Trong hai ngày cuối tuần trước và ngày đầu tuần này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã bất ngờ phát hành tín phiếu để hút tiền trở lại. Phải chăng đây là chính sách đa mục tiêu của nhà nước?
Cụ thể, ngày 21-9 phát hành gần 10.000 tỉ đồng, có 17 thành viên tham gia và hai thành viên trúng thầu với lãi suất 0,69%/năm. Tiếp đó, ngày 22-9 phát hành thêm 10.000 tỉ đồng, 16 thành viên tham gia và có đến năm thành viên trúng thầu với lãi suất giảm còn 0,5%/năm. Đến ngày đầu tuần này (25-9), lại phát hành 10.000 tỉ đồng, 13 thành viên tham gia và bốn thành viên trúng thầu với lãi suất chỉ còn 0,49%/năm. Kỳ hạn của cả ba đợt phát hành đều là 28 ngày.
Sau khoảng sáu tháng không thực hiện nghiệp vụ này (từ ngày 10-3-2023), động thái trên của NHNN khiến thị trường có phần ngạc nhiên, khi nới lỏng chính sách tiền tệ vẫn đang là định hướng được ưu tiên để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Dù vậy, xét trong tình hình hiện nay, hành động “chẳng đặng đừng” này của NHNN được xem là giúp hóa giải một số thách thức trên thị trường tiền tệ và ngoại hối gần đây.
Thứ nhất, xét theo quy mô, lượng phát hành 10.000 tỉ đồng/phiên chỉ ở mức trung bình so với mức độ vốn nhàn rỗi của nhiều ngân hàng hiện nay, cho thấy NHNN không muốn gây áp lực lớn lên thanh khoản hệ thống hiện tại mà có thể tác động tiêu cực đến lãi suất, vốn đã mất nhiều công sức mới kéo xuống được trong những tháng qua. Dù vậy, có vẻ như NHNN cũng đang muốn “ném đá dò đường”, nếu mọi thứ vẫn ổn định, cơ quan này có thể tiếp tục phát hành thêm với liều lượng thích hợp.
Thứ hai, kỳ hạn 28 ngày được xem là phù hợp. Thanh khoản hiện nay dù khá dồi dào và có khả năng duy trì thêm một thời gian nữa, nhưng có thể đối mặt với áp lực tăng dần khi càng về cuối năm, do nhu cầu vay gia tăng trong khi lượng tiền gửi chậm lại theo tính mùa vụ. Lúc đó, lượng tín phiếu này đáo hạn sẽ giúp nguồn vốn quay lại với hệ thống.
Thứ ba là về mức lãi suất. Nếu như cách đây sáu tháng, lãi suất trúng thầu các tín phiếu kỳ hạn bảy ngày lên đến 6%/năm, thì giờ đã giảm rất mạnh xuống chưa đến 0,7%/năm theo xu hướng đi xuống của lãi suất trên khắp các thị trường. Đáng chú ý là các đợt phát hành tín phiếu vừa qua tiếp tục theo cơ chế đấu thầu lãi suất, cho thấy nhà điều hành đang muốn thị trường tự quyết định mức lãi suất trúng thầu nhằm tránh tác động tới mặt bằng lãi suất thị trường hiện nay.
Mức lãi suất trúng thầu trong ba phiên nói trên cũng thấp hơn mức lãi suất vay mượn trên thị trường liên ngân hàng đang dao động quanh mốc 1% năm đối với kỳ hạn một tháng. Hiện nay hầu hết các ngân hàng đều dư thừa thanh khoản, nhu cầu vay mượn của các ngân hàng sụt giảm mạnh trong thời gian gần đây, thể hiện qua giá trị giao dịch ở kỳ hạn một tháng vào ngày 20-9 chỉ còn hơn 1.600 tỉ đồng. Các ngân hàng thừa vốn dù muốn cho vay cũng khó tìm được tổ chức muốn vay, vì vậy chấp nhận rót vào tín phiếu với mức lãi suất thấp hơn nhiều.
