Các ngân hàng yếu kém đều đã có đề án tái cơ cấu và khả năng cuối quý III/2021 sẽ được thông qua. Số liệu về sức khỏe của 3 ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt và DongABank không được công bố gần đây, song tình hình kinh doanh cũng chưa có tín hiệu khả quan.
Theo các chuyên gia ngân hàng, so với khối nợ xấu mà các ngân hàng yếu kém trên đang gánh, thì khoản vay đặc biệt từ Ngân hàng Nhà nước như “muối bỏ biển”.
Không chỉ sắp phê duyệt Đề án Tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt, mà Ngân hàng Nhà nước cũng đang khẩn trương hoàn thiện Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2021 – 2025.
Ngoài một số ngân hàng yếu kém chưa được xử lý, thì nguy cơ nợ xấu bùng lên do Covid-19 cũng đòi hỏi Chính phủ sớm ban hành Đề án Tái cơ cấu tổ chức tín dụng giai đoạn tới. Đồng thời, phải luật hóa Nghị quyết 42/2017/QH14 để các ngân hàng có căn cứ xử lý nợ xấu. Bởi một năm nữa, nghị quyết này sẽ hết hiệu lực, trong khi nợ xấu đang tăng mạnh. Theo Ngân hàng Nhà nước, nợ xấu nội bảng đến đầu tháng tháng 6/2021 có thể là 1,78%, tăng so với con số 1,69% cuối năm 2020. Còn nếu tính nợ xấu gộp (bao gồm nợ nội bảng, nợ tiềm ẩn, nợ đã bán cho VAMC) thì có thể lên tới 3,54%.
Tái cơ cấu là một quá trình, bản chất là làm sao để hệ thống ngân hàng phát triển dài hạn và lành mạnh, ổn định, nâng cao năng lực tài chính, năng lực quản trị, chất lượng tài sản, chất lượng hoạt động, phát triển về quy mô tài sản… Chính vì vậy, những ngân hàng đã tốt rồi vẫn phải tái cơ cấu theo hướng tốt hơn nữa, quy mô lớn hơn nữa, lọt vào tốp ngân hàng hàng đầu khu vực. Còn những ngân hàng yếu kém, thì NHNN liên tục trình Chính phủ phê duyệt đề án tái cơ cấu, hy vọng sẽ sớm được phê duyệt để xử lý dứt điểm.
Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra dự thảo sửa đổi Thông tư quy định về cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng thuộc diện kiểm soát đặc biệt. Theo đó, điểm mới nhất của Dự thảo là rút ngắn thời hạn cho vay đặc biệt xuống tối đa 12 tháng (quy định hiện hành là tối đa 2 năm) và bắt buộc phải có tài sản đảm bảo. Từ khi mua lại 3 ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước đã đặt ra nhiều phương án, như sáp nhập, hợp nhất, bán cho nước ngoài…, song tất cả đều chưa thành công. Ưu tiên lớn nhất với 3 ngân hàng trên và cả DongABank là bán cho nhà đầu tư trong hoặc ngoài nước hoặc sáp nhập. Tuy nhiên, để làm được, đầu tiên phải xử lý lỗ lũy kế của các ngân hàng này.
Giai đoạn từ 2011 – 2015, đây cũng là cuộc “đại phẫu” được các chuyên gia đánh giá sóng gió nhất. Theo đó, tháng 10/2011, Trung ương Đảng quyết định tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó có điểm ngắm là hệ thống ngân hàng. Chín ngân hàng thương mại cổ phần yếu được xác định và khoanh vùng gồm SCB, Đệ Nhất, Tín Nghĩa, Habubank, Tienphongbank, GP Bank, Navibank, TrustBank và Western Bank. Đến ngày 1/3/2012, Chính phủ ban hành Quyết định 254/QĐ-TTg về Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 – 2015 và Quyết định 843/QĐ-TTg ngày 31/5/2013 ban hành Đề án xử lý nợ xấu.
Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại được thực hiện thông qua “mua bán”, sáp nhập các ngân hàng thương mại yếu kém. Đã có ba ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng là Ngân hàng TNHH MTV Xây dựng Việt Nam (CBBank), Ngân hàng TNHH MTV Dầu khí Toàn Cầu (GP Bank), Ngân hàng TNHH MTV Đại Dương (Ocean Bank). Vietcombank được giao quản trị – điều hành CBBank; Vietinbank quản trị – điều hành Ocean Bank và GP Bank. Hiện nay, cả ba ngân hàng được mua lại với giá 0 đồng đã hoạt động bình thường trở lại, kết quả kinh doanh được cải thiện đáng kể. Ngoài ra, còn 9 ngân hàng thương mại khác (Tín Nghĩa, Đệ Nhất, Habubank, Western Bank, DaiABank, MDBank, MHBank, Southern Bank, TrustBank) cũng được sáp nhập vào các ngân hàng khác có tình hình tài chính lành mạnh và kết quả kinh doanh ổn định hơn.
Với cuộc “đại phẫu” đầy khó khăn, sức khoẻ của toàn hệ thống ngân hàng dù đã được cải thiện nhưng chưa thể hồi phục hoàn toàn. Sau một thời gian hoạt động, hệ thống luôn tồn tại những bất cập và tồn đọng, điển hình như những vẫn đề liên quan đến nợ xấu, năng lực quản trị của ngân hàng yếu kém, tình trạng sở hữu chéo…
Tĩnh Kiên