Những tháng gần đây, thị trường bất động sản nói chung, phân khúc căn hộ nói riêng tại nhiều tỉnh thành phía Nam như TP.HCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Long An đang có dấu hiệu “chững” lại. Thanh khoản của thị trường giảm mạnh khiến nhiều nhà đầu tư “án binh bất động”.
Hiện nay room tín dụng vẫn chưa có dấu hiệu được “nới lỏng”, người mua nhà chưa mặn mà với các sản phẩm vì khó tiếp cận với các khoản vay từ ngân hàng. Nhiều nhà đầu tư có nguồn vốn, tiềm lực tài chính mạnh cũng không mạnh dạn đầu tư tại thời điểm này.
Cùng với việc khan hàng thì cũng xuất hiện đầu cơ, nhiều đầu nậu lợi dụng cơ hội để khai thác đất đai ở những vùng chưa được quy hoạch, chưa được làm dự án.
Từ đầu năm tới nay thị trường BĐS bị tác động bởi hàng loạt các yếu tố như lạm phát, dòng tiền có những dấu hiệu chậm lại; thanh khoản giảm rõ rệt; chính sách siết tín dụng và hạn chế nguồn cung làm cho giá nhà bị đẩy lên, vượt quá sức mua của phần lớn người dân. Chính những điều đó đã ảnh hưởng tới thị trường BĐS Việt Nam.
Cụ thể, đối với nhà ở, dòng tiền dễ chủ yếu phân bố vào các dạng BĐS đầu cơ nên đẩy giá nhà tăng quá nhanh. Nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp không được chú trọng, dẫn đến thiếu nguồn cung cho phân khúc mà nhu cầu để ở thực.
Tuy nhiên, việc giảm giá BĐS hiện nay là khó, giá đất sẽ có xu hướng tiếp tục tăng. Để giải quyết triệt để thì Nhà nước cần tháo gỡ khó khăn cho các dự án đang trong quá trình làm thủ tục phê duyệt đầu tư, để ra nguồn hàng lớn, khi đó cân bằng cung cầu, hàng hóa phong phú dồi dào. Có nhiều sự lựa chọn, giá đất, giá BĐS mới có thể giảm…
Một số dự án căn hộ vùng ven TP.Thủ Đức, quận 12… cuối năm 2021 mức giá dao động từ 2 tỷ – 2,5 tỷ thì nay chỉ sau hơn 6 tháng đã tăng từ 2,5- 2,8 tỷ. Một số dự án mới mở bán ở vùng giáp ranh giá đã chạm mức 3 tỷ/căn hộ hơn 60m2.
Về mặt bằng giá sơ cấp lẫn thứ cấp không có nhiều biến động. Thị trường TP.HCM – nơi có nguồn cung chiếm 62% toàn thị trường, ghi nhận giá cao nhất 176 triệu đồng/m2, thấp nhất 48 triệu đồng/m2. Thị trường Bình Dương ghi nhận giá cao nhất 46,6 triệu đồng/m2.
Theo ông Võ Hồng Thắng – Phó Giám đốc Nghiên cứu & Phát triển (R&D) DKRA, hiện nay có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới thanh khoản thấp, trong đó tác động chính đến từ điểm nghẽn phê duyệt giải ngân hồ sơ vay mua nhà. Trong 2 tháng gần đây, Ngân hàng Nhà nước thực hiện kiểm soát tín dụng, điều đó tác động lên thị trường cũng như tâm lý e ngại trước những diễn biến vĩ mô trong thời gian tới.
Báo cáo tháng 7 của DKRA Việt Nam (đơn vị chuyên nghiên cứu thị trường bất động sản) ghi nhận, thanh khoản căn hộ tại thị trường TP.HCM và vùng phụ cận (Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Tây Ninh) tiếp tục sụt giảm.
Theo đó, thị trường chung tiêu thụ được 1.171 căn, giảm một nửa so với tháng trước và chỉ bằng 17% so với tháng 5. So với cùng kỳ năm trước, số này giảm tới 85%. DKRA cũng chỉ ra việc thị trường hiện nay thanh khoản kém, trong tháng 7, toàn vùng có gần 2.200 căn bán ra từ 13 dự án, gấp đôi cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêu thụ theo ghi nhận chỉ đạt 54%. Riêng tại TP.HCM, nguồn cung chủ yếu ở khu Đông (TP.Thủ Đức), chiếm 56%. Tỷ lệ hấp thụ chung của các dự án mới cũng ở mức thấp nhất từ đầu năm đến nay, dao động khoảng 40 – 60%.
Tổng Hợp