Ngày 11/5, liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định tăng giá bán lẻ xăng dầu. Theo đó, sức nóng tăng giá của các loại hàng hóa tiêu dùng tác động vào trong từng bữa ăn của người dân.
TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế cho rằng, giá xăng tăng tác động rất mạnh đến người lao động (NLĐ). “Tôi cho rằng, trong lúc này, Nhà nước cần có hỗ trợ NLĐ bằng cách giảm thuế thu nhập cá nhân cho NLĐ có thu nhập từ 20 triệu đồng/tháng trở xuống” – ông Hiển nói.
“Giá nguyên vật liệu tăng 1% thì giá sản phẩm đầu ra tăng hơn 2 % làm gia tăng lạm phát của nền kinh tế. Rủi ro nhập khẩu lạm phát không tránh khỏi khi các nền kinh tế là đối tác thương mại lớn, quan trọng hàng đầu của Việt Nam như Mỹ, EU, Hàn Quốc… đều dự báo lạm phát ở mức đáng lo ngại. Ngoài ra, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ tăng mạnh sau thời gian dài chịu ảnh hưởng của đại dịch là áp lực lớn lên lạm phát thời gian tới”
TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê
Không chỉ cước vận tải tăng, nhiều loại hàng hoá cũng đang “nhảy múa” theo giá xăng. Giá các loại rau củ trong khoảng 1 tháng trở lại đây đều tiếp tục tăng mạnh; như cải thảo 4.000 đồng/kg nay tăng 6.000 đồng/kg; cà rốt tăng từ 15.000 lên 18.000 đồng/kg… Mỳ tôm, dầu ăn… cũng hưởng ứng đà tăng, mỳ Omachi tăng từ 180.000 đồng/thùng lên 200.000 đồng/thùng; các loại bia cũng tăng khoảng 10-15% so với đầu năm.
Ở đô thị lớn như TPHCM, người dân càng gặp nhiều khó khăn hơn. Dắt chiếc xe ra đầu ngõ, anh Trần Hữu Tình (32 tuổi, ngụ quận Tân Bình) đổ 40.000 đồng tiền xăng nhưng chỉ được hơn một lít.
Anh cho biết: “Cũng với số tiền này vài tháng trước, tôi có thể đổ đầy bình xăng để xuống TP Thủ Đức làm việc, nhưng giờ thì không đủ rồi. Do tôi là công nhân xây dựng, công trình ở đâu mình theo đó, lương chỉ khoảng 150.000 đồng/ngày; ăn uống, đi lại tự túc. Trước đây, sau khi trừ chi phí, tôi vẫn còn 100.000 đồng đem về nhưng từ khi nhiều mặt hàng tăng giá, số tiền còn lại cũng vơi đi ít nhiều”.
Xin những thức ăn còn thừa như vài bìa đậu hũ, ít thịt cá, lá dưa chua… ở căng tin công ty, chị Thu Hằng (nhân viên vệ sinh ở quận 3, TPHCM) kho thành món thập cẩm làm bữa tối cho gia đình.
“Xăng dầu tăng giá nên hàng hoá cái gì cũng đắt đỏ theo. Rau trước kia giá khoảng 4.000-5.000 đồng đã đẩy lên 9.000-10.000 đồng/bó, cao gấp 2 lần ngày thường.
Trong khi đồng lương cố định 5 triệu đồng/tháng, nếu chi tiêu không tính toán rất dễ “âm” thu nhập. Để tiết kiệm chi tiêu, tôi thường chọn chợ cóc, hàng vỉa hè mua thực phẩm cho rẻ; thỉnh thoảng căng tin công ty còn dư thức ăn, tôi xin về chế biến lại cũng tiết kiệm được vài chục ngàn đồng”, chị Hằng nói.
Ngay khi vừa nghe thông tin xăng tăng giá, chị Minh (40 tuổi, giáo viên mầm non, ngụ quận 8) đã vội bê về nhà thùng mì gói để ăn sáng trong những ngày tới. Theo lời chị, gia đình chị có 4 người, trong đó 2 con đang tuổi đi học. Thu nhập mỗi tháng có hạn nhưng nhiều mặt hàng tiêu dùng gần đây tăng chóng mặt, rau củ, dầu ăn đến thịt cá đều tăng 5.000-10.000 đồng/kg.
“Trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng từ dịch COVID -19, xăng tăng giá càng khiến cuộc sống của gia đình tôi thêm chật vật” – nữ giáo viên này nói. Tại nhiều chợ truyền thống ở TPHCM, tiểu thương cũng buồn hiu vì vắng khách.
Nói về kỷ lục doanh nghiệp thành lập mới trong 4 tháng đầu năm 2022, ông Lâm cho rằng, đóng góp của các doanh nghiệp này cho nền kinh tế là không lớn, do mới ở giai đoạn khởi sự kinh doanh. Các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động mới là nhóm tác động rõ rệt tới kinh tế. Đáng chú ý, từ đầu năm tới nay, cả nước có tới 61.600 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy, 35,8% doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh quý 1 gặp khó khăn và 33,4% doanh nghiệp bị sụt giảm đơn hàng.
Tổng Hợp