Sau chuỗi ngày ảm đạm do sức ép lớn từ việc nhiều cổ phiếu của chủ doanh nghiệp giảm giá sàn và áp lực giải chấp chéo danh mục diễn ra xuyên suốt, thị trường chứng khoán Việt Nam đã đột ngột đảo chiều đi lên trong phiên 16/11 nhờ dòng tiền giải ngân ồ ạt. Tâm lý nhà đầu tư ngày càng tiêu cực trước cú trượt dài của thị trường chứng khoán.
Mở cửa phiên 16/11, VN-Index đã lùi về vùng hỗ trợ cứng từ năm 2018 là 860 – 880 điểm với gần phân nửa giảm sàn và xu hướng giảm điểm diễn ra ở toàn bộ các nhóm ngành. Dù vậy, thị trường đã hồi phục nhanh chóng nhờ lực cầu bắt đáy bất ngờ dâng cao, kéo chỉ số chính từ mốc thấp nhất phiên sáng là 873 điểm lên hơn 942 điểm, tương đương biên độ dao động lên tới gần 70 điểm.
Đóng cửa, sàn HoSE có 415 mã tăng (155 mã tăng trần) và chỉ 63 mã giảm (19 giảm sàn), VN-Index tăng 31 điểm (+3,4%), lên 942,9 điểm. Đáng chú ý, tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 1,04 tỷ cổ phiếu, trị giá 14.373,3 tỷ đồng, tăng hơn 50% về khối lượng và 47% về giá trị so với phiên 15/11. Qua đó ghi nhận là phiên giao dịch có thanh khoản khớp lệnh cao nhất kể từ tháng 3/2022.
Dù vậy, phiên tăng mạnh nhất từ đầu tháng đến nay của VN-Index vẫn chưa đủ làm nhà đầu tư yên tâm và đặt ra câu hỏi “liệu áp lực bán giải chấp đã dừng chưa” khi nhiều mã vốn hóa lớn và vừa như NVL, PDR, HPX, EIB, DHC…vẫn ngược dòng giảm sàn tắt thanh khoản, với dư bán sàn từ vài triệu đến gần cả trăm triệu đơn vị.
Theo ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhận định áp lực bán giải chấp chéo đã giảm bớt, song để xác định tình trạng này đã kết thúc chưa thì cần quan sát thêm những phiên tiếp theo bởi tỷ lệ call margin hay forced sell còn tùy thuộc vào từng công ty chứng khoán.
Theo ông Minh, khi thị trường lao dốc từ tháng 4- tháng 6, tình trạng giải chấp phần lớn chỉ xảy ra ở các nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ. Song kể từ tháng 10 đến nay, áp lực margin đã lan đến các tài khoản lớn là tài khoản của lãnh đạo doanh nghiệp, cổ đông lớn, do vậy mức độ ảnh hưởng trở nên mạnh mẽ và dai dẳng hơn. Việc cổ phiếu của các tài khoản lớn bị bán giải chấp đã khiến cổ phiếu đó mất bệ đỡ và không ngừng rơi. Đặc biệt tại những cổ phiếu bất động sản xuất hiện tình trạng dư bán sàn và mất thanh khoản, có nghĩa bán giải chấp nhưng không ai mua.
Chuyên gia Chứng khoán Yuanta lưu ý, có hai cách để doanh nghiệp giải quyết tình trạng này là tăng thêm cổ phiếu để đưa tỷ lệ về ngưỡng an toàn hoặc giải quyết các tài sản đảm bảo để bên cho vay không bán tiếp cổ phiếu. Tuy nhiên, trong bối cảnh thanh khoản doanh nghiệp đang cạn kiệt thì việc xoay vốn cũng là thách thức lớn. Ngoài ra, trong trường hợp cổ phiếu ngày càng lao dốc, lượng dư bán sàn cũng chất lên cao đến ngưỡng báo động có thể dẫn đến thương vụ thâu tóm M&A. Nếu lãnh đạo muốn giữ quyền làm chủ trong công ty thì có thể sẽ sử dụng tài sản cá nhân để can thiệp.
Do đó, chuyên gia Yuanta nhận định rất khó để dự báo đáy của chứng khoán trong thời điểm hiện tại khi tình trạng giải chấp tại lãnh đạo doanh nghiệp chưa kết thúc và những cổ phiếu đang ảnh hưởng đến tâm lý nhà đầu tư như NVL, PDR chưa tìm được điểm cân bằng. Thị trường cần có sự nâng đỡ của các cổ phiếu vốn hóa lớn.
“Điểm sáng của thị trường trong giai đoạn này là khối ngoại khi tích cực mua ròng khi áp lực tỷ giá hạ nhiệt, định giá VN-Index hấp dẫn và nền kinh tế vĩ mô Việt Nam khá ổn định. Dù vậy, vấn đề đáng lo ngại hiện nay là tính thanh khoản của thị trường, đây là yếu tố khiến tâm lý nhà đầu tư trở nên dè dặt”, chuyên gia Yuanta cho biết.
Nhìn lại quá khứ, theo ông Nguyễn Thế Minh, thị trường chứng khoán đã trải qua 3 giai đoạn khủng hoảng lớn là năm 2008, giai đoạn năm 2018-2020 và năm 2022. Nhưng giai đoạn năm 2008 thị trường lấy lại niềm tin rất lâu do khủng hoảng tài chính dẫn đến hụt cung tiền, còn giai đoạn năm 2018-2020 và năm 2022 thì dòng tiền lại rất dồi dào, vì vậy niềm tin nhà đầu tư sẽ sớm trở lại.
Với việc lực cầu bắt đáy được đẩy nhanh trong nửa cuối phiên sáng, đặc biệt từ nhóm nhà đầu tư nước ngoài khi liên tục mua ròng tại các phiên thị trường giảm điểm, nhiều cổ phiếu đã xuất hiện sắc tím khi đóng cửa phiên 16/11. Mặc dù vậy, vẫn còn một số cổ phiếu thuộc nhóm bất động sản vẫn chưa xuất hiện lực cầu hấp thụ khi giá giảm hết biên độ với khối lượng treo bán lớn.
Tổng Hợp