Đà bán ròng của khối ngoại đã tăng mạnh từ tháng 7 (khoảng 550 tỉ đồng) lên gấp 6 lần trong tháng 8. Đáng chú ý, thị trường tháng qua ghi nhận giao dịch khủng hai mã VHM và CTG với giá trị tương ứng gần 1.300 tỉ đồng và 650 tỉ đồng.
Thống kê giao dịch khối ngoại trong tháng 8, hoạt động bán ròng diễn ra trên toàn thị trường với phần lớn giá trị tập trung tại sàn HOSE. Cụ thể, NĐT nước ngoài xả gần 3.636 tỉ đồng cùng khối lượng bán ròng 165,5 triệu đơn vị.
Khối ngoại bán ròng 3.300 tỉ đồng trên HOSE, thỏa thuận khủng VHM và CTG
Trên sàn HOSE, khối ngoại có tháng bán ròng mạnh thứ ba kể từ đầu năm 2020 chỉ sau tháng 3 và tháng 4, với giá trị 3.302 tỉ đồng và khối lượng tương ứng 145,3 triệu đơn vị.
Trong đó, dòng vốn ngoại rút 3.354,5 tỉ đồng khỏi thị trường cổ phiếu, tương đương 156 triệu cổ phiếu bị bán ròng. Ngược lại, khối này mua ròng nhẹ 265 tỉ đồng chứng chỉ quĩ ETF nội.
Tại phía mua ròng, cổ phiếu VHM dẫn đầu với giá trị 747 tỉ đồng. Đáng chú ý, phiên 20/8 vừa qua, thị trường xuất hiện thỏa thuận khủng hơn 17 triệu cổ phiếu VHM tại mức giá 75.000 đồng/cp, tương đương giá trị giao dịch gần 1.285 tỉ đồng.
Trước khi mua ròng mạnh cổ phiếu VHM phiên này, khối ngoại liên tiếp bán ròng cổ phiếu VHM trong tuần giao dịch (10 – 14/8) và tuần (3 – 7/8).
Bên cạnh đó, khối ngoại mua ròng mạnh cổ phiếu PLX (247 tỉ đồng) và PHR (160 tỉ đồng).
Liên quan đến cổ phiếu PLX, tổ chức Eneos Corporation đến từ Nhật Bản vừa thông báo đăng kí mua 13 triệu cổ phần Petrolimex từ ngày 27/8 đến ngày 25/9, trùng với thời gian Petrolimex chào bán 13 triệu cổ phiếu quĩ.
Người có liên quan đến tổ chức giao dịch là ông Toshiya Nakahara, hiện đang là Thành viên HĐQT của Petrolimex kiêm lãnh đạo cấp cao của Eneos Corporation.
Cùng giao dịch cổ phiếu, NĐT nước ngoài còn gom dưới trăm tỉ đồng các mã HDB (67 tỉ đồng), STB (56 tỉ đồng), KSB (47 tỉ đồng), CTD (45,6 tỉ đồng) và BMP (41,9 tỉ đồng).
Diễn biến trái chiều, tất cả cổ phiếu trong top bán ròng đều ghi nhận giá trị trên trăm tỉ đồng mọt tháng qua. Cụ thể, cổ phiếu CTG bị khối ngoại bán ròng mạnh nhất 688 tỉ đồng. Phần lớn giá trị giao dịch đến từ giao dịch thỏa thuận 26 triệu cổ phiếu CTG phiên ngày 28/8 với tổng giá trị 650 tỉ đồng.
Mặt khác, NĐT ngoại bán ròng mã HPG (450 tỉ đồng), VCB (402 tỉ đồng), VRE (358 tỉ đồng), VNM (307 tỉ đồng). Riêng cổ phiếu HPG vừa niêm yết bổ sung 552 triệu cổ phần từ ngày 31/8 do công ty phát hành thêm để trả cổ tức năm 2019 với tỉ lệ 20%.
Cùng chiều bán ròng, cổ phiếu VIC và NVL lần lượt ghi nhận giá trị 282 tỉ đồng và 245 tỉ đồng. Theo sau đó, dòng vốn ngoại rút khoi VGC (238 tỉ đồng), MSN (170 tỉ đồng) và AGG (161 tỉ đồng).
NĐT nước ngooài thoái tập trung xả PVS trên sàn HNX
Diễn biến tương tự trên sàn HNX, NĐT nước ngoài bán ra 675 tỉ đồng nhưng mua vào 511 tỉ đồng. Kết quả là, giá trị bán ròng trên HNX trong một tháng qua đạt 164 tỉ đồng với khối lượng 18 triệu cổ phiếu.
Giá trị cụ thể, khối ngoại chủ yếu bán ròng PVS 52,6 tỉ đồng trong tháng 8. Kế đến, khối này thoái ròng khỏi cổ phiếu PGS (29 tỉ đồng), SHB (17,3 tỉ đồng), BCC (16,8 tỉ đồng) và VCG (14 tỉ đồng).
Một số cổ phiếu khác chịu áp lực bán ròng từ NĐT ngoại như SD5, TNG, SDT, DXP và LAS với giá trị dưới 10 tỉ đồng.
Trong khi đó, dòng tiền tìm đến cổ phiếu VCS (11,2 tỉ đồng), DHT (2,9 tỉ đồng), TAR (1,7 tỉ đồng). Ngoài ra, các mã ghi nhận giá trị mua ròng trong tháng 8 còn có WCS, LHC, SHE, ART, CVN, PMC, IDV.
Xả trăm tỉ đồng mã VTP dù doanh nghiệp sắp chi trả cổ tức hơn 54%
Giao dịch trên UPCoM, dòng vốn ngoại bán ròng 169,5 tỉ đồng cùng khối lượng 2,3 triệu đơn vị
Đáng chú ý, cổ phiếu VTP bị bán ròng mạnh nhất với giá trị 105,4 tỉ đồng trên thị trường UPCoM. Đây cũng là mã duy nhất ghi nhận giá trị bán ròng trên 100 tỉ đồng trên UPCoM. Hồi giữa tháng 8, Viettel Post đã thông tin chốt quyền trả cổ tức năm 2019 tỉ lệ 54,32% gồm 15% bằng tiền mặt và 39,3% bằng cổ phiếu.
Cùng với đó, chịu áp lực bán từ khối ngoại còn có ACV (32,4 tỉ đồng), KDF (25,8 tỉ đồng), WSB (12,7 tỉ đồng). Một số cổ phiếu khác cùng chiều như CTR, NTC, FOX, DC1.
Ngược lại, hai mã LTG và MCH lần lượt thu hút dòng tiền 6,23 tỉ đồng và 6,1 tỉ đồng. Ngoài ra, khối ngoại gom OIL, VGG, VAV, QNS, DTI, MH3, ABI và FOC nhưng giá trị thấp hơn.
Ánh Hường
Theo Kinh tế & Tiêu dùng