Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 27 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 2 năm nay. Tăng cường quản lý Nhà nước về kinh doanh bất động sản, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền
Tại nghị quyết này, Chính phủ yêu cầu Bộ Xây dựng hoàn thiện dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi, bảo đảm: Làm rõ nguyên tắc áp dụng Luật Kinh doanh bất động sản trong mối quan hệ với các luật có liên quan: Bộ luật Dân sự, Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Công chứng…, phù hợp với nguyên tắc xây dựng và áp dụng pháp luật theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Bên cạnh đó la xử lý hài hòa mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội theo nguyên tắc Nhà nước sẽ không can thiệp nếu thị trường vận hành tốt, bảo đảm phát triển thị trường an toàn, lành mạnh, bền vững; đồng thời cần có biện pháp, công cụ điều tiết phù hợp, kịp thời của Nhà nước khi cần thiết, bảo đảm an sinh xã hội, ổn định kinh tế.
Tăng cường quản lý Nhà nước về kinh doanh bất động sản, thiết kế các công cụ quản lý phù hợp về phạm vi, đối tượng và thẩm quyền của các cấp, bảo đảm hài hòa lợi ích Nhà nước, người dân và doanh nghiệp, minh bạch hóa thị trường, công bằng xã hội; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền một cách hợp lý để có thể kịp thời xử lý các tình huống, khó khăn, vướng mắc phát sinh, gắn với kiểm tra, giám sát việc thực hiện; bảo đảm quản lý thống nhất từ trung ương đến địa phương về thị trường bất động sản; có công cụ kiểm tra, giám sát và có cơ chế khen thưởng hoặc xử lý khi có vi phạm.
Rà soát các quy định pháp luật của dự thảo Luật về: Hợp đồng, công chứng, thẩm quyền, thủ tục, điều kiện chuyển nhượng dự án bất động sản, bảo đảm thống nhất với quy định pháp luật về công chứng, dân sự, đất đai, đầu tư…
Cải cách thủ tục hành chính, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tiếp tục lấy ý kiến, tham vấn đầy đủ, thực chất ý kiến của đối tượng chịu sự tác động, chuyên gia, nhà khoa học, nhà hoạt động thực tiễn; phối hợp với các cơ quan để tiếp tục tiếp thu, hoàn thiện dự án Luật, bảo đảm chất lượng.
Được biết, Luật Kinh doanh bất động sản năm 2014 sau khi triển khai bên cạnh những hiệu quả mang lại đã bộc lộ nhiều bất cập và hạn chế, nhiều nội dung bị chồng chéo, ảnh hưởng đến việc phát triển các dự án nhà ở và thị trường bất động sản.
Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản sẽ được trình Quốc hội vào kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023) và kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) song song với đổi mới của Luật Đất đai nhằm đảm bảo đồng bộ trong quá trình triển khai.
Ngày 2/2, phát biểu kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu tổ chức cuộc họp về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản trong tháng 2. Đây là nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, vì chỉ tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, thì sẽ giải quyết được nút thắt cần giải quyết để tháo gỡ khó khăn cho nhiều lĩnh vực liên quan, như trái phiếu doanh nghiệp. Thị trường bất động sản “đóng băng”, giao dịch không có dẫn tới doanh thu của các doanh nghiệp bất động sản sụt giảm, tình trạng vay nợ tăng mạnh, hàng tồn kho ngày càng nhiều, đặc biệt trong giai đoạn quý IV/2022.
Trong khi thị trường bất động sản gặp khó khăn, một số doanh nghiệp bất động sản lớn đã đề xuất chuyển đổi trái phiếu doanh nghiệp sang bất động sản với mức chiết khấu 40-50% giá bán. Theo đó, khách hàng có thể lựa chọn phương án sử dụng giá trị khoản thanh toán đến hạn để mua ngay các bất động sản và nhận chiết khấu 20% theo giá bán niêm yết của chủ đầu tư. Phương án 2 là nhà đầu tư có khoản thanh toán đến hạn hoặc chưa đến hạn sử dụng khoản thanh toán để đầu tư các bất động sản của chủ đầu tư kèm theo cam kết mua lại, giảm tới 50% theo giá bán niêm yết.
Tổng Hợp
(Dân Trí, Dân Việt)