Chưa bàn đến cách định giá, giá cao hay thấp, TS.Vũ Đình Ánh – chuyên gia kinh tế, thẳng thắn nêu quan điểm việc Bộ Công Thương phải tạm hoãn việc tước giấy phép 5 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối là thất bại trong quản lý, cho thấy cần phải thiết lập ngay lại thị trường xăng dầu.
Ghi nhận đến chiều 6-9, nhiều doanh nghiệp trong các doanh nghiệp bị xử phạt trên cho hay vẫn chưa nhận được quyết định xử phạt chính thức. Do đó, đến thời điểm hiện tại những đơn vị này vẫn đang vận hành hệ thống cửa hàng hoạt động kinh doanh bình thường.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp cho biết việc không rõ mức độ xử phạt đến đâu, tước giấy phép trong phạm vi nào (hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa hay giao dịch kinh doanh trong nước – PV), nên việc mở cửa hàng kinh doanh khiến cho doanh nghiệp lo ngại có thể tiếp tục bị xử phạt.
Chiều 6-9, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay ngày 15-2 Bộ Công Thương ban hành quyết định thanh tra về việc chấp hành quy định pháp luật về kinh doanh xăng dầu.
Qua kết quả điều tra và giải trình của doanh nghiệp, ngày 31-8 chánh thanh tra đã ban hành 18 quyết định xử phạt vi phạm hành chính với 11 đơn vị đầu mối và các công ty con, với tổng số tiền phạt là trên 13 tỉ đồng.
Ngoài ra, quyết định xử phạt còn áp dụng bổ sung hình phạt tước giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu với các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối ở phía Nam. “Chắc chắn năm doanh nghiệp này khi đã bị tước quyền theo điều 9 của nghị định 83 sẽ không còn 19 quyền lợi và quyền hạn, kể cả nhập khẩu xăng dầu, không được mua xăng dầu từ nhà máy lọc dầu trong nước, không được bán xăng dầu cho các thương nhân khác…”, ông Hải khẳng định.
Tuy nhiên, ông Hải cho biết Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương đã họp để trước mắt xử lý phạt hành chính. Với hình thức tước giấy phép theo tinh thần trên sẽ vẫn áp dụng nhưng trong thời điểm phù hợp.
“Cần căn cứ vào ba nguyên tắc xử lý là xử lý nghiêm khắc hành vi vi phạm pháp luật, song cũng phải lưu ý đến khó khăn của doanh nghiệp đặc biệt trong bối cảnh đại dịch vừa qua. Thêm nữa, điều quan trọng nhất là phải đảm bảo nguồn cung xăng dầu phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Chúng tôi cũng đang xử lý và hy vọng cố gắng tìm được biện pháp phù hợp nhất, tốt nhất trong thời điểm hiện nay”, ông Hải nói.
Trong khi đó, cơ quan tước giấy phép là thanh tra Bộ Công Thương khẳng định việc xử phạt vi phạm hành chính các doanh nghiệp này được thực hiện theo đúng các quy định tại nghị định 83 và nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu. Năm doanh nghiệp bị tước giấy phép vì không đáp ứng được điều kiện về hệ thống phân phối của nghị định 83 và nghị định 95.
Trả lời phỏng vấn VnBusiness, TS. Vũ Đình Ánh nêu ra nhiều bất cập trên thị trường xăng dầu hiện nay.
Những ngày gần đây, thị trường xăng dầu vẫn “nóng bỏng” khi nhiều cửa hàng xăng dầu bán lẻ “dọa” nghỉ bán do họ không nhận được hoa hồng, phải chịu lỗ khi kinh doanh xăng dầu. Ông có chia sẻ gì về những bất ổn này?
-Tôi xin chưa bàn tới vấn đề chiết khấu giữa các doanh nghiệp, bởi điều tôi muốn đề cập hơn cả là thực trạng trên xuất phát từ rất nhiều nguyên nhân. Trong đó, phải kể tới mối quan hệ ràng buộc quá chặt giữa doanh nghiệp đầu mối với các cây xăng bán lẻ cuối cùng. Nói nôm na là cửa hàng xăng dầu không “chơi” với doanh nghiệp đầu mối nào đó do chiết khấu quá thấp, thậm chí âm thì họ cũng chẳng biết “chơi” với ai cả (theo quy định, mỗi doanh nghiệp bán lẻ hiện chỉ được phép ký hợp đồng với một doanh nghiệp đầu mối – PV).
