Bộ Xây dựng đánh giá, giá cả hàng hóa bất động sản, nhất là giá nhà ở hiện chưa ổn định, không phản ánh đúng giá trị thực của bất động sản, cũng như không phù hợp với khả năng chi trả của số đông người dân.
Qua ghi nhận, đánh giá của các đơn vị nghiên cứu thị trường thì việc tăng giá mạnh và cục bộ tại một số khu vực thì giao dịch chủ yếu diễn ra giữa các nhà đầu cơ. Cùng với sự tăng giá do có sự đầu tư phát triển hạ tầng tại một số đô thị, dự án cụ thể thì cũng có một số hiện tượng giới đầu cơ bất động sản lợi dụng các yếu tố như chuẩn bị quy hoạch đô thị, chuẩn bị xây dựng các công trình hạ tầng, mở rộng đô thị…để “thổi giá” nhằm thu lợi bất chính.
Tại Tp. Hồ Chí minh, kể từ sau thông tin Tp. Hồ Chí Minh sẽ sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức thành một thành phố mới, giá nhà đất ở các quận này liên tục tăng nhiều đợt (ví dụ trên tuyến đường Nguyễn Xiển, Nguyễn Phước Thiện, Hoàng Hữu Nam, Nguyễn Văn Tăng…, quận 9, vị trí đất mặt đường đã lên tới 100 triệu đồng/m 2 ; tại phường Trường Thọ Quận Thủ Đức, giá đất trước đây chỉ khoảng 40 – 50 triệu đồng/m2 đã tăng lên tới 70 – 90 triệu đồng/m 2 , tăng khoảng 40% so với năm 2019).
Colliers International Việt Nam vừa công bố báo cáo thị trường bất động sản liền thổ vùng TP HCM với diễn biến giá liên tục leo thang, cạnh tranh thị phần ngày càng mạnh mẽ. Trong đó, mặt bằng giá đất tại Sài Gòn đang cao hơn gấp đôi so với các tỉnh thành lân cận.
Trong quý IV/2020, giá bán sơ cấp trung bình phân khúc nhà phố tại TP HCM đạt 5.000 USD mỗi m2 (gần 117 triệu mỗi m2), chưa bao gồm các gói ưu đãi và khuyến mãi bán hàng mùa dịch. Riêng giá đất nền tại đây cao hơn gấp đôi so với Bình Dương, Đồng Nai và Long An.
Tại Hà Nội, theo ghi nhận của các đơn vị nghiên cứu thị trường thì một số khu vực đất đai người dân quản lý trong làng xã các vùng Sơn Tây, Hòa Lạc, Thạch Thất, Hoài Đức có mức giá 25 – 30 triệu/m2 tăng 50% so với năm 2019; các vùng như Đông Anh, Gia Lâm, Long Biên cũng tăng khoảng 20 – 30% so với năm 2019.
Bên cạnh đó, trong quá trình phát triển đô thị nói chung, khu vực ven đô giáp các các tỉnh lân cận cũng đang có sự liên kết và phát triển mạnh mẽ, thu hút dân cư và gia tăng nhu cầu nhà ở. Chính vì thế, tại các khu vực này rục rịch quy hoạch phát triển khu dân cư, khu đô thị mới, khiến đất nền trở thành kênh thu hút đầu tư, có giao dịch tốt và tăng giá.
Theo các chuyên gia, có tới 90% khách mua đất vùng ven để đầu tư, chỉ 10% còn lại là để ở. Nhưng đất nền tại các vùng ven, ngoại thành là sản phẩm đầu tư dài hạn, có thể phải xây dựng, quản lý trong tương lai. Quá trình đầu tư xây dựng các huyện, lên quận không diễn ra trong thời gian ngắn mà sẽ kéo dài từ nay đến năm 2025.
Việc triển khai các dự án lớn (nếu có) cũng phải mất nhiều năm mới hoàn thành, các nhà đầu tư nên nghiên cứu hướng đầu tư lâu dài, trước hết là để bảo toàn vốn, sau đó mới sinh lời, nếu đầu tư theo phong trào sẽ dễ gặp phải việc tăng giá ảo, dẫn đến mất vốn.
Tại các tỉnh thành khác, mức tăng giá bất động sản sẽ dao động từ 5-7% so với 2020. Một số địa phương có thể tăng mạnh hơn, đạt trên 10% như: Đồng Nai, Bình Dương, TP.Phú Quốc, Vân Đồn (Quảng Ninh), Móng Cái (Quảng Ninh).
Năm 2021 khó có thể xảy ra nguy cơ bong bóng bất động sản vì kinh tế tăng trưởng ở mức tốt, lực cầu vẫn mạnh, giá có thể kiểm soát được. Một số địa phương đã phát triển nóng thị trường bất động sản, bị ngưng trệ thời gian qua như: Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Phú Quốc… sẽ sôi động trở lại.
Đất đai gần các khu công nghiệp sẽ biến động tăng mạnh, VnREA khuyến nghị các địa phương cần có chính sách để quản lý và ổn định thị trường.