Báo cáo trong phiên họp báo chính phủ thường kỳ gần đây, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế trong 5 tháng đầu năm đạt 4,67%. Trong khi, ở cùng kỳ năm trước, con số này chỉ đạt chưa tới 2%.
Huy động vốn lại đang có dấu hiệu tăng trưởng chậm hơn tín dụng. Tới ngày 19/3, tăng trưởng huy động vốn của các tổ chức tín dụng mới đạt 0,54% trong khi tăng trưởng dư nợ tín dụng đạt 1,47%, số liệu từ Tổng cục Thống kê.
Theo giới chuyên gia, điều này đang tạo áp lực lên thanh khoản hệ thống ngân hàng. Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định diễn biến này cho thấy thanh khoản hệ thống ngân hàng trong năm 2021 nhiều khả năng sẽ không còn dư thừa nhiều như trong năm 2020. Tuy vậy, trong thời gian tới, BVSC cho rằng mức tăng của tín dụng sẽ không quá “nóng”, đủ để gây áp lực lên mặt bằng lãi suất nói chung trên thị trường, khi NHNN áp hạn mức tín dụng cho phần lớn các ngân hàng ở mức thấp hơn cùng kỳ năm trước và dịch COVID-19 đang có diễn biến phức tạp. Thêm vào đó, với tăng trưởng lạm phát được đánh giá sẽ tiếp tục ở mức thấp trong năm 2021, BVSC kỳ vọng sẽ duy trì mặt bằng thấp so với các năm 2019 trở về trước.
Hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) vừa ghi nhận thêm nguồn tiền mới từ Kho bạc Nhà nước ; số dư cuối tháng 5 vừa qua ước khoảng 63.000 tỷ đồng. Đây là dòng chảy mới ngắn hạn, có từ nguồn ngân quỹ tạm thời nhàn rỗi mà Kho bạc Nhà nước cân đối tại từng thời điểm, qua đấu thầu và gửi ở các NHTM. Trước đây, nguồn tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại các NHTM từng ở quy mô lớn, có thời điểm ghi nhận quanh 500.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo chính sách kết chuyển tiền gửi thanh toán của tổ chức này về Ngân hàng Nhà nước , cũng như các NHTM chủ động giảm thiểu nguồn tiền gửi có kỳ hạn (qua hạn chế nhận thầu), quy mô đọng lại trong hệ thống không còn lớn. Từ trong năm 2020, tại Vietcombank và BIDV đã gần như không còn số dư tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước, phần còn lại chủ yếu ghi nhận ở VietinBank.
Số dư ghi nhận chỉ tương đối, do thời điểm chốt sổ báo cáo của mỗi ngân hàng có thể không phản ánh với lượng tiền gửi trong kỳ và tình huống đáo hạn trước chốt sổ. Song, xu hướng chung thì các ngân hàng không còn nhận nhiều nguồn này như trước. Tại ĐHĐCĐ thường niên cuối tháng 4 vừa qua, trả lời cổ đông về nguồn tiền gửi này, lãnh đạo Vietcombank cũng cho biết là ngân hàng đã chủ động giảm thiểu nguồn vốn này theo chiến lược tối ưu chi phí vốn và cân đối nguồn. Như trên, đến cuối tháng 5 đã có khoảng 63.000 tỷ đồng của Kho bạc Nhà nước đọng lại trên hệ thống. Nguồn này ngắn hạn và dự kiến đáo hạn trong tháng 6 và có thể tái tục. Yếu tố này đang góp phần vào điều hòa cân đối nguồn hệ thống, sau khi lãi suất liên ngân hàng tăng nhanh và mạnh lên từ trong tháng 4 đến nay.
Cập nhật từ Ngân hàng Nhà nước, sau khi tiếp cận mốc 1,5%/năm (tăng rất mạnh so với quanh 0,3% hồi đầu năm), lãi suất qua đêm VND trên thị trường liên ngân hàng đã chững lại và có dấu hiệu ổn định dưới 1,5%.
Tăng trưởng tín dụng có tốc độ đột biến, trong khi hệ thống ngân hàng ghi nhận nguồn tiền mới chảy vào.
Nhật Hạ