Trong các phân khúc, BĐS du lịch nghỉ dưỡng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Thanh khoản của các sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng gồm condotel, biệt thự biển, shophouse biển giảm suốt 2 năm qua.
Ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, Bộ Xây dựng, từng nhìn nhận, hiện nay BĐS du lịch chịu sự điều chỉnh của nhiều hệ thống quy định khác nhau, từ hoạt động đầu tư, kinh doanh đến việc quản lý, sử dụng. Tuy nhiên, quy định của Luật Đất đai, Luật Kinh doanh BĐS hiện hành không có các khái niệm riêng cho loại hình BĐS du lịch, trong đó có condotel, shophouse, resort villa, farmhouse… mà chỉ có khái niệm chung, đó là nhà, công trình xây dựng với mục đích thương mại, dịch vụ.
“Vì vậy, việc này dễ gây lúng túng trong quá trình thực hiện của cả chủ đầu tư, nhà đầu tư và chính quyền địa phương, phát sinh những tranh chấp trong hoạt động kinh doanh, mua bán loại hình BĐS này. Cũng có trường hợp địa phương xác định đây là loại hình nhà ở nhưng không phải là đơn vị ở”, ông Khởi cho biết.
Doanh nghiệp e dè triển khai dự án, nhà đầu tư ngần ngại không dám vào, kéo theo môi trường đầu tư yếu kém. Theo ông Võ, hệ thống chính sách thực hiện không nhất quán khiến nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư chịu thiệt. Một số địa phương như Khánh Hòa, Kiên Giang, Bình Định, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Bình Thuận… ban hành chính sách ưu đãi, thu hút doanh nghiệp đầu tư, xây dựng các dự án BĐS nghỉ dưỡng trên đất ở nông thôn (đất ở không hình thành đơn vị ở).
Cuối năm 2017, thị trường BĐS nghỉ dưỡng “sốt”, bùng nổ nguồn cung và giao dịch, một số tỉnh đã cho phép sử dụng thuật ngữ “đất ở không hình thành đơn vị ở” để cấp sổ đỏ cho condotel, shophouse, villa…. Tuy nhiên, sau đó, việc thực thi chính sách bị ngưng trệ. Có những doanh nghiệp, chủ đầu tư mặc dù đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản trên đất, đã hoàn thành các nghĩa vụ tài chính với cơ quan quản lý nhà nước, dự án đã hoàn thành, được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy và đưa vào sử dụng vài năm nhưng khách hàng mòn mỏi chờ được cấp sổ đỏ cho biệt thự, căn hộ du lịch.
Tại thông báo kết luận thanh tra về việc chuyển đổi nhà đất công có vị trí đắc địa sang mục đích khác, kiểm tra, xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại một số dự án ở tỉnh Khánh Hoà, Thanh tra Chính phủ chỉ ra rằng, quá trình thực hiện đã phát sinh một số bất cập, vướng mắc chủ yếu do pháp luật hiện hành chưa có quy định về loại đất ở không hình thành đơn vị ở trong khu du lịch nên tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp, khiếu kiện trên diện rộng về thời hạn sở hữu tài sản và quyền sử dụng đất đối với nhà đầu tư thứ cấp đã nhận chuyển nhượng, cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản và quyền sử dụng đất, thực hiện quyền cư trú…
Trong các phân khúc, BĐS du lịch nghỉ dưỡng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Thanh khoản của các sản phẩm BĐS nghỉ dưỡng gồm condotel, biệt thự biển, shophouse biển giảm suốt 2 năm qua. Trong đó, thị trường condotel có kỳ ngủ đông kéo dài khi nhiều tháng không có giao dịch phát sinh.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, cho biết, theo Quyết định 147 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược phát triển du lịch Việt Nam tới năm 2030, dự kiến lượng du khách quốc tế trong vài năm tới sẽ đạt ngưỡng 25 – 30 triệu lượt, tăng 80% so với cuối năm 2019. Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, trong đó thúc đẩy phục hồi kinh tế sau dịch COVID-19. Chính phủ cũng đồng ý mở cửa cho khách quốc tế vào Việt Nam từ 15/3. “Chính phủ muốn tăng cường phát triển hạ tầng, muốn tăng cơ sở lưu trú, phục hồi du lịch sau COVID-19. Tuy nhiên, hệ thống pháp luật yếu kém đang trở thành rào cản, khiến thị trường BĐS du lịch “đóng băng” suốt 2 năm qua. Đây chính là nghịch lý của thị trường. Trong bối cảnh tỷ lệ tồn kho tăng cao như hiện nay, nhiều chủ đầu tư đang chờ đợi Chính phủ tạo ra một bước đột phá, trong việc đồng bộ hệ thống pháp luật, nhất là việc sửa đổi Luật Đất đai 2013”, ông Đính nói.
Tổng Hợp