Theo báo cáo tài chính quý II/2024, tốc độ tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng không đồng đều khi có những ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng cao hơn mức tăng chung của hệ thống song cũng có ngân hàng lại tăng trưởng âm.
Tăng trưởng tín dụng: Lớn tăng cao, nhỏ lại còn thấp
Theo số liệu mới nhất của NHNN, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống đạt 6,63% so với cuối năm ngoái, thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu định hướng đầu năm. Mức tăng trưởng tín dụng của các tổ chức tín dụng cũng không đồng đều.
Tăng trưởng tín dụng vẫn còn chậm khiến NHNN mới đây đã phải chủ động điều chỉnh hạn mức cho từng ngân hàng mà không yêu cầu ngân hàng đó phải gửi đề nghị cấp thêm.
Cụ thể, từ ngày 28/8, các tổ chức tín dụng có tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt từ 80% chỉ tiêu NHNN đã thông báo đầu năm 2024 sẽ được chủ động điều chỉnh tăng thêm dư nợ tín dụng dựa trên cơ sở điểm xếp hạng của tổ chức tín dụng.
Thực tế, kết thúc quý II/2024, tốc độ tăng trưởng tín dụng có sự phân hóa rõ rệt tại các ngân hàng. Theo đó, có nhiều ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng cao hơn mức tăng chung của hệ thống song cũng có những ngân hàng có mức tăng thấp hơn so với mức tăng chung.
Cụ thể, theo báo cáo tài chính quý II/2024 của 27 ngân hàng thương mại, NCB đang là ngân hàng dẫn đầu tăng trưởng tín dụng với 16%. Tính đến hết quý II/2024, có 11 ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng từ 10% trở lên, bao gồm Kienlongbank, VietBank, VPBank, Maritime Bank, Nam A Bank, MSB, HDBank, ACB, Techcombank, LPBank, NCB. Chiếm phần lớn trong danh sách này là các ngân hàng tư nhân lớn.
Trong khi đó, 3 ngân hàng quốc doanh là BIDV, Vietcombank và Vietinbank duy trì mức tăng trưởng tín dụng từ 6 – 8%.
Cuối cùng là các ngân hàng như Saigonbank, BacABank, Agribank, VietBank, SeaBank, OCB, PG Bank, TPBank với mức tăng trưởng tín dụng từ 1,8% – 4%. Thậm chí, ABBank còn ghi nhận tăng trưởng tín dụng âm hơn 7%. Đây đều là những ngân hàng tư nhân có quy mô vốn ở “top dưới”.
Tuy nhiên, nhìn toàn cảnh bức tranh tăng trưởng tín dụng, nếu xét về con số tuyệt đối, mặc dù dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng tín dụng nhưng dư nợ cho vay của nhóm ngân hàng tư nhân nhỏ vẫn ở mức khiêm tốn.
NCB, mặc dù dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng tín dụng với 16% nhưng dư nợ cho vay mới chỉ đạt 64.198 tỷ đồng tính đến ngày 30/6. Trong khi đó, ABBank có mức tăng trưởng tín dụng âm với dự nơ hơn 91 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, nhóm 7 ngân hàng có quy mô tài sản lớn nhất là BIDV, Vietinbank, MB, Techcombank, Vietcombank, VPBank và ACB đã chiếm tới hơn 65% thị phần tín dụng. Điều này phần nào tạo sức ép lên các ngân hàng nhỏ và vừa khi chỉ còn 35% thị phần cho 20 ngân hàng. Thậm chí top 8 ngân hàng nhỏ nhất có mức nợ xấu tăng vọt lên gần 35.800 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng 43% so với quý II/2023.
Động lực nào cho tăng trưởng tín dụng?
Quay lại bức tranh tăng trưởng tín dụng toàn ngành, hầu hết các chuyên gia đều lạc quan rằng tăng trưởng tín dụng sẽ khởi sắc trong phần còn lại của năm 2024.
Theo báo cáo mới nhất của VPBankS, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14,83% năm nay có thể đạt được.
Tính đến cuối quý II/2024, phần lớn tín dụng đang được thúc đẩy bởi ngành bất động sản khi dư nợ của ngành đạt 3,08 triệu tỷ đồng, chiếm tới 21,4% tổng dư nợ tín dụng toàn ngành.
Với dự báo tín dụng bất động sản và xây dựng sẽ tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới nhờ nguồn cung khả quan hơn khi các bộ luật mới về bất động sản có hiệu lực và mặt bằng lãi suất cho vay ở mức thấp kích thích nhu cầu vay, các ngân hàng có tỷ trọng cho vay bất động sản – xây dựng cao trên 20% trong danh mục tín dụng hiện nay như TCB, SHB, HDB, VPB,… sẽ có thể hưởng lợi.
Không chỉ bất động sản, kỳ vọng vào mùa tiêu dùng, sản xuất kinh doanh vào nửa cuối năm và kỳ vọng thêm vào việc Fed hạ lãi suất, hỗ trợ cho chính sách tiền tệ “đi ngược” thế giới của Việt Nam cũng sẽ là động lực cho tăng trưởng tín dụng. Ngoài ra còn có sự khởi sắc trong hoạt động thu hút FDI, xuất nhập khẩu, bất động sản khu công nghiệp.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu VPBankS cũng thừa nhận, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14 – 15%/năm vẫn sẽ có nhiều thách thức do tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam đang ở mức quá cao. Song, “dù mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14-15% có thể đạt hoặc không đạt được trong năm 2024, cũng không cần thiết phải bằng mọi giá để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng”, nhóm nghiên cứu VPBankS nhận định.
Nếu quá tập trung vào thúc tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng nhỏ có thể sẽ phải đối mặt với rủi ro nợ xấu lớn hơn. Một khi tăng trưởng phải thỏa hiệp bằng chất lượng tài sản thì mức tăng trưởng đó không bền vững và có thể đe dọa đến sức khỏe tài chính của ngân hàng.