Sức ép từ trái phiếu, doanh nghiệp địa ốc nguy cơ “vỡ nợ kỹ thuật”
Từ cuối tháng 4, Ngân hàng Nhà Nước đã ban hành liên tiếp hai thông tư gồm Thông tư 02 quy định về cơ cấu thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn và Thông tư 03 điều chỉnh hoạt động mua, bán trái phiếu của tổ chức tín dụng.
Tuy vậy, theo đánh giá của các chuyên gia, tác động của chính sách này phần nào giúp doanh nghiệp có thêm thời gian cơ cấu nợ, nhưng thanh khoản của thị trường trái phiếu gần như chưa cải thiện khi lượng giao dịch trái phiếu của doanh nghiệp niêm yết chiếm chưa đến 5% tổng thị trường.
Thêm vào đó, tháng 6 này cũng là thời điểm có giá trị trái phiếu đáo hạn cao nhất năm với hơn 35.500 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với tháng trước (số liệu từ báo cáo của Công ty Chứng khoán VNDirect). Điều này càng gây áp lực cho các DN đang có trái phiếu tới hạn trả nợ.
Quan sát của Dân Việt, từ đầu tháng 6 đến nay, đã có hàng chục công ty công bố lùi việc thanh toán gốc và lãi cũng như đàm phán gia hạn kéo dài thời gian đáo hạn cho nhiều lô trái phiếu.
Chẳng hạn, Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Đất Xanh Miền Nam công bố chậm thanh toán 5 kỳ trả lãi đối với lô trái phiếu MNRCH2123001. Thời gian thanh toán của các đợt này theo kế hoạch từ giữa tháng 2 đến cuối tháng 5/2023 với tổng số tiền lãi hơn 6 tỷ đồng và được công ty dự kiến sẽ thanh toán vào ngày 30/6.
Công ty CP Tập đoàn xây dựng SCG công bố kéo dài ngày kỳ hạn của lô trái phiếu SCGCH2023001 có trị giá 1.500 tỷ đồng (phát hành vào cuối năm 2020), từ 36 lên 60 tháng. Ngày đáo hạn cũ 31/12/2023 nay sẽ chuyển sang 31/12/2025.
Còn theo thông báo của Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), tính đến cuối tháng 5 có khoảng 62 doanh nghiệp nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc trái phiếu doanh nghiệp. Ước tính, tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp của các doanh nghiệp này vào khoảng 157.700 tỷ đồng, chiếm khoảng 14,4% dư nợ toàn thị trường.
Trong đó, khoảng hơn 45.200 tỷ đồng trái phiếu của các doanh nghiệp này sẽ đáo hạn trong năm 2023. Trong khi đó, dữ liệu từ Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) thì lượng trái phiếu doanh nghiệp đến hạn từ nay đến cuối năm 2023 là 195.090 tỷ đồng. Trong đó, nhóm bất động sản dẫn đầu về giá trị đến hạn với 101.179 tỷ đồng, kế đến là nhóm ngân hàng với 31.661 tỷ đồng.
Trong báo cáo cập nhật thị trường trái phiếu vừa phát hành, Công ty Chứng khoán HSC cho biết, có 110 doanh nghiệp phát hành có nguy cơ không trả được gốc, lãi trái phiếu đúng hạn.
“Những trường hợp trên là mất khả năng thanh toán theo tiêu chuẩn quốc tế, cho dù nhiều doanh nghiệp phát hành trong số này chưa chính thức thông báo mất khả năng thanh toán đúng hạn”.
Ngoài ra, chuyên gia của HSC cũng nhận định, trong kịch bản cơ sở, dự kiến khối lượng trái phiếu chậm thanh toán có thể lên đến 77.400 tỷ đồng vào cuối năm nay.
Trong khi đó, theo báo cáo của SSI Research, nhận định, kể từ quý IV/2022, đã có nhiều tranh chấp liên quan tới trái phiếu doanh nghiệp và hầu hết đều liên quan đến ngành bất động sản, nhiều chủ đầu tư đã rơi vào tình trạng “vỡ nợ kỹ thuật” do vi phạm giá trị tài sản đảm bảo và không thu xếp thanh toán được gốc, lãi trái phiếu đúng hạn.
“Trong số chủ đầu tư đã niêm yết, NVL có thể là nhà phát hành lớn nhất rơi vào tình trạng như vậy”, SSI Research, dẫn chứng.
Ngoài ra, với Nghị định 08, nhà phát hành trái phiếu đã có một khung pháp lý để đàm phán với các trái chủ nhằm kéo dài thời gian đáo hạn trái phiếu hoặc hoán đổi trái phiếu đang lưu hành thành tài sản khác là bất động sản. Điều này đã giúp giảm bớt áp lực trả nợ ở một mức độ nhất định.
Tổng Hợp
(Dân Việt)