Tham gia đầu tư trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp , tài sản bảo đảm là yếu tố rất được các nhà đầu tư quan tâm.
Theo Bộ Tài chính khuyến cáo, để đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, các nhà đầu tư cần phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp theo đúng quy định của pháp luật, đánh giá được đầy đủ rủi ro khi đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp, không nên mua trái phiếu thông qua chào mời của các tổ chức cung cấp dịch vụ khi chưa tìm hiểu kỹ về tình hình tài chính của doanh nghiệp phát hành và các điều kiện, điều khoản của trái phiếu.
“Thực tế, thị trường chứng khoán cũng từng có thời kỳ cổ phiếu trên sàn phi chính thức (OTC) được giao dịch rất nhiều, nhu cầu mua rất cao nhưng thông tin không đầy đủ, rất rủi ro. Dần dần các cổ phiếu tốt lên sàn chính thức càng ngày càng nhiều và tình hình “bát nháo” trên sàn OTC dần được khắc phục bởi nhà đầu tư có nhiều lựa chọn tốt hơn và minh bạch hơn. Đồng thời, các nhà đầu tư cũng ngày càng trở nên chuyên nghiệp hơn sau quá trình tham gia thị trường”, một đại diện từ Bộ Tài chính thông tin.
Thị trường trái phiếu doanh nghiệp cũng như thị trường chứng khoán, cần được đặt trong một hệ thống quản trị chặt chẽ, mang tính công khai, minh bạch cao ngay từ đầu. Đó chính là cách kiểm soát để giảm thiểu rủi ro cho cả doanh nghiệp, nhà đầu tư và nền kinh tế”, đại diện cơ quan quản lý nhận định.
Có thể thấy, những lùm xùm trên thị trường tài chính thời gian qua chỉ là bước khởi động cho quá trình lành mạnh hoá môi trường kinh doanh của Việt Nam, đồng thời khẳng định quyết tâm của Chính phủ và các cơ quan chức năng trong việc xây dựng một hệ thống thị trường bền vững, hiệu quả, góp phần bảo đảm ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế.
Theo Ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc FiinGroup nhấn mạnh, một điểm mọi người hay quan tâm là tài sản bảo đảm , nhưng đối với cá nhân chúng ta không nên quan tâm quá nhiều vấn đề này, vì tài sản bảo đảm không có tác dụng trong việc đánh giá khả năng trả nợ, mà chỉ nằm trong trường hợp mất vốn thì “tranh nhau” tài sản đó như thế nào, còn nếu đã đầu tư, có nhiều yếu tố khác quan trọng hơn.
“Tập đoàn Evergrande tại Trung Quốc vừa qua khi trong giai đoạn đứt thanh khoản không trả được lãi, nợ gốc đến hạn và phải đối mặt với khoản nợ hơn 300 tỷ USD. Điều đáng nói, 54% trong tổng nợ vay của Evergrande là “có tài sản thế chấp” nhưng thực tế nhà đầu tư trái phiếu và chủ nợ chưa thể nhanh chóng xử lý.
Trong đống tài sản thế chấp này cũng có cả cổ phiếu của chính Evergrande. Song giá thị trường trái phiếu và cổ phiếu đều chỉ còn 20-25% so với trước kia 1 năm. Như vậy, ngân hàng được cử làm quản lý và giám sát tài sản thế chấp cũng chịu. Cơ bản là nhà đầu tư mất hết tiền nếu bán ở giá này, hoặc lùi lãi và gốc 5 năm đợi doanh nghiệp tái cấu trúc”, ông Thuân nêu ví dụ.
Các tài sản bảo đảm là cổ phiếu có mức độ dao động lớn và phụ thuộc rất nhiều vào năng lực tín dụng của tổ chức phát hành. Do đó, nếu tổ chức phát hành gặp khó khăn trong việc trả nợ, giá trị của cổ phiếu cũng sẽ suy giảm nhanh chóng, ảnh hưởng đến giá trị của tài sản bảo đảm. Trên thực tế, chỉ các nhà đầu tư tổ chức mới có khả năng xử lý hoặc cấu trúc lại doanh nghiệp và quá trình này thường kéo dài nên không có nhiều ý nghĩa về mặt đảm bảo cho nhà đầu tư cá nhân.
Ngoài ra, các trái phiếu được đảm bảo bởi các bất động sản và tài sản hình thành từ vốn vay cũng rất rủi ro. Nếu không hoàn thành đúng theo kế hoạch đầu tư, giá trị tài sản đảm bảo sẽ bị ảnh hưởng đáng kể, ngoài ra thời gian xử lý tài sản đảm bảo kéo dài sẽ ảnh hưởng đến khả năng thu hồi vốn đầu tư của nhà đầu tư.
TS. Lê Xuân Nghĩa, Chuyên gia kinh tế phân tích, thông lệ quốc tế không quy định về việc phát hành trái phiếu phải bảo lãnh bằng tài sản, vì người mua trái phiếu là cá nhân, còn bên phát hành là tổ chức, nên việc xử lý tài sản bảo đảm cho trái phiếu là vô cùng phức tạp.
Tổng Hợp