Khó khăn trong tiếp cận đất đai vẫn là một trong những rào cản để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia…
Chia sẻ tại diễn đàn khoa học “Khuyến nghị một số nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong Luật Đất đai 2013” diễn ra ngày 8/7, TSKH. Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho rằng, thực tế thi hành Luật Đất đai 2013 hiện nay cho thấy, nguồn lực đất đai chưa được khai thác, phát huy đầy đủ để trở thành nguồn lực quan trọng cho phát triển kinh tế – xã hội.
“Khó khăn trong tiếp cận đất đai vẫn là một trong những rào cản để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Tình trạng vi phạm chính sách, pháp luật về đất đai diễn ra khá phổ biến. Tình trạng tham nhũng, trục lợi và thất thoát nguồn thu ngân sách liên quan đến đất đai vẫn diễn ra…”, TS Nghiêm Vũ Khải nói.
Thêm vào đó, quá trình tích tụ, tâp trung đất nông nghiệp diễn ra còn chậm, chưa theo kịp nhu cầu tái cơ cấu ngành nông nghiệp cũng như cho phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn…
“Đất đai manh mún đang là yếu tố cản trở người dân và doanh nghiệp đầu tư dài hạn vào nông nghiệp. Hạn điền và thời hạn sử dụng đất vẫn là rào cản chính trong xác lập tư liệu sản xuất có khả năng tiếp nhận đầu tư lớn, dài hạn, có chiều sâu vào phát triển kinh tế nông nghiệp sản xuất hàng hóa quy mô lớn”, TS Nghiêm Vũ Khải nhấn mạnh.
Luật Đất đai cần sửa đổi để gần hơn với thực tiễn
Thừa nhận những hạn chế trong quản lý, sử dụng đất đai, bà Hoàng Thị Vân Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết vẫn còn tồn tại 5 bất cập mà việc sửa đổi Luật Đất đai tới đây rất cần được góp ý, giải quyết, bao gồm cả vấn đề khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực đất đai còn chiếm tỷ trọng rất lớn trong các vụ việc.
Nguyên nhân được đại diện Tổng cục Quản lý đất đai chỉ ra là do sự chồng chéo, thiếu thống nhất giữa Luật Đất đai và nhiều bộ luật liên quan như Luật Quy hoạch, Luật Quản lý tài sản công, Luật xây dựng, Luật lâm nghiệp… Chính sự thiếu đồng bộ này khiến vấn đề tổ chức thi hành rất là khó khăn.
Ngoài ra, với tiến trình phát triển kinh tế – xã hội, các quy định, chế định hiện hành của Luật Đất đai cũng không còn phù hợp.
“Nhiều phương thức mới xuất hiện như đầu tư PPP, các loại hình biệt thự nghỉ dưỡng hay nhiều hình thức khác nữa cho thấy thực tế rõ ràng là “tấm áo” của Luật Đất đai không còn phù hợp, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn của quá trình phát triển”, bà Vân Anh nhấn mạnh.
Nguyên nhân khác nữa là vấn đề về tổ chức bộ máy, năng lực nhân sự, ứng dụng công nghệ… trong công tác quản lý đất đai cũng chưa theo kịp được thực tiễn.
“Ví như tỉnh Sơn La, một chi cục quản lý đất đai chỉ có 5 người quản lý một địa bàn rộng lớn như vậy. Chỉ nói riêng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng cũng chưa đủ người, chứ đừng nói đến là làm công tác quản lý nhà nước đất đai trên địa bàn toàn tỉnh”, bà Vân Anh nói.
“Ngay nói chuyện ứng dụng công nghệ hiện đại để quản lý đất đai, bây giờ chúng ta đến các tỉnh vùng sâu, vùng xa, muốn tìm cái máy tính để mở bản đồ kiểm tra bản vẽ quy hoạch là cũng đã khó khăn, chứ chưa nói đến giao dịch điện tử đối với các giao dịch đất đai”, đại diện Tổng cục Quản lý đất đai nêu ý kiến.
Theo Tổng cục Quản lý đất đai, việc sửa đổi Luật Đất đai, nhằm mục tiêu phục vụ phát triển kinh tế-xã hội-môi trường nhưng quản lý nhà nước chặt chẽ, bền vững đồng thời đảm bảo an ninh, quốc phòng. Dự kiến, Luật Đất đai sửa đổi sẽ được đưa ra trình Quốc hội trong năm 2023./.