Thanh khoản của thị trường địa ốc được ví là điểm mấu chốt tạo ra sự đóng băng hoặc phục hồi của kênh đầu tư này. Khi thanh khoản tăng, đồng nghĩa lượng giao dịch cũng tăng, doanh nghiệp địa ốc sẽ có dòng nhựa sống để nuôi bộ máy, triển khai dự án. Nhưng thực tế, thanh khoản thị trường đang sụt giảm mạnh.
Khảo sát từ nhiều sàn giao dịch nhà đất cho thấy, nếu thời điểm quý II/2022, có khoảng 28% môi giới xác nhận việc mua bán bị sụt giảm mạnh và 45% nói giao dịch có sụt giảm nhưng không quá lớn thì bước sang quý III/2022, tỷ lệ môi giới xác nhận giao dịch giảm mạnh (trên 50% lượng giao dịch) lên đến 43% và quý IV/2022 đã có 62% môi giới xác nhận sự sụt giảm mạnh giao dịch.
Về vấn đề gỡ thanh khoản, nhiều chuyên gia kiến nghị cần phải đưa ra gói hỗ trợ tài chính để kích cầu người mua nhà cũng như tháo gỡ nguồn cung.
Tại Diễn đàn Kinh tế lần thứ 5, ông Don Lam, Chủ tịch Quỹ VinaCapital nhận định, các công ty bất động sản Việt Nam hiện khủng hoảng thanh khoản do ba nguyên nhân. Cụ thể, chính sách tiền thệ bị thắt chặt, các ngân hàng được khuyến khích cho người mua nhà vay thay vì cho các công ty bất động sản vay và các công ty bất động sản ở Việt Nam vay ngắn hạn cho các dự án dài hạn và việc tái cấp vốn cho các khoản nợ đó đôi khi có thể khó khăn.
Theo ông Don Lam, để giải quyết bài toán thanh khoản, các công ty bất động sản cần tiếp cận nguốn vốn vay ngân hàng. Bên cạnh đó, cần nới lỏng chính sách tiền tệ bằng cách bơm tiền vào thị trường tiền tệ hoặc mua dự trữ ngoại hối. Đồng thời thành lập quỹ cứu trợ như một số quốc gia khác.
Vị lãnh đạo Quỹ VinaCapital cho rằng, dự án xây dựng cần vốn dài hạn nhưng doanh nghiệp địa ốc chỉ vay vốn ngắn hạn. Ông Don Lam đề xuất cần phê duyệt hoặc từ chối dự án kịp thời để công ty bất động sản có kế hoạch dòng tiền hợp lý.
Trong diễn đàn được tổ chức ở Hà Nội, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định: 10 năm trước, thị trường bất động sản phải đối mặt với những khó khăn tương tự như thời điểm hiện nay. Đó là nợ xấu gia tăng, thanh khoản kém, thị trường gần như không có giao dịch do tồn kho nhiều, cơ cấu không phù hợp với thị trường. Hiện nguồn cung hạn chế, nhất là chưa có nhà ở phân khúc trung cấp, nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Ông Hà thẳng thắn chỉ rõ, những khó khăn của thị trường đã được nhận diện. Đó là các vấn đề liên quan đến quy định pháp luật về đất đai, tiền vốn, quy hoạch và thủ tục đầu tư xây dựng. Trong đó, “điểm nghẽn” về đất đai liên quan đến giải phóng mặt bằng, quy định định giá đất gây khó cho địa phương trong việc thực hiện trình tự, thủ tục định giá đất. Về nguồn vốn, dù ngân hàng đã được nới room tín dụng nhưng khả năng tiếp cận nguồn vốn của doanh nghiệp, người dân như thế nào lại là câu hỏi.
Đặc biệt, mới đây, Thủ tướng Chính phủ cũng ký công điện về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, với các chỉ đạo cụ thể tới các bộ ngành liên quan, các địa phương. Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo, phối hợp, hướng dẫn các địa phương, ngân hàng thương mại cho vay, giải ngân nhanh chóng, đúng trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng đối với các doanh nghiệp, dự án bất động sản đủ điều kiện theo đúng quy định của pháp luật; ưu tiên cho vay các dự án nhà ở xã hội.
Tín hiệu tích cực đáng chú ý khác đó là việc giãn thời gian đáo hạn trái phiếu cũng như cho phép chuyển đổi trái phiếu sang tài sản. Đây là điểm nghẽn rất lớn đối với doanh nghiệp bất động sản. Một thông tin khác từ phía Hiệp hội ngân hàng cho biết, có 19 ngân hàng đã cam kết giảm lãi suất cho vay. Để thực hiện được điều này, các ngân hàng đồng thuận áp dụng mức lãi suất huy động tối đa là 9,5%/năm, ở tất cả các kỳ hạn.
Mặc dù thị trường bất động sản đang đi vào giai đoạn nước rút của năm 2022 với nhiều tín hiệu khó về dòng tiền, thanh khoản, nguồn cung lệch cầu, tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, năm 2023, thị trường BĐS sẽ chuyển biến tích cực, giao dịch sẽ khởi sắc trở lại.
Các chuyên gia khác cho rằng để dòng vốn thực sự được khơi thông sẽ cần phải có lực mua đủ lớn. Muốn kích hoạt được dòng tiền từ người mua ở thực thì giá BĐS cần giảm tiếp. Dự báo trong ngắn hạn, giá của một số phân khúc ở một số khu vực có thể vẫn chững lại, người sở hữu chịu áp lực lãi suất cao trong thời gian dài buộc phải bán ra tài sản.
Tổng Hợp
(VOV, Nhịp Sống Thị Trường)