Citigroup làm theo ANZ quyết định rút mảng khách hàng cá nhân khỏi Việt Nam. Trong khi các ngân hàng phương Tây rút khỏi mảng bán lẻ, hay bán lại cổ phần, nhiều ngân hàng nước ngoài, sau khi ổn định mảng khách hàng doanh nghiệp, sẽ thử sức ở mảng khách hàng cá nhân, bằng việc gia tăng sự hiện diện của mình trên thị trường. Nhưng hầu hết kết quả ở thị trường Việt Nam là không như kỳ vọng.
Nhiều ngân hàng nước ngoài, sau khi ổn định mảng khách hàng doanh nghiệp thì sẽ thử sức ở mảng khách hàng cá nhân, bằng việc gia tăng sự hiện diện của mình trên thị trường. Nhưng hầu hết kết quả ở thị trường Việt Nam là không như kỳ vọng của các ngân hàng nước ngoài. Mảng ngân hàng bán lẻ không hiệu quả, và việc thoái vốn của các ngân hàng nước ngoài như đã nêu ở trên diễn ra sau một thời gian góp vốn.
Các ngân hàng nước ngoài hoạt động cũng vì lợi nhuận, và hơn hết họ có sự quyết đoán rất cao. Khi mục tiêu hiệu quả không đạt hay mức độ thua lỗ đến một mức nào đó, họ rất nhanh và dứt khoát ra quyết định cắt lỗ, chỉ duy trì những mảng kinh doanh vẫn còn hiệu quả, như khách hàng doanh nghiệp hay kinh doanh nguồn vốn. Mảng kinh doanh khách hàng cá nhân thực sự là “chua” với các ngân hàng phương Tây bởi vì chi phí hoạt động rất cao, đặc biệt là chi phí tiền lương. Thử hình dung nếu có cùng số lượng chi nhánh, phòng giao dịch thì chi phí lương của các ngân hàng nước ngoài sẽ gấp rưỡi hay gấp đôi vì mặt bằng lương cho nhân viên ngân hàng nước ngoài là cao hơn nhiều so với nhân viên ngân hàng trong nước.
Tính đến cuối năm 2020, theo thông tin từ website của Ngân hàng Nhà nước, tại Việt Nam có 7 ngân hàng nước ngoài (100% vốn nước ngoài) và 51 chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Hoạt động chính của các ngân hàng này chủ yếu dựa vào khách hàng doanh nghiệp và kinh doanh nguồn vốn. Trên thực tế, các ngân hàng nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam sẽ rất khó có khả năng cạnh tranh với các ngân hàng nội địa trong thị trường bán lẻ, vì lợi thế cạnh tranh và tính hiệu quả không thể bằng được. Nhưng cũng không vì thế mà các ngân hàng nước ngoài sẽ rút khỏi Việt Nam. Chừng nào các doanh nghiệp FDI của nước họ còn đầu tư ở Việt Nam, chừng nào các doanh nghiệp Việt Nam còn có hoạt động thương mại quốc tế, và Việt Nam còn cần vốn để đầu tư phát triển, thì các ngân hàng nước ngoài sẽ còn hoạt động ở Việt Nam.
Một khó khăn khác là các các lãnh đạo cao nhất của ngân hàng nước ngoài thường là người từ tập đoàn mẹ cử sang, sự am hiểu và mối quan hệ với thị trường nội địa không thể nào so được với các lãnh đạo ngân hàng trong nước. Mảng khách hàng cá nhân, muốn phát triển số đông thì phải cần rất nhiều hợp đồng nhóm, nghĩa là lấy được hợp đồng cung cấp dịch vụ ngân hàng cá nhân cho một tổ chức, đơn vị, tập thể nào đó ở Việt Nam như một trường đại học, một tập đoàn trong nước lớn.
Nguồn khách hàng mang lại doanh thu chính cho các ngân hàng nước ngoài là nhóm khách hàng doanh nghiệp, bao gồm các doanh nghiệp cùng quốc tịch, và các doanh nghiệp nội địa có mối quan hệ thương mại với các doanh nghiệp, tổ chức ở cố quốc. Lấy ví dụ như một ngân hàng của Pháp sẽ theo các doanh nghiệp Pháp đầu tư vào Việt Nam, tiếp tục cung cấp các dịch vụ ngân hàng cho khách hàng Pháp, nhưng đồng thời cũng tìm kiếm những khách hàng là doanh nghiệp Việt Nam có trao đổi với các doanh nghiệp đang ở Pháp.
Ngoài việc cung cấp dịch vụ ngân hàng trực tiếp cho các doanh nghiệp, một hoạt động khá quan trọng nhưng ít được đại chúng biết đến đó là sự dịch chuyển dòng vốn ngân hàng xuyên biên giới, qua hình thức vốn vay hay vốn cổ phần. Đối với vốn cổ phần, các ví dụ ở thị trường Việt Nam như Société Générale đầu tư vào SeABank, ANZ vào Sacombank, Commonwealth vào VIB, Standard Chartered vào ACB, và BNP Paribas vào OCB. Và hình thức vốn ngân hàng xuyên biên giới quan trọng thứ hai đó là vốn vay. Thường thì ở các nước phát triển, nguồn vốn dồi dào và lãi suất thấp hơn, nên các định chế tài chính ở các nước này tìm khách hàng đi vay ở các nước đang phát triển, các nước nghèo. Bên cạnh đó, các công cụ tài chính ở các nước phát triển cũng đa dạng, ngay cả trong công cụ nợ cũng có nhiều loại khác nhau, có cả hình thức hỗn hợp như mezzanine debt, và rồi nhiều công cụ tài chính thay thế khác mà bản chất vẫn là một hình thức cho vay.
Dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) trong sản xuất kinh doanh, dòng vốn đầu tư gián tiếp (đầu tư danh mục), và dòng vốn ngân hàng. Nếu chúng ta tinh ý một chút, khi có sự trao đổi thương mại đầu tư cấp cao giữa 2 quốc gia thì trong đoàn công tác, ngoài các tập đoàn công nghiệp, dịch vụ thì luôn có các tập đoàn tài chính đi kèm, trong đó luôn có ngân hàng và bảo hiểm.
Trong khi các ngân hàng phương Tây rút khỏi mảng bán lẻ, hay bán lại cổ phần như: BNP Paribas, Standard Chartered, Commonwealth, thì các ngân hàng của Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Singapore ngày càng muốn hiện diện nhiều hơn ở thị trường gần 100 triệu dân này lại có chuyện người thì muốn vào, kẻ thì muốn ra.
Nhật Hạ