Sự khó khăn không chỉ kéo dài một, hai tháng mà đã diễn ra trong nhiều tháng của năm 2022, càng về sau, “sức khoẻ” thị trường cũng như cộng đồng doanh nghiệp càng suy giảm.
Trong đó, nhiều công ty dù còn hoạt động nhưng phải thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, chủ động cắt giảm bộ máy nhân sự, hoặc một nhân sự kiêm 2 đến 3 công việc để sinh tồn.
Đại diện Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết, hiện nay nhiều tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đang rất khó khăn, đặc biệt là rủi ro bị sụt giảm sâu thanh khoản, thậm chí bị mất thanh khoản. Vì vậy, không ít tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản phải chấp nhận thực hiện các biện pháp “đau đớn” để tồn tại…
Số liệu của Bộ Xây dựng cho thấy hoạt động triển khai bất động sản nhà ở đã có dấu hiệu chậm lại đáng kể trong quý III/2022. Số lượng các dự án được cấp phép và đủ điều kiện mở bán ghi nhận giảm 8% và 23% so với cùng kỳ.
Đồng thời, thị trường vốn trong nước vẫn đang bị tắc nghẽn từ các kênh trái phiếu và ngân hàng, đi kèm lãi suất cho vay mua nhà đang ở mức khá cao từ 11-14%/năm khiến dòng tiền luân chuyển nhỏ giọt.
Nhìn chung trong bối cảnh hiện nay, đa số chuyên gia đều nhận định rất khó đoán định chính xác mọi việc, doanh nghiệp không nên quá mạo hiểm mà “liệu cơm gắp mắm”. Hoặc trường hợp cần thiết thì cố gắng “thắt lưng buộc bụng”, tận dụng tối ưu mọi nguồn lực. Nếu trước đây chi phí dồi dào, có thể thoải mái, nhưng bây giờ cần thận trọng sử dụng các khoản ngân sách để đảm bảo hiệu quả.
Mặt khác doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cũng tính toán để xây dựng kế hoạch phát triển bài bản giúp chủ động nguồn vốn, thay vì ngồi chờ nguồn vốn tín dụng khơi thông, bằng cách tăng vốn chủ sở hữu nhằm tăng cường nội lực của doanh nghiệp thông qua việc hợp tác, liên doanh, liên kết, sáp nhập để hình thành các tập đoàn bất động sản hùng mạnh. Song song nữa, phải đặt lợi ích của khách hàng lên trên hết, giữ chữ tín, coi trọng công tác hậu mãi chăm sóc khách hàng để có thể huy động được nguồn vốn ứng trước của khách hàng theo đúng quy định của pháp luật kinh doanh bất động sản.
Thậm chí, có doanh nghiệp giảm từ 60-70% lượng nhân sự đi kèm với cắt giảm lương, một số công ty buộc lòng phải cho nhân viên nghỉ tết sớm. “Thị trường bất động sản khó khăn thì nhân sự trong ngành, đặc biệt với tuyến đầu như đội ngũ môi giới bất động sản là đối tượng bị ảnh hưởng đầu tiên và nặng nề nhất, ước lượng số môi giới đang hoạt động hiện nay chỉ còn khoảng 30-40% so giai đoạn đầu năm”, vị đại diện này thông tin.
Cũng theo HoREA, do tắc nguồn vốn tín dụng, tắc nguồn vốn trái phiếu, tắc cả nguồn vốn huy động từ khách hàng, nên nhiều doanh nghiệp bất động sản “đói vốn”, phải tạm dừng triển khai dự án, thanh toán hoa hồng cho các sàn giao dịch bằng sản phẩm bán, hoặc bán sản phẩm bất động sản, nhà ở với chiết khấu sâu, đáng kể nhất có thể lên đến hơn 30% giá hợp đồng nếu thanh toán ngay.
Nói về thực trạng trên, ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhìn nhận sự khó khăn không chỉ kéo dài một, hai tháng mà đã diễn ra trong nhiều tháng của năm 2022, càng về sau, “sức khoẻ” thị trường cũng như cộng đồng doanh nghiệp càng suy giảm.
