Chuyên gia cho rằng, nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi tăng trưởng theo chiều rộng. Tăng trưởng xanh hầu như chưa thực hiện được bao nhiêu; kinh tế tuần hoàn mới manh nha, chưa phát triển. Kinh tế biển xanh còn đang ở dạng tiềm năng.
Vẫn chưa thoát khỏi tăng trưởng theo chiều rộng
Theo thống kê, trong nửa đầu năm 2024, nền kinh tế Việt Nam đã có bước phục hồi mạnh mẽ với mức tăng trưởng 6,42%. Với đà này, các chuyên gia cho rằng tăng trưởng GDP cả năm 2024 có thể chạm mốc gần 7% sau khi Việt Nam có quý tăng trưởng vượt tiềm năng thứ 4 liên tiếp.
Tuy nhiên, cũng theo các chuyên gia, mô hình tăng trưởng của Việt Nam lại chưa tạo được chuyển biến căn bản. Năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao, nền kinh tế vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro do sự phụ thuộc vào nguyên vật liệu nhập khẩu.
Cụ thể, theo PGS. TS. Bùi Quang Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, nền kinh tế Việt Nam vẫn chưa thoát khỏi tăng trưởng theo chiều rộng chứ không phải chiều sâu. Đầu tư vẫn là nhân tố chủ yếu dẫn dắt tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng kinh tế được thúc đẩy bởi vốn con người hơn là tích lũy yếu tố đầu vào lao động.
Mô hình tăng trưởng hiện vẫn dựa vào lao động giá rẻ, tồn tại nền kinh tế nhị nguyên (nước ngoài và trong nước), lan tỏa của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài còn hạn chế. Đóng góp của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vào tăng trưởng còn ít. Chưa cải thiện nhiều về năng suất lao động 2016-2020 tăng bình quân 5,8%/năm, 2011 – 2015 tăng 4,3%, vẫn chậm…
Không những vậy, mô hình tăng trưởng cũng chưa xanh, chưa đóng góp nhiều cho phát triển bền vững. Tăng trưởng xanh hầu như chưa thực hiện được bao nhiêu. Kinh tế tuần hoàn còn mới manh nha, chưa phát triển. Kinh tế biển xanh còn đang ở dạng tiềm năng…
Cũng theo phân tích từ vị chuyên gia này, các xu hướng phát triển kinh tế mới đang nổi lên, đem lại nhiều cơ hội đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế của nước ta. Có thể kể đến như xu hướng công nghệ mới (Cách mạng 4.0), xanh và số đang nở rộ; toàn cầu hóa và hội nhập vẫn tiếp tục được thúc đẩy; các cam kết quốc tế tạo điều kiện (Cam kết Net Zero); nguồn lực cho từ hợp tác quốc tế nhiều (JETP…); dân số đông (tài nguyên số), cơ cấu dân số trẻ, tiếp cận công nghệ tốt (71% người dân dùng internet)…
Song, bên cạnh những cơ hội, quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng cũng gặp không ít thách thức, TS. Chử Đức Hoàng, Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (NATIF), Bộ Khoa học và Công nghệ cho hay, trong quá trình chuyển đổi Việt Nam đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức.
Cụ thể, năng suất lao động của Việt Nam vẫn còn thấp so với nhiều nước trong khu vực. Việc áp dụng công nghệ mới trong sản xuất còn hạn chế. Nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào đầu tư nước ngoài và xuất khẩu. Các thủ tục hành chính còn phức tạp, thiếu minh bạch. Hệ thống giao thông, logistics còn hạn chế ở nhiều nơi. Sự phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền. Phát triển công nghiệp nhanh dẫn đến ô nhiễm gia tăng. Lực lượng lao động chưa đáp ứng được yêu cầu của nền kinh tế hiện đại; cần cải cách giáo dục và đào tạo để nâng cao chất lượng.
Cần đột phá khoa học công nghệ
Trước những thách thức gây trở ngại trong quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng, ông Tuấn đề xuất một loạt giải pháp như sau:
Cần đột phá ở khâu khoa học công nghệ, nguồn nhân lực chất lượng và gắn kết với đổi mới sáng tạo nhằm tạo ra năng suất lao động cao hơn, đi nhanh, đi thông minh.
Bên cạnh đó, tìm cách tiếp cận hệ sinh thái xanh, hệ sinh thái số, đổi mới sáng tạo. Tạo ra mối liên kết chủ thể trong hệ sinh thái đảm bảo các điều kiện của hệ sinh thái. Hoàn thiện thể chế, chính sách, có thí điểm, đặc thù, đột phá… Sáng tạo trong huy động nguồn lực, đặc biệt ngoài nhà nước…
Cùng với đó, đầu tư cho kết cấu hạ tầng trong đó có hạ tầng số, nền tảng số, ứng dụng số như AI, blockchain… để tạo ra những sản phẩm số thương hiệu của Việt Nam. Có cơ chế khuyến khích đầu tư cho khoa học công nghệ và R&D ở các doanh nghiệp, trang trại… Chia sẻ và kết nối cơ sở dữ liệu và tài nguyên số, ứng dụng trong quản trị, điều hành. Liên kết vùng, liên kết chuỗi, cụm ngành…
Ngoài ra, theo ông Tuấn cần chú ý tới chiều cạnh xã hội như yếu tố gap trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và môi trường như quản lý tài nguyên và ô nhiễm, phát thải… Thể chế thí điểm, đặc thù cho chuyển đổi kép (xây dựng và thí điểm các mô hình trên thực tiễn như ngân hàng số, fintech, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn,…) Tạo lập nền tảng văn hoá sáng tạo cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chuyển đổi kép, tiêu dùng bền vững, văn hóa sống xanh…
Đồng quan điểm, GS. TS Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cũng chia sẻ thêm, dù đổi mới tăng trưởng theo truyền thống chuyển sang đổi mới khoa học công nghệ, hay đổi mới tăng trưởng dựa vào xu thể mới… đều phải thực hiện việc thay đổi toàn bộ cái cũ. Trước đây Việt Nam dựa vào tài nguyên, lao động… hiện nay phải dựa vào khoa học công nghệ, chuyển sang sạch, xanh…
“Chúng ta thường nói tới đổi mới mô hình tăng trưởng phải gắn liền với tái cấu trúc lại nền kinh tế, từ góc độ tổng thể kinh tế vĩ mô tới từng doanh nghiệp, cần lựa chọn cái gì cần giữ, cái gì cần bỏ đi”, ông Cường nói.