Việc không tách bạch mối quan hệ giữa doanh nghiệp bán lẻ và đầu mối nên dẫn tới tình trạng doanh nghiệp đầu mối muốn làm gì thì làm.
Tuy vậy, một mặt khác cũng cần hết sức chú ý là mô hình hiện nay của doanh nghiệp xăng dầu đầu mối với hệ thống phân phối cho đến cây xăng bán lẻ cuối cùng cũng hao hao giống câu chuyện chuyển giá của các tập đoàn quốc tế. Nói là không chiết khấu nhưng có thể vẫn hạch toán với nhau theo kiểu nào đó để hai bên cùng có lợi, cây xăng dầu bán lẻ như doanh nghiệp con trong tập đoàn và doanh nghiệp đầu mối như là doanh nghiệp mẹ.
Theo đó, liên quan tới câu chuyện chiết khấu giữa các doanh nghiệp xăng dầu với nhau, có lẽ Bộ Công Thương cũng nên làm rõ hơn ở nhiều góc độ khác nhau, đi sâu vào mối quan hệ của họ dựa trên các hợp đồng thương mại thì mới rõ ai vi phạm.
Không chỉ cửa hàng bán lẻ xăng dầu kêu khó, muốn nghỉ bán, mà một số doanh nghiệp đầu mối cũng kêu cứu khi bị Bộ Công Thương tước giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu. Kết quả mới đây, Bộ Công Thương cho biết chỉ xử phạt hành chính vi phạm của 5 doanh nghiệp, còn thời điểm tước giấy phép sẽ quyết định sau…
-Vừa rồi, Bộ Công Thương tước giấy phép 5 doanh nghiệp xăng dầu đầu mối nhưng chưa thực hiện và doanh nghiệp vẫn được tiếp tục kinh doanh là thất bại trong quản lý. Điều này cho thấy Bộ Công Thương cần phải thiết lập lại thị trường xăng dầu, đặc biệt trong bối cảnh nguồn cung xăng dầu trong nước chiếm đa phần.
Báo cáo mới nhất được Bộ Công Thương công bố gần đây cho thấy Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có kế hoạch sản xuất xăng dầu của 2 nhà máy lọc dầu trong nước (Nhà máy Nghi Sơn và Nhà máy Bình Sơn) trong 6 tháng cuối năm.
Cụ thể, quý III dự kiến sản xuất 3,9 triệu m3 (chiếm 72% tổng nhu cầu) và quý IV dự kiến sản xuất 4,4 triệu m3 (chiếm 80% tổng nhu cầu). Về cơ bản, lượng sản xuất theo kế hoạch đề ra để cân đối cung cầu từ đầu năm 2022 và đã được phân giao thực hiện cho các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu trong nước để bảo đảm nguồn cung cho thị trường.
Vì vậy, tôi cho rằng Bộ Công Thương chịu trách nhiệm quản lý cả hệ thống sản xuất, lẫn giấy phép xuất nhập khẩu, cũng như quản lý kinh doanh của doanh nghiệp đầu mối đến tận cây xăng cuối cùng thì hoàn toàn có quyền thiết lập lại thị trường xăng dầu.
Ngay sau thông tin tước giấy phép 5 doanh nghiệp xăng dầu lớn, Saigon Petro đã gửi đơn “cầu cứu”, trong đó có liệt kê hàng loạt hậu quả nếu tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu của doanh nghiệp này, như: hệ thống phân phối của Saigon Petro bị mất nguồn cung trên 50.000m³/tháng và trên 1.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống phân phối có thể sẽ phải đóng cửa…
-Tôi xin nhấn mạnh lại một lần nữa rằng quyền quản lý, điều hành xăng dầu là trách nhiệm của Bộ Công Thương, tại sao lại để cho doanh nghiệp “dọa” và chịu thất bại trong quản lý bằng cách tạm hoãn rút giấy phép dù trước đó Thanh tra đã kết luận sai phạm. Rõ ràng, qua câu chuyện này, chúng ta thấy rằng không thể để thị trường xăng dầu vận hành như thế được, phải thiết lập lại ngay.
