SwanBay Đại Phước (tên gọi cũ là Hoa Sen Đại Phước hay Đại Phước Lotus) từng được các quỹ ngoại đánh giá là “hòn ngọc phía Đông Sài Gòn”. Sau khi các quỹ thuộc VinaCapital thoái vốn vào năm 2017 thì mới đây, hai công ty con thuộc một tập đoàn bất động sản Trung Quốc cũng rút khỏi dự án này.
Cuối tháng 12 năm ngoái, hai cổ đông gồm SNC Investments 27 và SNC Investments 28 không còn có tên trong danh sách cổ đông của CTCP Vina Đại Phước – chủ đầu tư dự án SwanBay Đại Phước. SNC Investments 27 và SNC Investments 28 đều là công ty con của China Fortune Land Development (CFLD) – một tập đoàn phát triển bất động sản công nghiệp của Trung Quốc.
Năm 2016, CFLD thông qua hai công ty con đã mua lại 70% vốn của Viva Đại Phước từ các quỹ đầu tư do Vinacapital quản lý và tiếp tục tăng tỷ lệ sở hữu lên 92% ở những năm sau đó. Trước khi thoái vốn, SNC Investments 27 và SNC Investments 28 lần lượt sở hữu 74% và 18% vốn tại Vina Đại Phước. Các vị trí cấp cao tại Viva Đại Phước hiện chưa có sự thay đổi. Trong đó, ông Lin,Yi Huang vẫn là Chủ tịch HĐQT và ông Lê Hoàng Hưng là Tổng Giám đốc.
Tháng 11/2021, ông Lin,Yi Huang được bầu làm Chủ tịch HĐQT CTCP Quốc tế Hoàng Gia (Mã: RIC) – doanh nghiệp casino duy nhất trên sàn chứng khoán. Ngoài ra, ông còn là Thành viên HĐQT của CTCP Xuất nhập khẩu Thủy sản Sài Gòn (Seaprodex Saigon, Mã: SSN) từ cuối tháng 7/2019.
Vina Đại Phước được thành lập từ 2007 trên sự hợp tác giữa Tổng CTCP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Corp, Mã: DIG, khi đó còn là doanh nghiệp nhà nước) và Quỹ đầu tư VinaCapital để triển khai dự án Hoa Sen Đại Phước (200 ha), tên thương mại là Đại Phước Lotus – một trong những dự án thành phần của Khu đô thị du lịch sinh thái Đại Phước (464 ha), nằm ở Cù lao Ông Cồn, xã Đại Phước, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Dự án này từng được quỹ ngoại đánh giá là “hòn ngọc phía Đông Sài Gòn”.
Tuy nhiên đến năm 2017, hai quỹ đầu tư của VinaCapital là VinaCapital Vietnam Opportunity Fund Limited (VOF) và VinaLand Limited (VNL) đã chuyển nhượng toàn bộ vốn tại Vina Đại Phước cho CFLD với giá hơn 65 triệu USD, tương đương khoảng 1.480 tỷ đồng tại thời điểm đó. Nói thêm về lý do, ông Andy Ho, Giám đốc điều hành VOF, thông tin với việc thoái vốn dự án Đại Phước Lotus, VOF phải chịu mức giá thấp hơn khoảng 5% tổng giá trị tài sản ròng (NAV).
Tuy nhiên, đây được xem là cột mốc quan trọng trong chiến lược hiện tại của VOF nhằm giảm thiểu các khoản đầu tư bất động sản trực tiếp và cho phép VOF duy trì cơ hội ở một số lĩnh vực khác, đặc biệt là các giao dịch thương mại tư nhân và đầu tư vào cổ phiếu doanh nghiệp đại chúng nhưng chưa niêm yết (OTC).
Vào thời điểm nhóm VinaCapital thoái vốn, dự án Đại Phước Lotus đã hoàn thành 332 căn biệt thự đơn lập và song lập, nằm trên phần diện tích 22,4 ha. Phần còn lại của dự án vẫn trong giai đoạn đầu tư xây dựng và kinh doanh. Sau khi về với CFLD, Đại Phước Lotus được đổi tên thành SwanBay Đại Phước. Dự án tiếp tục được phát triển thêm nhiều hạng mục biệt thự, villa nghỉ dưỡng và được giới thiệu ra thị trường với thương hiệu bất động sản SwanCity của CFLD. Bên cạnh SwanBay Đại Phước, CFLD còn một dự án khác tại Đồng Nai là Swan Park (941,5 ha). Dự án này được CFLD mua lại dự án từ năm 2017 và đã bàn giao giai đoạn 1 vào năm 2019.
Liên quan đến dự án Khu đô thị du lịch sinh thái Đại Phước, ngày 27/5/2021, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình tại cuộc họp ngày 19/5/2021 xử lý sau thanh tra về kết quả kiểm tra, rà soát việc thực hiện, chấp hành các quy định của pháp luật trong quản lý, sử dụng đất tại dự án.
Theo Báo Pháp luật TP HCM, Phó Thủ tướng cho biết việc triển khai thực hiện xây dựng dự án Đại Phước cho thấy còn nhiều tồn tại, vướng mắc về quy hoạch sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch chi tiết, cục bộ. Bên cạnh đó, dự án cũng có những tồn tại, vi phạm trong việc giao đất, thu tiền sử dụng đất, việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai; việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất và đăng ký biến động đất đai, hợp đồng góp vốn liên doanh bằng quyền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất,…
Do đó, Phó Thủ tướng cho rằng cần kiểm tra, rà soát giải quyết, xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Trách nhiệm xử lý, giải quyết các tồn tại, vi phạm này thuộc về UBND tỉnh Đồng Nai và DIC Corp.
Cụ thể, Phó Thủ tướng yêu cầu làm rõ diện tích đất mà UBND tỉnh Đồng Nai giao DIC Corp tại dự án Đại Phước, trong đó xác định diện tích đất công công địa phương quản lý và diện tích đất giao cho DIC Corp để xác định thu tiền sử dụng đất.
Đồng thời, tiến hành kiểm tra việc điều chỉnh quy hoạch, quyết định điều chỉnh cục bộ, chi tiết, đăng ký biến động đất đai, quyền sử dụng đất của các bên liên doanh để xác định nghĩa vụ tài chính về đất đai theo đúng quy định của pháp luật. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu kiểm tra, rà soát việc DIC Corp góp vốn bằng một phần giá trị quyền sử dụng đất, làm rõ tỷ lệ vốn nhà nước tại DIC Corp; cơ sở liên doanh góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thành lập CTCP Vina Đại Phước theo quy định của Luật Đất đai, Luật Đầu tư.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu kiểm tra, rà soát phần chênh lệch giữa giá trị toàn bộ lô đất (198,51 ha) với giá trị xác định góp vốn bằng quyền sử dụng đất (trong đó có 99,25 ha là đất hạ tầng công cộng, không thu tiền sử dụng đất) và rà soát việc đăng ký biến động đất đai tại CTCP Vina Đại Phước để giải quyết, xử lý theo các quy định của pháp luật.
“Làm rõ số tiền 970,9 tỷ đồng mà Vina Đại Phước hoàn trả cho DIC Corp (ngoài giá trị DIC Corp đã góp vốn), trường hợp thu sai thì thu hồi, xử lý theo quy định, không để thất thoát tài sản nhà nước”, Phó Thủ tướng yêu cầu.
Theo Doanh Nghiệp Niêm Yết