Thực tế, Ngân hàng Nhà nước vẫn đang trong đà hạ tỷ giá bán tại Sở giao dịch kể từ ngày 11/11/2022. Sức ép với tỷ giá hối đoái của Việt Nam có xu hướng giảm nhưng nhu cầu về USD được dự báo sẽ tăng dần về cuối năm.
Điểm đáng chú ý cuối tuần qua là bài phát biểu sáng 1/12/2022 theo giờ Việt Nam, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cho rằng, lạm phát có dấu hiệu đi xuống, nhưng vẫn ở mức cao, thể hiện sự mất cân bằng cung – cầu và cần được đưa trở lại mức mục tiêu 2%. Theo đó, quá trình tiếp tục tăng lãi suất cơ sở là cần thiết.
Tuy nhiên, chính sách tiền tệ tác động lên nền kinh tế luôn có độ trễ không chắc chắn và những tác động từ việc thắt chặt của Fed chưa được cảm nhận đầy đủ. Do vậy, điều chỉnh tốc độ tăng lãi suất khi đã đến gần mức hiệu quả để giảm lạm phát là hành động hợp lý. Thời gian thực hiện điều chỉnh tốc độ có thể đến sớm, ngay trong cuộc họp tháng 12 này.
Ông Jerome Powell cũng cho rằng, thời điểm giảm tốc lãi suất ít quan trọng hơn so với câu hỏi cần tăng lãi suất lên bao nhiêu và duy trì trong khoảng thời gian bao lâu, lịch sử đã cảnh báo mạnh mẽ về hệ quả của việc sớm nới lỏng chính sách tiền tệ trở lại.
Phiên ngày 2/12/2022, Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá trung tâm ở mức 23.660 VND/USD, giảm 2 đồng so với phiên trước đó và là phiên giảm thứ ba liên tiếp (tổng cộng giảm 7 đồng). Tỷ giá bán giao ngay được giữ nguyên, niêm yết ở mức 24.840 VND/USD. Cơ quan này không niêm yết tỷ giá mua giao ngay.
Trên thị trường liên ngân hàng, tỷ giá chốt phiên 2/12/2022 ở mức 24.385 VND/USD, giảm 245 đồng so với phiên 30/11. Tương tự, tỷ giá trên thị trường tự do giảm 290 đồng ở chiều mua vào và giảm 230 đồng ở chiều bán ra, giao dịch tại 24.570 VND/USD và 24.730 VND/USD.
Thực tế, Ngân hàng Nhà nước vẫn đang trong đà hạ tỷ giá bán tại Sở giao dịch kể từ ngày 11/11/2022. Thời điểm đó, nhà điều hành đã điều chỉnh tỷ giá tham khảo tại Sở giao dịch Ngân hàng Nhà nước từ 24.870 đồng/USD xuống 24.860 đồng/USD. Đây là lần đầu tiên Ngân hàng Nhà nước giảm tỷ giá kể từ đầu năm 2022, sau khi có 6 lần thực hiện nâng giá bán USD, từ 23.050 đồng/USD lên 24.870 đồng/USD, tổng cộng tăng 1.720 đồng, tương đương tăng 7,4% (lần gần nhất là ngày 24/10, tỷ giá tăng 490 đồng, lên 24.870 đồng/USD).
Nhận định về diễn biến trên, trong cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng, áp lực về tỷ giá hối đoái đang giảm. Lạm phát của các nước, đặc biệt là Mỹ giảm nhanh và chỉ số US Dollar Index (DXY) đã đạt đỉnh ở mức 115, sau đó xuống 109. Quan trọng hơn, nếu Mỹ kéo dài tình trạng USD tăng giá thì kinh tế nước này cũng “mệt mỏi”, ảnh hưởng xấu đến cán cân thương mại.
“Tôi nghĩ, sớm hay muộn, Mỹ cũng phải tìm cách hạ US Dollar Index (DXY) xuống bằng nhiều biện pháp, trong đó giảm mức độ tăng lãi suất, cho nên sức ép với tỷ giá hối đoái của Việt Nam đang có xu hướng giảm”, TS. Nghĩa nói.
Thứ hai, FDI đăng ký giảm, nhưng FDI giải ngân lại tăng tốt. Theo Tổng cục Thống kê, tổng vốn FDI vào Việt Nam từ đầu năm 2022 đến ngày 20/11 đạt 25,14 tỷ USD, giảm 5% so với cùng kỳ năm trước. Trái ngược với vốn đăng ký, vốn FDI thực hiện tại Việt Nam ước đạt 19,68 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ, đây là số vốn FDI thực hiện cao nhất của 11 tháng trong 5 năm qua.
Thứ ba, tỷ giá hối đoái tăng thì xuất khẩu có lợi. Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, 11 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam ước đạt 673,8 tỷ USD, trong đó xuất khẩu 342,2 tỷ USD, nhập khẩu khoảng 331,6 tỷ USD. Như vậy, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 10,6 tỷ USD sau 11 tháng.
“Kiều hối cuối năm có thể tăng lên, cộng thêm những động thái của Ngân hàng Nhà nước trong bình ổn tỷ giá hối đoái, đó là cơ hội để chúng ta giữ cho được tỷ giá hối đoái biến động ở mức 10% vào cuối năm nay, thậm chí có thể đến giữa năm sau”, TS. Nghĩa nhận định.