Hệ thống cung cấp do một vài doanh nghiệp đầu mối lớn chiếm thị phần chi phối quyết định, thống lĩnh thị trường nên không có sự cạnh tranh lẫn nhau, dẫn tới khi Bộ Công Thương tước giấy phép một vài doanh nghiệp đầu mối, lập tức nảy sinh ra tình trạng là cây xăng của họ thiếu nguồn, dừng bán.
Trước mắt, chúng ta không bàn tới câu chuyện giá, bởi vì giá đi theo thị trường. Thị trường thế nào thì sẽ có chính sách giá, quản lý giá như vậy.
Vì vậy, cần thiết kế lại thị trường xăng dầu làm sao đảm bảo tính cạnh tranh của các doanh nghiệp đầu mối và đảm bảo tính linh hoạt của hệ thống bán lẻ xăng dầu khi mà có biến động từ phía doanh nghiệp đầu mối. Không để tình trạng như hiện nay, tức là các thương nhân gắn bó với nhau quá chặt, một vài doanh nghiệp đầu mối dừng lại thì lập tức thị trường xăng dầu gặp khó.
Hay nói cách khác là tạo cạnh tranh giữa các doanh nghiệp đầu mối trong việc bán hàng cho các cây xăng dầu bán lẻ cuối cùng. Có như vậy, mới có cơ chế về giá tốt và bản thân các cây xăng dầu bán lẻ mới có sự cạnh tranh với nhau về giá bán ra cho người tiêu dùng. Và lúc đó, chúng ta mới bàn tới câu chuyện có áp giá trần cho xăng dầu hay không.
Bộ Công Thương lo tước giấy phép sẽ ảnh hưởng tới nguồn cung xăng dầu
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết ngày 31/8/2022, Chánh Thanh tra Bộ Công Thương ban hành 18 quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu đối với 11 thương nhân đầu mối và các công ty con của các thương nhân đầu mối này. Tổng số tiều phạt là 13.340.000.000 đồng.
Ngoài việc phạt tiền, Thanh tra Bộ Công Thương cũng có 5 quyết định áp dụng hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu xăng dầu trong thời hạn 1 tháng với 5 thương nhân đầu mối bao gồm: Công ty CP Thương mại Dầu khí Đồng Tháp, Công ty CP Xuất nhập khẩu xăng dầu Tín Nghĩa, Công ty CP Dầu khí Đông Phương, Công ty TNHH Xăng dầu Hùng Hậu, Công ty TNHH MTV Dầu khí TP. Hồ Chí Minh (Saigon Petro). Nguyên nhân chủ yếu là do các doanh nghiệp này không đáp ứng được điều kiện về hệ thống phân phối xăng dầu theo quy định.
Khi 5 doanh nghiệp này đã bị tước quyền, theo Điều 9 Nghị định 83, họ không còn 19 quyền hạn trong kinh doanh xăng dầu, bao gồm không chỉ việc không được xuất nhập khẩu xăng dầu mà cũng không được mua xăng dầu từ các nhà máy lọc dầu trong nước, không được bán xăng dầu cho các thương nhân khác.
Vì vậy, việc tước giấy phép sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung xăng dầu cho thị trường tại các địa bàn kinh doanh của các doanh nghiệp này, khi 5 doanh nghiệp đang cung ứng trung bình cho thị trường khoảng 160.000 m3 xăng dầu các loại/tháng (chiếm khoảng 10% nhu cầu thị trường nội địa), do đó sẽ ảnh hưởng đến việc duy trì nguồn cung, ổn định thị trường xăng dầu trong nước hiện đang khá căng thẳng, nhất là ở khu vực phía Nam (địa bàn hoạt động chính của 5 doanh nghiệp bị tước giấy phép).
Do vậy, sáng ngày 6/9, ông Hải cho biết, Bộ Công Thương đã có báo cáo tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 8/2022 và chiều cùng ngày, Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương đã họp để xử lý vấn đề này theo hướng trước hết phạt hành chính kịch khung theo đúng các biên bản, còn việc tước giấy phép trong thời hạn vẫn sẽ được áp dụng nhưng lựa chọn thời điểm phù hợp để thực hiện.
Trên cơ sở 3 nguyên tắc trên, Bộ Công Thương cho hay sẽ tiếp tục nghiên cứu tìm ra những giải pháp phù hợp nhất cho việc xử lý vấn đề này.
Tổng Hợp