Tài sản bảo đảm cho các khoản nợ phần lớn là bất động sản đang được nhiều ngân hàng rao bán, nhưng có rất ít khách mua.
Báo cáo tài chính của 27 ngân hàng niêm yết cho thấy, nợ xấu nhìn chung tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2023. Đáng chú ý, nợ nhóm 2 (có nguy cơ nhảy sang nhóm nợ xấu cao) tăng đột biến.
Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu trung bình của các ngân hàng niêm yết ở mức 2% tính đến cuối quý II/2023, tăng 0,2% so với quý I/2023, tuy dưới mức trần 3% nhưng là điều cần cảnh báo ở thời điểm tình hình kinh tế khó khăn; tổng nợ xấu (nhóm 3 – 5) là 187.475 tỷ đồng. Riêng tỷ lệ nợ nhóm 2 toàn ngành cuối quý I/2023 tăng 45% so với cuối năm 2022 và tiếp tục tăng trong quý II/2023.
“Thực tế, nợ xấu tăng dần đều đã nằm trong tính toán của lãnh đạo ngân hàng trước bối cảnh kinh tế khó khăn”, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần nói và cho biết, giải pháp cho vấn đề này là thận trọng khi cho vay để đảm bảo an toàn tín dụng, tránh phát sinh nợ xấu, đồng thời tăng cường tỷ lệ bao phủ nợ xấu và xử lý nợ, nhưng giải pháp nào cũng có những khó khăn.
Đồng quan điểm, giám đốc công ty quản lý nợ và khai thác tài sản của một ngân hàng thương mại cổ phần chia sẻ: “Hoạt động xử lý nợ xấu khó khăn do bất động sản là tài sản bảo đảm chính cho phần lớn các khoản vay, nhưng thời điểm này bán nhiều mà không có khách mua”.
Agribank chi nhánh Trung Yên vừa thông báo bán đấu giá lần 2 khoản nợ của Công ty cổ phần Đầu tư Phát triển Nhà Hoàng Hải Phú Quốc. Khoản nợ được bán theo nguyên trạng về dư nợ, tài sản bảo đảm, hồ sơ khoản nợ, tình trạng tranh chấp, chất lượng khoản nợ và mọi vấn đề, yếu tố khác có liên quan đến khoản nợ tại thời điểm được đưa ra đấu giá. Giá khởi điểm của khoản nợ đấu giá là 264,7 tỷ đồng, giảm gần 17 tỷ đồng so với lần đấu giá trước đó.
Đồng thời, Agribank đăng bán đấu giá lần 2 khoản nợ của Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Quang Trung, với giá khởi điểm 67 tỷ đồng, giảm hơn 4 tỷ đồng so với lần rao bán đầu tiên.
Đáng chú ý, Agribank rao bán tài sản đảm bảo của khoản nợ là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai có diện tích 3.860 m2, thuộc dự án Trung tâm Bến du thuyền Hoàng Gia tại Khu đô thị Vĩnh Hòa, phường Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa của Công ty cổ phần Khách sạn Bến du thuyền (Marina Hotel), với giá khởi điểm hơn 1.100 tỷ đồng. Cũng thuộc dự án này, VietinBank rao bán một bất động sản khác có diện tích gần 6.000 m2 để thu hồi cho khoản nợ 540 tỷ đồng của Marina Hotel.
VietinBank còn rao bán gần 60 khách sạn, bất động sản khác nhau, phân khúc phổ biến là các khách sạn 3 – 4 sao, homestay và biệt thự, với giá bán từ vài chục tỷ đồng tới vài trăm tỷ đồng. Trong đó, có hai khách sạn 4 sao với quy mô 98 phòng và 104 phòng được Ngân hàng chào đồng giá 420 tỷ đồng cho mỗi khách sạn.
Ngoài ra, VietinBank siết nợ hàng loạt khách sạn 4 – 5 sao, homestay, biệt thự tại Đà Nẵng, Nha Trang… Đơn cử, tại Đà Nẵng có một khách sạn 5 sao xây dựng trên diện tích hơn 1.200 m2, quy mô 236 phòng, được Ngân hàng chào bán với giá 600 tỷ đồng.
Xung quanh vấn đề xử lý nợ, ông Moon Young So, Giám đốc điều hành Công ty Welcome DTC cho hay, hơn 1 năm qua, Công ty đã mua được 6 khoản nợ với giá trị khoảng 1.000 tỷ đồng, dự kiến đến cuối năm 2023 sẽ mua thêm một số khoản nợ khác.
“Trong quá trình xử lý các khoản nợ, Welcome DTC gặp một số khó khăn liên quan đến thông tin khách hàng, bởi quá trình xử lý nợ xấu thường kéo dài nên khi khách hàng thay đổi địa chỉ và không giữ liên lạc, Công ty khó kết nối để xử lý các khoản nợ xấu đã mua”, ông Moon Young So nói.
Ngày 24/4/2023, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 02/2023/TT-NHNN cho phép các tổ chức tín dụng chủ động cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ khi đáp ứng một số điều kiện, với thời hạn 1 năm kể từ ngày được cơ cấu lại, nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn về tài chính, đồng thời được tiếp cận nguồn vốn vay mới nhằm tiếp tục hoạt động sản xuất – kinh doanh. Việc này được thực hiện đến hết tháng 6/2024. Đây được xem là một trong những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn về thanh khoản cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp bất động sản, trong bối cảnh khó tiếp cận các nguồn vốn (vốn vay, vốn huy động từ trái phiếu/cổ phiếu).
Do đó, về nguyên tắc, một số khoản nợ đã trở thành nợ xấu, song do được cơ cấu nợ, giữ nguyên nhóm nợ, nên xu hướng tăng nợ nhóm 2 nhiều khả năng sẽ tiếp tục diễn ra trong các quý tới.
Tổng Hợp
(Báo Đầu Tư)