Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM (HoSE) vừa có quyết định về việc đưa cổ phiếu của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines – mã chứng khoán: HVN) vào diện cảnh báo kể từ ngày 25/4.
Lý do được đưa ra là Vietnam Airlines chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 quá 15 ngày so với thời hạn quy định, thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo theo quy định.
Trước đó, Vietnam Airlines có văn bản gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và HoSE xin tạm hoãn công bố thông tin báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022. Theo quy định, doanh nghiệp niêm yết phải nộp báo cáo tài chính kiểm toán trong vòng 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm tài chính, tức nộp chậm nhất vào ngày 31/3.
Vietnam Airlines lý giải mình là công ty có quy mô lớn hoạt động trên toàn cầu với 27 đơn vị trực thuộc (9 đơn vị trong nước và 18 chi nhánh nước ngoài) cùng 15 công ty con có quy mô vừa và lớn, hoạt động trong nhiều lĩnh vực và cũng phải lập báo cáo tài chính hợp nhất. Doanh nghiệp đang sắp xếp ổn định lại hoạt động sản xuất kinh doanh, khắc phục các hậu quả của đại dịch Covid-19, từng bước tái cơ cấu doanh nghiệp.
Trong điều kiện như vậy, công ty cần thêm thời gian cho việc đối chiếu báo cáo, xác nhận báo cáo, tổng hợp số liệu tuân thủ chuẩn mực kiểm toán.
Đối với công ty mẹ, trong năm 2022, Vietnam Airlines đã thực hiện tái cơ cấu, sáp nhập 5 đơn vị trực thuộc, tiến hành đóng mã số thuế tại các chi nhánh được sáp nhập nên công tác đối chiếu số liệu báo cáo giữa các cơ quan, đơn vị bị kéo dài.
Trong giai đoạn ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, hãng hàng không quốc gia đã đàm phán và được nhiều nhà cung cấp nước ngoài chấp thuận (có điều kiện) cho phép được giảm giá hàng hóa dịch vụ, giãn hoãn các khoản thanh toán.
“Do có các điều kiện thay đổi trong việc thực hiện hợp đồng, Vietnam Airlines cần nhiều thời gian hơn để đối chiếu xác nhận công nợ đáp ứng chuẩn mực kiểm toán”, Vietnam Airlines cho biết và xin được gia hạn công bố báo cáo tài chính năm 2022.
Tuy nhiên, UBCKNN dẫn quy định tại Thông tư 96/2020 về hướng dẫn công bố thông tin trên thị trường chứng khoán: Đối tượng công bố thông tin được tạm hoãn công bố thông tin trong trường hợp những lý do bất khả kháng như thiên tai, hỏa hoạn, chiến tranh, dịch bệnh và các lý do bất khả kháng khác.
Lý do xin tạm hoãn công bố thông tin của Vietnam Airlines không thuộc các trường hợp trên. Do đó, UBCKNN đề nghị hãng hàng không quốc gia khẩn trương khắc phục công tác kế toán để hoàn thành việc công bố thông tin theo quy định.
Đã rất nhiều lần Tổng công ty Hàng không Việt Nam – Vietnam Airlines lên kế hoạch kinh doanh và lộ trình khắc phục tình trạng bị kiểm soát tránh án hủy niêm yết cổ phiếu nhưng tình hình vẫn không được cải thiện trong quý 4/2022 vừa qua.
Báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2022 của Vietnam Airlines cho thấy, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ quý 4 đạt 19.573 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước nhưng giá vốn tăng cao hơn khiến HVN báo lỗ gộp 827 tỷ đồng, tăng so với con số lỗ của năm ngoái là 634 tỷ đồng. Chi phí tài chính tăng gấp 3,6 lần lên 1.023 tỷ đồng chủ yếu là lãi tiền vay tăng và lỗ chênh lệch tỷ giá 538 tỷ đồng.
Phần lỗ trong công ty kinh doanh liên kết lên tới 65,8 tỷ đồng, chủ yếu là tăng các khoản lỗ tại Công ty mẹ, Pacific Airlines, Công ty dịch vụ mặt đất. Sau đi trừ đi các khoản chi phí khác, Vietnam Airlines báo lỗ sau thuế 2.585 tỷ đồng, tăng 2,3 lần so với quý 4 năm trước và tăng nhẹ so với quý 3/2022.
Lũy kế cả năm 2022, Vietnam Airlines lỗ ròng 10.400 tỷ đồng, dù rằng doanh thu gấp 2,5 lần cùng kỳ đạt 70.500 tỷ đồng. Như vậy, dù đã bước ra khỏi dịch bệnh Covid-19 cùng với nhiều lần đưa ra các giải pháp cấp bách nhưng tình hình kinh doanh của Vietnam Airlines vẫn u ám.
Đây là năm thứ ba liên tiếp hãng hàng không quốc gia báo lỗ con số chục nghìn tỷ đồng, giá trị lũy kế lỗ lên tới 34.199 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của Vietnam Airlines âm 10.199 tỷ đồng. Trong khi nợ phải trả lên tới 70.777 tỷ đồng. Tài sản ngắn hạn chỉ còn 12.300 tỷ đồng, áp lực thanh khoản rất lớn khi mà tiền mặt chỉ còn lại 3.400 tỷ đồng.
Theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 120 tại Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán ngày 26/11/2019 như sau “Cổ phiếu công ty đại chúng bị hủy niêm yết khi xảy ra một trong các trường hợp sau: Kết quả sản xuất kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục hoặc tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp hoặc vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.
Tổng Hợp
(Dân Trí, VnEconomy)