Đồng quan điểm, ông Phạm Lâm, Tổng giám đốc DKRA Việt Nam đánh giá, Chính sự khó khăn chồng chất đã khiến không ít doanh nghiệp bất động sản phải đóng cửa, tạm ngừng hoạt động. Từ số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, 11 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp bất động sản giải thể nhiều hơn so với thời kỳ bùng phát Covid-19 (2020-2021), cụ thể là 1.081 doanh nghiệp, tăng khoảng 43,9%, còn doanh nghiệp dừng hoạt động có thời hạn ước tính 2.379 doanh nghiệp, tăng khoảng 50,7%. Trong khi đó số doanh nghiệp giải thể qua từng năm 2021, 2020 2019 lần lượt chỉ 861, 978 và 686.
“Như vậy, chúng ta thấy rõ năm 2022 được xem như một thách thức lớn. Đấy là có những doanh nghiệp giải thể trực tiếp mà chúng ta nhìn thấy, nhưng còn những doanh nghiệp dừng hoạt động mà chúng ta chưa nhìn thấy. Nhất là ngành cung cấp dịch vụ môi giới bất động sản, giữa bối cảnh hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp dừng hoạt động từ lâu, tuy nhiên chưa có giấy tờ quyết định chính thức giải thể công ty”, ông Lâm nêu.
Gần đây, một lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản còn thừa nhận trên truyền thông rằng đang đối mặt với vô vàn khó khăn, nên vị này đã quyết định viết tâm thư gửi khách hàng thông tin về những việc mà doanh nghiệp gặp phải. Trong tâm thư ông đề cập năm 2022, tình hình kinh tế thế giới và Việt Nam có nhiều biến động như: chiến tranh, lạm phát, hậu quả dịch bệnh, đến chính sách thắt chặt tín dụng đều ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động của doanh nghiệp lẫn thị trường. Công ty vì vậy mà cũng rơi vào tình huống hết sức “gieo neo”.
Tình trạng đói vốn không chỉ xuất hiện trong ngành bất động sản mà đang lan rộng ra các ngành sản xuất. Áp lực thanh khoản đóng băng đang buộc nhiều đơn vị phải phải chủ động lên các phương án xử lý để tránh nguy cơ khủng hoảng trầm trọng hơn.
Một vài doanh nghiệp đang phải thực hiện các biện pháp “giải phẫu đau đớn” để tồn tại như cắt giảm lượng lớn nhân sự, buộc phải hoãn đầu tư mới, dừng tăng vốn, giảm hoặc hoãn lương…
Đối với vấn đề trái phiếu, một số công ty cũng đang tính toán lại các phương án xử lý khi đến hạn nhằm đối phó khó khăn trước mắt, nhất là nhanh chóng đưa ra giải pháp theo khuyến nghị của Bộ tài chính.
Chẳng hạn, một doanh nghiệp bất động sản hàng đầu phía Nam đang đề xuất các hướng xử lý trái phiếu đến hạn nhằm đảm bảo quyền lợi cho trái chủ như hợp tác kinh doanh, gia hạn thanh toán hay chuyển đổi sang bất động sản với nhiều ưu đãi tốt hơn trước.
Trái chủ có thể chuyển đổi giá trị trái phiếu để đặt mua các bất động sản và được chuyển nhượng tài sản hoặc được cam kết mua lại 120% giá chuyển nhượng sau 24 tháng.
Một phương án khác là gia hạn lô trái phiếu thêm sau 24 tháng với mức lãi suất cộng thêm 1,5% trên lãi suất hợp đồng trước đó. Hoặc có thể tham gia hợp tác đầu tư với mức lãi suất 12%/năm, được hưởng các chính sách ưu đãi khi muốn chuyển đổi sang các sản phẩm bất động sản.
Một doanh nghiệp lớn khu vực miền Bắc cũng đề xuất phương án gia hạn thêm 12 tháng với lãi suất cộng thêm 2%, hoặc có thể chuyển đổi sang mua ngay bất động sản với giá chiết khấu 20-50% và cam kết mua lại đến 115% tài sản.
Chính sách chuyển đổi sang bất động sản có chiết khấu cao cũng đang được nhiều môi giới kinh doanh giới thiệu đến trái chủ, đây là một trong những cách xử lý “chịu đau” mà nhiều doanh nghiệp buộc thực hiện trong bối cảnh khó khăn.
Tổng Hợp
(VnE, Tài Chính Tiền Tệ)