Hoạt động kinh doanh Công ty cổ phần Tasco giai đoạn 2017 – 2019 lao dốc và từ quý II/2020 đến quý I/2021 liên tục thua lỗ. Nhưng mới đây Tasco lại chuyển hướng qua công nghệ, năng lượng tái tạo.
Kể từ năm 2017 tới nay, Tasco có tình hình kinh doanh thụt lùi khi doanh thu và lợi nhuận có xu hướng giảm. Trung bình trong 4 năm trở lại đây, doanh thu giảm 26,1%/năm và năm 2020, Công ty lỗ 243,4 tỷ đồng.
Quý I/2021, Tasco lỗ thêm 24,5 tỷ đồng (cùng kỳ năm 2020 lãi 5,4 tỷ đồng), khiến lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến 31/3/2021 giảm từ 80,6 tỷ đồng về 57,8 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh đi xuống của doanh nghiệp một phần đến từ hoạt động đầu tư lĩnh vực bất động sản có lợi nhuận sụt giảm, trong khi những mảng còn lại không tăng trưởng, thậm chí mảng thu phí gặp khó khăn. Xét cơ cấu lợi nhuận giai đoạn 2019 – 2020, lĩnh vực bất động sản năm 2019 lỗ 10 tỷ đồng, năm 2020 lỗ 54,9 tỷ đồng; lĩnh vực dịch vụ thu phí tự động không dừng theo hình thức BOO năm 2019 lỗ 126,2 tỷ đồng, năm 2020 lỗ 300,2 tỷ đồng; lĩnh vực dịch vụ thu phí đường bộ theo hình thức BOT năm 2019 lãi 113,1 tỷ đồng, năm 2020 lãi 103,6 tỷ đồng; lĩnh vực xây lắp và hoạt động khác năm 2019 lãi 67,7 tỷ đồng, năm 2020 lãi 8,1 tỷ đồng.
Lĩnh vực bất động sản và dịch vụ thu phí tự động không dừng theo hình thức BOO cho thấy hoạt động kinh doanh có vốn đầu tư lớn này không tạo ra lợi nhuận; lĩnh vực dịch vụ thu phí đường bộ theo hình thức BOT có lãi nhưng không bù đắp được các lĩnh vực khác, dẫn tới năm 2020 lỗ lớn và quý I/2021 tiếp tục lỗ. Nguyên nhân Tasco thua lỗ còn do đặc thù vốn đầu tư các dự án thu phí lớn và doanh nghiệp sử dụng tỷ lệ nợ vay cao để tài trợ cho các dự án. Cụ thể, từ ngày 1/1/2016 tới 31/3/2021, doanh nghiệp đã tăng thêm 1.744,7 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và dài hạn lên 5.453,8 tỷ đồng, gần bằng 186% vốn chủ sở hữu. Nợ vay chiếm trọng số lớn trong nguồn vốn dẫn tới chi lãi vay bào mòn gần hết lợi nhuận giai đoạn 2016 – 2019, tới năm 2020 và quý I/2021, lợi nhuận tạo ra không đủ trả lãi vay.
Chuyển hướng để kiếm lời?
Ban lãnh đạo Tasco cho biết, doanh nghiệp đã có kinh nghiệm trong lĩnh vực năng lượng tái tạo do từng thành công khi đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời Thuận Nam 19 mà công ty con là Công ty cổ phần Tasco Năng Lượng làm chủ đầu tư, với quy mô 49 MW, tổng mức đầu tư 1.356 tỷ đồng, hoàn thành, phát điện thương mại vào tháng 6/2019.
Hiện tại, doanh nghiệp đang lên kế hoạch nghiên cứu và triển khai thủ tục đầu tư 2 dự án điện gió, 1 dự án điện mặt trời tại miền Trung và Tây Nguyên, công suất mỗi dự án là 100 MW. Đặc thù đầu tư lĩnh vực năng lượng tái tạo là giai đoạn triển khai dự án cần vốn lớn và thời gian hoàn vốn dài. Trong khi đó, tính tới 31/3/2021, Tasco chỉ sở hữu 400,7 tỷ đồng tiền và đầu tư tài chính ngắn hạn, chiếm gần 4% tổng tài sản. Tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn lên tới 5.453,8 tỷ đồng, chiếm 54% tổng nguồn vốn của doanh nghiệp. Đại hội đồng cổ đông Tasco tổ chức ngày 19/6 đã thông qua kế hoạch phát hành 80 triệu cổ phiếu riêng lẻ nhằm huy động 800 tỷ đồng, toàn bộ số tiền huy động sẽ bổ sung nguồn vốn cho Công ty.
Cương Nguyễn