHNN sẽ giao hạn mức tín dụng đến hết cả năm để các ngân hàng chủ động thực hiện việc tăng trưởng tín dụng.
Cùng với đó, ngân hàng cũng đang thực hiện việc cơ cấu lại nợ, giãn hoãn khoản đến hạn kể cả gốc và lãi theo hướng của Thông tư 02 để hỗ trợ doanh nghiệp. Tính đến nay, 17 ngân hàng đã thực hiện với trên 150.000 tỷ đồng dư nợ được cơ cấu lại.
Tổng Hợp
(VietnamBiz)