Đáng lưu ý là hành động của NHNN diễn ra ngay sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) kết thúc cuộc họp chính sách tháng 9. Dù Fed đã quyết định vẫn giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức cao nhất 22 năm qua tại 5,25-5,5%/năm như dự báo, nhưng đồng thời lại thể hiện quan điểm cứng rắn hơn. Theo đó, các quan chức Fed dự kiến số lần giảm lãi suất trong năm tới sẽ giảm so với dự báo trước đây. Đây cũng là điều nhà đầu tư lo ngại, rằng lãi suất của Mỹ sẽ duy trì ở mức cao trong thời gian dài hơn và do đó đô la Mỹ có thể tiếp tục neo cao trong thời gian lâu hơn.
Chính vì vậy, không có gì lạ khi hầu hết ý kiến đều cho rằng hành động này của NHNN nhằm giảm sức ép cho tỷ giá, vốn vẫn đang chịu áp lực đi lên trong hơn hai tháng trở lại đây. Tính đến ngày 25-9, tỷ giá trung tâm đô la Mỹ/tiền đồng tiếp tục tăng 16 đồng so với cuối tuần qua, tăng 99 đồng so với cuối tháng 8 và tăng gần 2% so với đầu năm nay. Trong khi đó, giá giao dịch tại các ngân hàng tiếp tục tăng thêm 35-40 đồng so với phiên cuối tuần, nâng mức tăng so với đầu năm lên 3,4%.
Trong bối cảnh thanh khoản dư thừa, do hoạt động tín dụng vẫn trì trệ với tăng trưởng tín dụng toàn ngành đến giữa tháng 9 này mới chỉ đạt 5,56%, tăng thêm vỏn vẹn 0,23 điểm phần trăm so với cuối tháng 8, không ít ngân hàng đã tăng cường đầu cơ lướt sóng ngoại tệ để tận dụng lượng vốn tiền đồng nhàn rỗi và chênh lệch dương khá lớn giữa lãi suất đô la Mỹ và tiền đồng trên thị trường liên ngân hàng.
Cập nhật gần nhất từ trang web của NHNN đến tuần từ 11 đến 15-9-2023, lãi suất bình quân liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm bằng tiền đồng chỉ còn 0,16%, trong khi bằng đô la Mỹ lên đến 5,04%, tức chênh lệch đã mở rộng lên đến 4,88 điểm phần trăm. Các kỳ hạn một tuần, hai tuần và một tháng cũng chứng kiến mức chênh lệch lần lượt là 4,73 điểm phần trăm, 4,69 điểm phần trăm và 4,19 điểm phần trăm. Ngay cả kỳ hạn dài hơn là ba tháng cũng chứng kiến lãi suất đô la Mỹ cao hơn tiền đồng 1,98 điểm phần trăm. Vì vậy, dễ hiểu khi các ngân hàng muốn đẩy mạnh chiến lược “carry trade” để kiếm lời từ chênh lệch lãi suất giữa hai đồng tiền.
Hành động này của các ngân hàng lại càng gây sức ép lên tỷ giá đô la Mỹ/tiền đồng. Do đó, bằng cách hút bớt lượng thanh khoản dư thừa của hệ thống, NHNN có thể hạn chế bớt các hoạt động đầu cơ lướt sóng ngoại tệ của các ngân hàng, gián tiếp giúp hạ nhiệt áp lực cho thị trường ngoại hối.
Ngoài ra, từ đầu năm đến nay, NHNN cũng đã mua một lượng lớn ngoại tệ nhằm gia tăng dự trữ ngoại hối trở lại. Vì vậy, việc hút tiền đồng qua kênh tín phiếu cũng là cách để trung hòa phần nào lượng tiền đồng đã bơm ra qua kênh mua ngoại tệ.
Trong bối cảnh Việt Nam vẫn đang nỗ lực tiếp tục thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, mới đây nhất là chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính đến Mỹ và kêu gọi các tập đoàn lớn gia tăng đầu tư vào Việt Nam, chính sách giữ đồng nội tệ ổn định là cần thiết. Như đại diện của NHNN gần đây cũng đã chia sẻ, nếu để mất tỷ giá sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài và làm ảnh hưởng đến chính sách thu hút đầu tư.
Tổng Hợp
(Saigontime)