Hội đồng quản trị Tập đoàn FLC ngày 20/9 đã ra nghị quyết về việc thanh lý hợp đồng cung cấp dịch vụ kiểm toán đã ký ngày 21/7/2022 giữa FLC và Công ty TNHH Kiểm toán An Việt. Lý do là Kiểm toán An Việt không bố trí được thời gian và nhân sự để cung cấp dịch vụ kiểm toán theo quy định của hợp đồng đã ký kết.
Tập đoàn FLC cũng lựa chọn Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY làm đơn vị cung cấp dịch vụ kiểm toán các báo cáo tài chính năm 2021. Vào ngày 30/3/2022, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã đình chỉ tư cách được chấp thuận kiểm toán cho doanh nghiệp niêm yết của Công ty Đất Việt. Sau khi tìm kiếm từ cuối tháng 3 tới cuối tháng 7, FLC mới tìm được công ty Công ty Kiểm toán An Việt trong danh sách được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận, để thay thế cho Công ty Đất Việt.
Tuy nhiên một lần nữa, FLC phải thay công ty kiểm toán vào ngày 20/9.
Tại đại hội cổ đông bất thường tổ chức ngày 2/7, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC Lã Quý Hiển kỳ vọng có thể công bố báo cáo tài chính năm 2021 sau kiểm toán vào tháng 8. Đến ngày 18/8, FLC cho biết sẽ công bố báo cáo tài chính trong tháng 9.
Hiện nay, ông Lã Quý Hiển đã thôi mọi chức vụ lãnh đạo tại Tập đoàn FLC và báo cáo tài chính 2021 cũng khó có thể được công bố trong tháng 9 như kế hoạch.
Vì chậm công bố các báo cáo tài chính kiểm toán năm 2021 và soát xét bán niên 2022 nên cổ phiếu FLC đã phải vào diện đình chỉ giao dịch từ ngày 9/9 vừa qua.
Sáng 15/9, Công ty cổ phần Xây dựng FLC Faros (Mã: ROS) tổ chức đại hội cổ đông bất thường nhằm bầu bổ sung một thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT), hai thành viên Ban Kiểm soát (BKS) để thay thế cho các nhân sự đã từ nhiệm hoặc không còn đủ điều kiện nắm giữ chức vụ. Đại hội cũng dự kiến chọn đơn vị kiểm toán báo cáo tài chính năm 2022.
Tính đến 9h32, đã có 158 cổ đông tham dự đại hội, trong đó có 95 cổ đông dự trực tiếp và 62 cổ đông ủy quyền. Tổng số cổ phần có quyền biểu quyết mà 158 cổ đông nói trên đang nắm giữ là 48,66 triệu đơn vị, tương đương 8,573% số cổ phần có quyền biểu quyết.
Theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020, cuộc họp đại hội cổ đông lần 1 cần có trên 50% số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự. Vì vậy, đại hội cổ đông bất thường sáng 15/9 của FLC Faros đã không đủ điều kiện tiến hành.
Công ty sẽ cần tổ chức đại hội bất thường lần 2. Số cổ phần tối thiểu để tổ chức đại hội bất thường lần 2 là 33% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết. Nếu đại hội lần 2 vẫn bất thành, FLC Faros sẽ cần tổ chức đại hội lần 3. Với lần 3, đại hội sẽ được tiến hành không phụ thuộc vào tổng số phiếu biểu quyết của các cổ đông dự họp.
FLC Faros thời gian qua có nhiều biến cố về nhân sự. Chủ tịch HĐQT Hương Trần Kiều Dung đang bị tạm giam và truy tố về tội thao túng thị trường chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bà Nguyễn Bình Phương – người thay bà Dung làm Chủ tịch FLC Faros từ ngày 21/4 năm nay – hiện chưa được Phòng Đăng ký Kinh doanh (Sở Kế hoạch Đầu tư TP Hà Nội) công nhận là người đại diện theo pháp luật của công ty.
HĐQT của FLC Faros chỉ có hai người là Chủ tịch Nguyễn Bình Phương và Thành viên Trần Thị Hương, trong khi theo quy định phải có tối thiểu ba người. Vì vây, công ty cần bầu bổ sung ít nhất một người vào HĐQT.
Ngày 13/9, Tập đoàn FLC nhận được quyết định số 44135/QĐ-CTHN-QLN ngày 8/9/2022 của Cục thuế Thành phố Hà Nội về việc cưỡng chế thuế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn đối với Tập đoàn FLC. Lý do bị cưỡng chế là Tập đoàn FLC có số tiền quá hạn nộp gần 325,8 tỷ đồng phải thực hiện cưỡng chế theo quy định tại Luật quản lý thuế.
Việc Cục thuế Hà Nội ngừng sử dụng hóa đơn đồng nghĩa với việc Tập đoàn FLC sẽ không thể xuất hóa đơn cho các giao dịch bán hàng hóa, dịch vụ.
Vào các ngày 28 và 29/7, Cục thuế Hà Nội đã ban hành 9 quyết định về việc phạt Tập đoàn FLC 11,5 triệu đồng vì chậm nộp tờ khai thuế thu nhập cá nhân, đồng thời cưỡng chế gần 72 tỷ đồng bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản/yêu cầu phong tỏa tài khoản của FLC mở tại các ngân hàng: Agribank, VietinBank, BIDV, Vietcombank, MB, OCB, VIB và VPBank
Trước đó, Cục thuế tỉnh Quảng Bình đã ra quyết định cưỡng chế thuế Tập đoàn FLC hơn 224 tỷ đồng.
Tổng Hợp