Trên thị trường, cổ phiếu THD của Thaiholding cũng không còn thu hút được sự chú ý của nhà đầu tư như giai đoạn tăng sốc trước đó. Cổ phiếu này gần như đi ngang trong khoảng 6 tháng trở lại đây mà không tạo được con sóng nào thực sự đáng kể.
Cổ phiếu liên tục tăng sốc sau khi lên sàn nhanh chóng đưa “bầu” Thụy lọt top những người giàu nhất sàn chứng khoán với giá trị tài sản ròng tính theo lượng cổ phiếu đang nắm giữ lên đến 19.554 tỷ đồng.
Tuy nhiên, việc cổ phiếu THD của Thaiholding liên tục tăng, nhưng nhìn vào bức tranh kinh doanh thực tế của công ty lại không sáng sủa khiến nhiều nhà đầu tư nghi ngờ cổ phiếu này đang được “thổi giá” quá cao để “bầu Thuỵ” đem cầm cố tại ngân hàng. Nhiều nhà đầu tư quan ngại liệu có chăng, vị doanh nhân này lại dùng chính tiền vay đó để mua cổ phần tại Ngân hàng này với số lượng lớn để ngồi vào vị trí thành viên Hội đồng quản trị?
Nhiều chuyên gia cũng cho rằng đà tăng của THD dường như không xuất phát từ nội tại doanh nghiệp. Bởi ngoài việc tăng vốn, hoạt động của ThaiHoldings không có yếu tố nào có thể khiến thị trường thay đổi định giá với doanh nghiệp này. Thậm chí, ngay cả con số lợi nhuận tăng đột biến trong năm 2020, nếu nhìn sâu hơn vào con số này thì đơn thuần chỉ là nghiệp vụ kế toán khi ThaiHoldings về bản chất là không thu được tiền. Giao dịch tạo ra khoản lợi nhuận đột biến có thể cũng chỉ mang tính giao dịch nội bộ giữa các công ty trong cùng hệ sinh thái của Bầu Thụy.
Điều này dẫn tới một thực tế là nếu thị giá của THD không phản ánh giá trị hợp lý của công ty, con số lượng hóa tài sản của Bầu Thụy tính theo giá trị số cổ phần THD sở hữu hay vốn hoá của của doanh nghiệp này sẽ chỉ mang tính thống kê. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư cũng so sánh đà tăng giai đoạn trước của THD cũng tương đồng với diễn biến của cổ phiếu ROS năm xưa, mã chứng khoán giúp một doanh nhân có thời điểm trở thành người giàu nhất thị trường. Hiện nay, thị giá của ROS chỉ còn chưa tới 3.500 đồng.
Việc THD hết “hot” phần nào đến từ mức giá được cho là quá “chát” của cổ phiếu này. Với mức thị giá thuộc loại cao nhất nhì sàn chứng khoán (219.100 đồng/cổ phiếu), P/E (thị giá/EPS) của THD vẫn “ngất ngưởng” ở mức 63 lần, đắt đỏ hơn rất nhiều so với các doanh nghiệp cùng ngành bất động sản. Tính theo mức thị giá hiện tại, Thaiholdings đang là doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất sàn HNX với giá trị lên đến 76.440 tỷ đồng, gần gấp đôi so với đầu năm và gấp 5 lần thời điểm chào sàn cách đây hơn 1 năm.
6 tháng đầu năm 2021, Thaiholdings ghi nhận doanh thu thuần 3.084 tỷ đồng, gấp 6,6 lần cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế 397 tỷ đồng, cao hơn rất nhiều so với con số 13 tỷ đồng nửa đầu năm ngoái. Lợi nhuận tăng đột biến trong nửa đầu năm không đến từ hoạt động kinh doanh cốt lõi mà chủ yếu nhờ khoản thu nhập bất thường đơn cử như việc chuyển nhượng Dự án Nhà máy Xi măng Minh Tâm (680 tỷ đồng).
Thậm chí, ThaiHoldings còn lỗ thuần gần 60 tỷ đồng trong khi cùng kỳ vẫn hơn 17 tỷ đồng. Nguyên nhân chính đến từ khoản chi phí lãi vay lên đến hơn 170 tỷ đồng trong khi cùng kỳ chỉ vỏn vẹn 800 triệu đồng do các khoản vay hàng nghìn tỷ mới chỉ phát sinh từ cuối năm ngoái. Đáng chú ý, dòng tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của Thaiholdings cũng âm đến 853 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm chủ yếu do đổ hàng nghìn tỷ đồng vào chứng khoán. Trong kỳ, công ty của “bầu” Thụy đã bất ngờ phát sinh khoản chứng khoán kinh doanh với giá gốc là 1.225 tỷ và giá trị hợp lý thời điểm cuối tháng 6 là 1.331 tỷ đồng.
Trong danh mục của Thaiholdings, cổ phiếu của một ngân hàng là khoản đầu tư lớn nhất với giá gốc 1.150 tỷ đồng và giá trị hợp lý lên đến gần 1.244 tỷ đồng. Ngoài ra, doanh nghiệp này còn nắm giữ 2 cổ phiếu ngân hàng khác là CTG, MBB bên cạnh MSN, HUT nhưng tỷ trọng đều nhỏ hơn rất nhiều. Để có tiền mạnh tay đầu tư cổ phiếu, Thaiholdings đã vay margin hơn 500 tỷ đồng từ các công ty chứng khoán gồm VNDirect, Mirae Asset, KIS, SHS. Trong đó, khoản vay tại Chứng khoán SHS là gần 293 tỷ đồng và Mirae Asset là 190 tỷ đồng.
Cương Nguyễn