Việc thực hiện dự án cần xem xét những ảnh hưởng đến Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn thế giới tại huyện Cần Giờ cần phải làm rõ các vấn đề nan giải hiện nay là tình trạng sạt lở, quá trình bồi tụ và dòng chảy.
Dự án Khu Đô thị lấn biển Cần Giờ tại huyện Cần Giờ, TP HCM có quy mô gần 3.000 ha, trong đó phần lấn biển hơn 2.700 ha, vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng.
Dự án này được lên đề án từ gần 20 năm qua, nhưng phải kéo dài thời gian nghiên cứu do sát với Khu Dự trữ sinh quyển Cần Giờ, là một trong những khu dự trữ sinh quyển thế giới (UNESCO công nhận vào năm 2000) cần được bảo vệ, bảo tồn nghiêm ngặt.
Trong Quyết định phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư mở rộng Dự án Khu đô thị lấn biển Cần Giờ được Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng ký vào tháng 6/2020, cũng yêu cầu quá trình thực hiện dự án, nhà đầu tư phải thực hiện đầy đủ các nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường, cũng như tuân thủ chặt chẽ khung pháp lý quốc tế do liên quan đến các tiêu chuẩn, quy chuẩn về bảo vệ, bảo tồn khu dự trữ sinh quyển thế giới do UNESCO quy định.
Trong việc đánh giá tác động môi trường xem xét chặt chẽ để không gây ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái và làm hẹp nguồn nước biển cung cấp cho rừng ngập mặn Cần Giờ,…
Trước đây, phần lấn biển được dự kiến vào khoảng hơn 2.700 ha nằm dọc bờ biển đi qua các xã Long Hòa và thị trấn Cần Thạnh, huyện Cần Giờ, có tổng chiều dài là 13 km (toàn huyện Cần Giờ có 20 km bờ biển). Quá trình san lấp các khu vực lấn biển được dự báo khoảng hơn 100 triệu m3 cát kèm theo nhiều tính toán về mặt kỹ thuật, cốt nền ven biển.
Theo quyết định phê duyệt thì vốn chủ sở hữu của dự án vào khoảng hơn 32.500 tỷ đồng (chiếm 15% tổng mức đầu tư), còn lại là vốn vay thương mại. Sau khi được phê duyệt chủ trương đầu tư mở rộng thì Dự án được giao cho chủ đầu tư là Công ty CP Đô thị Du lịch Cần Giờ.
Theo khuyến nghị của nhiều chuyên gia, nhà khoa học về môi trường, sinh thái, việc xem xét thận trọng và đánh giá tác động môi trường của toàn bộ dự án trước khi triển khai là đặc biệt quan trọng. Bởi vì, dù thời gian qua Bộ Tài nguyên – Môi trường đã bước đầu phê duyệt Báo cáo Đánh giá tác động môi trường nhưng chưa khách quan, toàn diện.
Cụ thể, các tác động của việc thực hiện dự án đến Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn thế giới tại huyện Cần Giờ cần phải làm rõ các vấn đề nan giải hiện nay là tình trạng sạt lở, quá trình bồi tụ và dòng chảy; các đánh giá về biện pháp thích ứng và giảm thiểu các tác động từ việc lấn biển.
Một dự án khổng lồ, tiêu tốn hơn 32.500 tỷ đồng (chiếm 15% tổng mức đầu tư), còn lại là vốn vay thương mại phải được tính toán thấu đáo trước bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra ngày một phức tạp hiện nay.
Đó là chưa kể, tại diễn đàn Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) mới đây cũng đã đưa ra cảnh báo bằng những con số biết nói, với thực tế thực tế sụt lún đất đang diễn ra ở cả TP HCM và ĐBSCL.
Bên cạnh đó, các cảnh báo cũng dự báo kịch bản vào 2050 nhiều vùng của TP HCM, nhất là các khu vực vùng trũng và ven biển, có thể bị ngập trong nước biển, trong đó có khoảng 20 triệu người bị ảnh hưởng.
Cho đến nay, trên biển cũng đã xuất hiện nhiều cơn bão mạnh và theo hướng xuống phía Nam nhiều hơn. Khu vực huyện Cần Giờ nhiều năm qua chưa khai thác được du lịch biển, cũng bởi vì lý do là vùng đất yếu, với nguy cơ sụt lún và xói mòn bò biển rất cao…
TP HCM kỳ vọng các lợi thế về tài nguyên ven biển sẽ giúp thay da đổi thịt trên vùng đất ngập mặn Cần Giờ. Tuy nhiên, theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ quá trình xây dựng khu đô thị phải đủ khả năng dự báo và có giải pháp an toàn cho hàng vạn dân cư ven biển với các vấn đề về xói lở, ngập lụt, thoát nước, biến đổi hệ sinh thái, tác động về môi trường và xã hội…